Phân tích và những tản mạn quanh các nhà thơ và các bài thơ

Started by QUANGKHAI, 15/08/07, 10:03

Previous topic - Next topic

QUANGKHAI

Nguyệt Cầm - Một nốt nhạc buồn của Xuân Diệu

Trăng nhập vào đây cung nguyệt lạnh
Trăng thương, trăng nhớ, hỡi trăng ngần
Đàn buồn, đàn lặng, ôi đàn chậm
Mỗi giọt rơi tàn như lệ ngân

Mây vắng, trời trong, đêm thuỷ tinh
Lung linh bóng sáng bỗng rung mình
Vì nghe nương tử trong câu hát
Đã chết đêm rằm theo nước xanh

Thu lạnh càng thêm nguyệt tỏ ngời
Đàn ghê như nước, lạnh, trời ơi
Long lanh tiếng sỏi vang vang hận:
Trăng nhớ Tầm Dương, nhạc nhớ người...

Bốn bề ánh nhạc, biển pha lê
Chiếc đảo hồn tôi rợn bốn bề
Sương bạc làm thinh, khuya nín thở
Nghe sầu âm nhạc đến sao Khuê.   

Trong bản giao hưởng rộn ràng kia bỗng xuất hiện một giai âm trầm lắng, dịu hẳn. Nhưng là một giai âm thu hút đến lạ kì. Nó chiếm lĩnh người đọc bằng âm lượng vừa đủ nhẹ nhàng, đủ thanh thoát, đủ khơi sâu, động thấu đến lòng người đọc, thức dậy những trường liên cảm. Nguyệt cầm - cái điệu nhạc khác nhịp ấy - là một bài thơ hay, dễ truyền và gây cảm xúc mạnh mẽ đến độc giả. Rất tự nhiên nó tạo ra một chất kết dính vi huyền giữa nhà thơ và tác giả thứ hai (độc giả).

Nỗi ám ảnh thời gian trở thành niềm khắc khoải khôn nguôi của Xuân Diệu. Một con người ham sống đến say mê, cuồng nhiệt, khao khát được giao cảm với đời đến triệt để, đến tận cùng cho nên ông luôn vội vàng, giục giã, sống cuống quýt, sống để tận hưởng cho hết những dư vị của cuộc đời ngắn ngủi này. Nhịp sống sôi nổi và mạnh mẽ đó trở thành âm hưởng chủ đạo của thơ ông. Nhưng tâm hồn ham hố, vồ vập và luôn rạo rực ấy cũng có lúc cô đơn đến khủng khiếp vì không tìm được sự đồng điệu cảm thông với tâm hồn mình. Cho nên trong cô đơn, Xuân Diệu đã tìm đến với tạo vật để tìm sự giao thoa. Nguyệt cầm đã thể hiện rất rõ cảm quan nghệ sĩ hết sức tinh tế của nhà thơ khi nghe tiếng đàn sầu não trong một đêm trăng thu sáng lạnh. Không hiểu do ánh trăng, tiếng đàn vang vọng đã khơi nguồn cảm hứng hay do tiếng lòng nhà thơ đang tấu lên khúc nhạc dìu dặt này:

Trăng nhập vào dây
cung nguyệt lạnh...
Nghe sầu âm nhạc đến sao khuê.

Xuân Diệu nói: "Thơ hay lời thơ chín đỏ trong cảm xúc - đó là một chân lí vĩnh cửu" Quả thực bằng những rung động tinh vi và nhạy bén, Xuân Diệu đã nắm bắt được những biến thái của tự nhiên một cách rất tài tình. Nhà thơ phải mở rộng tâm hồn mình, phải "thức nhọn mọi giác quan" thì mới lắng nhận được vẻ đẹp của tạo vật và cất lên được những vần thơ hay như thế. Bài thơ được tạo ra từ khối cảm xúc của thi nhân được nung chảy. Cả âm nhạc cả màu sắc lan toả không gian. Khung cảnh tràn ngập ánh trăng, tràn ngập tiếng đàn tạo ra một không gian lung linh và huyền ảo. ở đây có sự hoà quyện giữa trăng và đàn. Từ đầu đề Nguyệt cầm đã đủ thể hiện phần nào. Trăng như phổ nhạc cho phím đàn vang ngân trong không gian, truyền đi trong không khí, toả ra và lan rộng.

Trăng nhập vào dây
cung nguyệt lạnh

Tác giả đã sát nhập trăng và cung đàn. Sự tương giao giữa tiếng đàn và ánh trăng đã đồng nhất hoá hai làm một. Không phải là thứ màu sắc vàng ánh, cũng không phải là nhạc điệu nào cụ thể nữa mà cái âm sắc mới này là sự kết chuyển siêu hình. Tác giả đã thổi hồn mình sang cho tạo vật. ánh trăng trở thành một sinh thể có cảm giác, có linh hồn. Tiếng đàn trở thành tiếng vọng của cõi lòng đi tìm sự tri âm, đồng điệu. Cái không gian màu - nhạc ấy ngưng kết lại đóng cứng và tinh khiết tuyệt vời:

- Mây vắng trời trong
đêm thuỷ tinh
Long lanh bóng sáng
bỗng rùng mình
- Thu lạnh càng thêm
nguyệt tỏ ngời
Đàn nghe như nước lạnh trời ơi

Một không gian yên tĩnh, trong suốt và rất mơ hồ nhưng nó khơi gợi ra cái siêu thoát như trong thơ Hàn Mặc Tử. Bài thơ này có thể đi qua chủ nghĩa lãng mạn, bước đến địa hạt tượng trưng. Nhưng dù mơ hồ và huyền ảo đến đâu thì ở cái ranh giới siêu thực này, Xuân Diệu vẫn còn bám vào đời, níu lấy cuộc sống trần thế. Với ông cuộc sống này là tất cả. Cho nên "chơi giữa mùa trăng" Hàn Mặc Tử thấy "kì ảo, thơm thơm" Đó là một đêm "siêu hình và vô lượng". Trong khi Hàn tan biến vào trăng thì Xuân Diệu vẫn ở trong đời sống thực mà cảm nhận những biến thiên của tạo vật. ông cảm nhận được không gian trong như thuỷ tinh, thấy được cái long lanh của bóng sáng và truyền cảm xúc cho những vật vô tri vô giác ấy trở thành một linh hồn biết rung động, tạo vật và tâm tình phản ánh vào nhau và bộc lộ qua hình tượng thơ. Người ta nói: thơ tiềm ẩn trong rung động. Bài thơ chỉ có thể được hình thành khi có sự truyền lan của rung động ấy. Nguyệt cầm chính là cảm xúc chân thực, nóng hổi của Xuân Diệu khi đối diện với cảnh vật và đối diện với lòng mình. Chỉ có rung động thực sự, Xuân Diệu mới cảm được cái đẹp của tạo hoá và chớp được những tơ rung của lòng mình. Nhịp điệu bài thơ nhẹ nhàng, dìu dịu, đượm một thoáng buồn nhưng vẫn có sự chuyển tấu của âm sắc. Đó là những cung bậc khác nhau của âm nhạc mà Xuân Diệu nghe được bằng chính cái ân tình của mình.

Trăng thương trăng nhớ
Hỡi trăng ngần
Đàn buồn đàn lặng ôi đàn chậm
Mỗi giọt rơi tàn như lệ ngân.

Khi lòng mình đang cô đơn, trống trải, tạo vật bỗng dưng ngưng đọng những giọt sầu. Tần số giao động của từng tiết tấu trong câu thơ chậm rãi, ngắt nhịp từng đôi một nghe thật buồn. Nhạc đàn hay nhạc lòng nhà thơ... Không rõ nữa. Buồn, thương, nhớ, bằng mấy tính từ chỉ sắc thái biểu cảm ấy gợi cho người đọc một tâm trạng cô đơn, buồn thảm. Có một cái gì đó như là sự day dứt, trở trăn. Trăng và đàn tuy có sự hoà nhập nhưng tác giả vẫn luôn để chúng sóng đôi. Dường như để tâm tình. Tạo vật đã được "nội cảm hoá", nhà thơ biến cái vô hình trở nên hữu hình. Trăng và đàn trở thành hai sinh thể sống bằng rung cảm và tâm tình của nhà thơ. Từ buồn, thương và nhớ ấy, cảm giác lạnh buốt tê cứ chợt xâm chiếm cảm quan người đọc:

Đàn nghe như nước lạnh trời ơi
Long lanh tiếng sỏi
vang vang hận

Gam độ của nỗi buồn ngày càng gia tăng. Cả âm nhạc, cả ánh sáng tụ đọng thành từng giọt lạnh lẽo đến xương da. Cái hay của bài thơ chính là sự miêu tả cảm xúc. Cái cảm xúc vô hình kia bỗng trở nên có hình, có khối. Không gian ở đây là không gian của tâm trạng. Dường như ở đây cảm giác thực khuất đi mà chỉ còn lại là ảo giác. Tác giả sống bằng ảo giác. Trăng nhạc nhập nhoà và tiếng đàn đau khổ, não nề vì mệnh bạc của người xưa càng làm cho tác giả cảm thấu được nỗi cô đơn, buồn tẻ của mình. Bốn khổ thơ cuối khắc rõ sự cô đơn tuyệt đối của nhà thơ:

Bốn bề ánh nhạc biển pha lê
Chiếc đảo hồn tôi rợn bốn bề
Sương bạc làm thinh
khuya nín thở
Nghe sầu cảm nhạc
đến sao khuê.

Ở đây, không gian mang màu sắc trừu tượng: thấy rõ nhưng không nắm bắt được. Tác giả dùng hình ảnh trực tiếp đánh mạnh vào các giác quan. Cảnh sắc thu mình lại: "Sương bạc làm thinh", "khuya nín thở". Dường như Xuân Diệu chỉ nghe được, thấy được, cảm được cái lạnh lẽo từ mọi phía đang bủa vây lấy mình. Nhà thơ đã khắc chạm nỗi cô đơn của mình vào không gian bằng hình ảnh thơ rất độc đáo: "chiếc đảo hồn tôi"; "chiếc đảo hồn" ấy trở nên bơ vơ lạc lõng giữa không cùng của trời đất. Trước cái rộng lớn của vũ trụ, Xuân Diệu càng cảm thấy cô đơn. Nhưng không phải cái cô đơn như Huy Cận. Huy Cận cô đơn vì ông cảm thấy mình bé nhỏ trước thiên địa vô thủy vô chung. Còn Xuân Diệu, chỉ vì ông không tìm được mối giao hoà nên sự trống trải đã buộc ông ra khỏi cảm xúc thực, đi trong ảo giác.

Cả bài thơ là sự chuyển đổi từ màu sắc sang âm thanh và sự lan truyền từ âm thanh sang màu sắc. Nó thể hiện sự cảm nhận vi diệu của nhà thơ. Chất nhạc thấm đẫm trong từng câu thơ, buồn buồn, chầm chậm, ngưng, nghỉ và đôi lúc yên lặng hoàn toàn. Đó là một nốt nhạc trầm trong cả bản âm thanh ào ạt kia. Phải chăng đó chính là lời độc thoại của Xuân Diệu!...

                                                                                                                                    Nguyễn Khánh Thư

sống phải chiến đấu - chiến đấu để thấy mình còn sống

QUANGKHAI

Liệt sĩ Lê Anh Xuân: Nhà thơ, người chiến sĩ 

Trong những lớp nhà thơ trẻ xuất hiện từ những năm tháng chống Mỹ cứu nước, Lê Anh Xuân là một tác giả được đông đảo bạn đọc yêu thơ chăm chú theo dõi với một cảm tình đặc biệt. 

Vốn xuất thân trong một gia đình giàu truyền thống, yêu văn học và làm thơ từ nhỏ, ngay từ những bài thơ đầu tiên ra mắt người đọc Lê Anh Xuân đã được đánh giá cao. Bài thơ "Nhớ mưa quê hương" được giải Nhì cuộc thi thơ do tạp chí Văn nghệ tổ chức năm 1960 đã đánh dấu những thành công bước đầu của anh.

Lê Anh Xuân đại diện cho một thế hệ thanh niên say mê lý tưởng, chiến đấu hy sinh vô điều kiện cho sự nghiệp cách mạng. Mặc dù chỉ sống vỏn vẹn 28 năm, nhưng 28 năm đó anh đã cùng dân tộc nếm trải hai cuộc kháng chiến vĩ đại chống thực dân Pháp rồi chống đế quốc Mỹ. Những biến động của lịch sử góp phần hoàn thiện thêm hồn thơ và lòng yêu nước trong người thanh niên trẻ tuổi. Thơ anh và chính cuộc đời anh đều thể hiện sự gắn bó máu thịt với quê hương đất nước, với nhân dân, với đồng đội. Có thể nói anh là người ghi lại lịch sử bằng thơ. Lịch sử đấu tranh anh hùng của dân tộc trong kháng chiến chống Mỹ được anh phản ánh một cách sinh động, trong đó nổi bật là hình ảnh quê hương Bến Tre và những người đã dũng cảm ngã xuống vì sự trường tồn của Tổ quốc. Dù chưa đủ thời gian và điều kiện để rèn luyện, gọt giũa, tạo nên những đột phá mới cho thơ nhưng với hai tập thơ chính "Tiếng gà gáy", "Hoa dừa" và tập trường ca "Nguyễn Văn Trỗi" đã đủ để chúng ta thấy được một phong cách riêng, một tiếng thơ say sưa trong trẻo ngợi ca đất nước, một giọng điệu nhỏ nhẹ tâm tình mà không kém phần sâu sắc.

Năm 1954, Lê Anh Xuân theo gia đình tập kết ra Bắc. Có thể nói 10 năm sống ở miền Bắc đã để lại dấu ấn sâu sắc trong anh. Miền Bắc thân yêu cũng là chất liệu và là cảm hứng chính để anh viết nên tập thơ đầu tiên - "Tiếng gà gáy", tập thơ chủ yếu viết về miền Bắc đang xây dựng chủ nghĩa xã hội. Lê Anh Xuân có những cảm xúc say sưa, ngỡ ngàng trước cuộc sống bộn bề sôi động, trước bao đổi thay nhanh chóng của cuộc sống. Hiện lên trong thơ anh là những công trường, những con đường, những vùng đất, những mùa gặt... cuộc sống mới đang thay da đổi thịt từng ngày. Sự chuyển mình của miền Bắc thật mạnh mẽ và đầy chất thơ. Bất cứ nơi nào đặt chân đến ta cũng có thể nhìn thấy sự "bừng nở" của cuộc sống mới:

"Thái Nguyên bừng nở khu gang thép

Việt Trì khói trắng như mây trôi..."

Anh "Lên Bắc Sơn" chứng kiến sự đổi thay nhanh chóng, xuống "Đêm Uông Bí" tưng bừng ánh điện công trường, vui mừng trước "Con đường cũ" giờ thênh thang rộng mở, tấp nập những đoàn xe qua lại... Tình yêu của Lê Anh Xuân với miền Bắc được thể hiện trực tiếp, rất sôi nổi và hào hứng:

"Miền Bắc ơi! Sao tôi yêu quá!

Như yêu em, yêu má, yêu ba

Xa quê hươn,g miền Bắc là nhà

Tôi như lá xanh chen trong cành biếc".

(Mười năm)

Có thể nói tình cảm trong trẻo, trẻ trung đã tạo nên sức lôi cuốn đặc biệt cho tập thơ đầu tay, cũng như cho bài thơ được giải báo Văn Nghệ - "Nhớ mưa quê hương" của anh. Bài thơ tuy giản dị, nhưng là những tình cảm tha thiết và chân thực, thuần khiết và sâu sắc về quê hương:

"Mưa cuốn đi rồi

Mưa chảy xuống dòng sông quê nội

Sóng nước quê hương dào dạt chảy về khơi

Chở những kỷ niệm xưa, chìm lắng bốn phương trời

Và ta lớn tình yêu hoà bể rộng

Cơn mưa nhỏ của quê hương ta đã sống

Nay vỗ lòng ta rung động cả trăm sông."

Trong tập "Tiếng gà gáy", ngoài hình ảnh miền Bắc luôn thường trực, hồn thơ Lê Anh Xuân còn luôn hoài niệm, nhớ nhung, ưu tư về miền Nam, về quê nội, về hàng dừa trước ngõ, về những đêm mưa, những dòng sông mà tuổi thơ anh đã từng tắm mát. Nỗi nhớ thương miền Nam vô hạn đã được thể hiện ngay trong những bài thơ day dứt viết trên quê hương miền Bắc:

"Mưa vẫn đang trút nước

Gió vẫn đạp cửa phòng

Quê hương có mưa không?"

(Đêm mưa)

Lòng thương miền Nam chưa được giải phóng đã khiến anh khao khát được "Trở về quê nội" để tham gia chiến đấu ("Ôi ta thèm được cầm khẩu súng. Đi giữa đoàn quân cùng với bạn bè. Nằm chờ giặc trên quê hương anh dũng. Ta say nồng mùi lá rụng bờ tre"). Tập thơ "Hoa dừa" được anh viết trong thời gian làm việc và chiến đấu ở miền Nam. Trực tiếp cọ xát với hiện thực, trực tiếp tham dự, chứng kiến hiện thực khốc liệt mà anh dũng, cảm hứng về quê hương đất nước của Lê Anh Xuân được phát triển lên một tầm độ mới. Không còn là những tưởng tượng, nhớ nhung trong xa cách, những bài thơ giờ đây có khói lửa của cuộc chiến, có cái chết của những anh hùng, có sự gồng mình lên của toàn dân tộc. Những nghĩ suy, những ý tưởng được trải nghiệm qua thực tế trở nên sâu sắc và chín chắn hơn. Tập thơ ghi lại những chặng đường mà nhà thơ đã đi qua, đó là những miền đất ("Qua ấp Bắc"; "Nhìn về An Đức", "Anh đứng giữa Tháp Mười", "Mùa xuân Sài Gòn", "Mùa xuân chiến thắng"...); những người anh hùng mà nhà thơ đã gặp, đã nghe thấy ("Gửi anh Tư", "Gặp những anh hùng", "Bài thơ Áo trắng", "Em gái đưa đò", "Lão du kích", "Người mẹ trồng bông"...). Tập thơ bộc lộ sự ngỡ ngàng, khâm phục, tự hào trước những đổi thay kỳ diệu và sự anh dũng của miền Nam.

Là một nhà thơ - chiến sĩ, thơ Lê Anh Xuân thể hiện cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Anh tốt nghiệp Khoa Lịch sử, và có thể đó là một lý do để giải thích cảm hứng lịch sử nồng đậm trong thơ anh. Những vùng đất, những con người dù vô danh hay hữu danh đều mang tư thế và tầm vóc lịch sử. Trong thơ anh không có hình ảnh của cá nhân, tất cả những tình cảm tốt đẹp nhất nhà thơ đều dành cho đất nước. Dù có "ta yêu em", có hình ảnh anh, em, có bao cung bậc cảm xúc của tình yêu ...thì tất cả đều là hiện thân của hình ảnh đất nước:

"Yêu biết mấy khi nghe em hát

Tiếng của em - tiếng quê hương bát ngát

Tiếng của đồng bào đồng chí chúng ta

Trong đau thương vẫn cất lời ca."

(Ta yêu em)

Cái tôi nhà thơ đã hoà chung với cái ta dân tộc. Anh muốn dựng lên những dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ. Hình ảnh anh giải phóng quân hy sinh trên sân bay Tân Sơn Nhất trong bài thơ cuối cùng "Dáng đứng Việt Nam" như một tượng đài hùng vĩ hiện lên trên cái nền bát ngát của không gian Tổ quốc và thời gian thế kỷ. Anh là biểu tượng của dáng đứng Việt Nam:

"Anh tên gì hỡi anh yêu quý

Anh vẫn đứng lặng im như bức thành đồng

Như đôi dép dưới chân anh giẫm lên bao xác Mỹ

Mà vẫn một màu bình dị sáng trong

Không một tấm hình, không một dòng địa chỉ

Anh chẳng để lại gì cho riêng anh trước lúc lên đường

Chỉ để lại dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ

Anh là chiến sĩ giải phóng quân".

Cũng như anh chiến sĩ trong thơ, ngoài khẩu súng và một tập nhật ký chiến trường, Lê Anh Xuân không mang theo gì cho riêng mình. Đồng đội liệm anh trong cánh võng, cánh võng theo anh đi suốt chặng đường Nam Bắc vượt Trường Sơn. Ngoài anh giải phóng quân, ta còn bắt gặp rất nhiều anh hùng trong thơ Lê Anh Xuân. Đó là một mảng đề tài anh tâm huyết và dành rất nhiều tình cảm. Đến dự Đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua toàn miền Nam lần thứ I (5.1965) anh viết "Gặp những anh hùng". Bài thơ tuy còn dàn trải nhưng cảm xúc hồ hởi, trẻ trung, tự hào, say mê yêu nước thì như muốn tràn ra khỏi con chữ:

"Tôi ngồi giữa bốn bề đỏ rực

Giữa những chiếc hoa trên ngực anh hùng

Thấy mặt mình hồng thêm sắc đỏ

Thấy ngày mai rực rỡ trời hồng".

Sau "Gặp những anh hùng", Lê Anh Xuân còn khắc họa các anh hùng như Nguyễn Văn Tư ("Gửi anh Tư"), anh hùng Huỳnh Việt Thanh ("Anh đứng giữa Tháp Mười"), chị Nguyễn Thị Châu ("Bài thơ áo trắng"), "Em gái đưa đò", "Ông lão du kích", "Người mẹ trồng bông", mười hai cô gái Bến Tre lấy vai đỡ cầu cho bộ đội qua sông ("Qua cầu"), "Cô xã đội"... Có thể nói, Lê Anh Xuân biết ơn và khâm phục tất cả những con người đã cống hiến sức mình cho đất nước. Anh biết chính những con người anh dũng vô song, chính tầm vóc của miền Nam, của dân tộc ta trong thời đại đánh Mỹ ấy đã nâng cánh cho hồn thơ anh. Anh làm thơ về họ như một sự tri ân, như sự ghi chép hối hả cho kịp với những chiến công để "Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân", để dáng đứng của họ được tạc vào lịch sử. Vậy nên, anh làm thơ trước hết không phải để cho thơ, thơ với anh là vũ khí, là sự cổ vũ chiến đấu, là sự ghi nhận công lao của tất cả những con người Việt Nam anh hùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Trên cơ sở cảm hứng lãng mạn sử thi, Lê Anh Xuân rất có ý thức phát hiện, khái quát những phẩm chất cao đẹp của dân tộc. Một số bài ở tập "Hoa dừa" đã mang giọng "trữ tình lớn", thể hiện khá rõ xu hướng này trong thơ anh ("Không ở đâu như ở miền Nam", "Gửi miền Bắc", "Chào Hà Nội", "Chào Thăng Long"). Bài thơ cuối đời "Dáng đứng Việt Nam" có lẽ là bài thơ tiêu biểu trong quá trình vận động tư duy nghệ thuật đó. Mặt khác, Lê Anh Xuân luôn tìm tòi những hình thức thể loại để cố gắng thể hiện khái quát nhất, xứng đáng với tầm vóc của con người Việt Nam vĩ đại trong chiến đấu. "Trường ca Nguyễn Văn Trỗi" là một thể nghiệm thành công của anh trong thể loại trường ca - thể loại có khát vọng ghi lại những chiến công, những con người anh hùng mang tầm dân tộc. Chất hùng ca và tình ca trong tập trường ca này đã hoà quyện và được thể hiện một cách xúc động. Tuy thuật lại câu chuyện có thật nhưng bút pháp của tác giả ở đây thiên về lãng mạn hoá; và dù chưa thật đa dạng, biến hoá trong giọng điệu thơ, dù có những đoạn kể lể dài dòng nhưng bản trường ca về người anh hùng đã lôi cuốn người đọc bởi chính cuộc đời anh, cũng như bởi cảm xúc dạt dào, tình cảm chân thành của tác giả. Chúng ta hiểu vì sao hay nhất trong bản trường ca là những đoạn ca ngợi Tổ quốc giàu đẹp, những đoạn viết về mối tình trong sáng, thuỷ chung, về tình yêu quê hương Thu Bồn của người anh hùng bất tử. Trường ca "Nguyễn Văn Trỗi" là tác phẩm chứng tỏ sự tìm tòi sáng tạo nghệ thuật không ngừng của Lê Anh Xuân ngay cả trong hoàn cảnh chiến đấu gian khổ. Hơn nữa, nó thể hiện tư duy có xu hướng khái quát hoá về nội dung và hình thức trong thơ anh cũng như trong nền thơ ca chống Mỹ nói chung.

Từ "Tiếng gà gáy" đến "Hoa dừa", từ truyện ký "Giữ đất" đến trường ca "Nguyễn Văn Trỗi", cảm hứng chủ đạo của Lê Anh Xuân vẫn là tình yêu quê hương đất nước quyện chặt với tình yêu nhân dân và lý tưởng cách mạng. Trong thơ Lê Anh Xuân có lúc trong nỗi nhớ ("Nhớ dừa"), có lúc trên đường chiến đấu ("Dừa ơi", "Đuốc lá dừa"), có lúc trong suy tưởng ("Hoa dừa"), nó cho ta thấy tình cảm sâu sắc của nhà thơ với mảnh đất mà mình đã sinh ra. Hình ảnh dòng sông và mưa quê hương gắn với hồn thơ trong trẻo đầy sức sống của Lê Anh Xuân. Đó là những kỷ niệm, là những giọt nước tắm mát tâm hồn, là những niềm hy vọng đang thắp sáng.

Lê Anh Xuân là nhà thơ tiêu biểu cho cảm hứng sử thi cách mạng. Anh đã cất tiếng ca tươi trẻ ngợi ca Tổ quốc anh hùng. Dù chưa đủ thời gian để hoàn thiện thêm, để những bài thơ mang tầm triết lý cao hơn, dù sự nghiệp vẫn còn dang dở, anh vẫn chưa nói hết được những gì muốn nói, nhưng trong dòng văn học cách mạng nói riêng và văn học Việt Nam nói chung, anh vẫn có một vị trí không thể thay thế. Anh đã đặt nền móng vững chắc cho một lớp nhà thơ hùng hậu sau này như Phạm Tiến Duật, Nguyễn Duy, Hữu Thỉnh, Nguyễn Đức Mậu, Thanh Thảo có được những cách tân mới cho thơ. Đồng thời, cùng với hình tượng con người Việt Nam anh dũng, thông điệp của anh đã đến được với nhân loại. Theo bài báo "Thơ Việt Nam khởi sắc ở châu Á", Lê Anh Xuân đã được giới thiệu trên tạp chí Shi Phyeong (Thi bình), một tạp chí chuyên về thơ và các thành tựu thi ca châu Á cấp tiến ở Hàn Quốc. Trong các từ điển và các công trình nghiên cứu văn học Việt Nam anh cũng luôn có một chỗ đứng xứng đáng. Khi nhớ về Lê Anh Xuân, GS. Vũ Dương Ninh đã nói: Nếu kể đến một người học trò cụ thể mà tôi nhớ nhất, đó là trường hợp Ca Lê Hiến, tức nhà thơ - liệt sĩ Lê Anh Xuân. Lê Anh Xuân học rất giỏi, thông minh, được giữ lại làm giảng viên Bộ môn Lịch sử thế giới, chuyên về lịch sử văn hoá Hy Lạp, La Mã. Những năm 60, Anh Xuân vào Nam công tác theo nhiệm vụ được phân công và hy sinh trong đó. Đến nay, Khoa Lịch sử vẫn tự hào vì có người học trò - nhà thơ - liệt sĩ này.

Đoàn Đức Phương - Diêu Lan Phương



sống phải chiến đấu - chiến đấu để thấy mình còn sống

QUANGKHAI

 
Mẹ - trong thơ Nguyễn Bính và Đoàn Văn Cừ

Nguyễn Bính và Đoàn Văn Cừ là người cùng quê. Đoàn Văn Cừ người làng Đô Quan, huyện Nam Trực, Nguyễn Bính làng Thiên Vinh, huyện Vụ Bản, cùng tỉnh Nam Định. Hai nhà thơ lại là người cùng thời. 

Đoàn Văn Cừ sinh năm 1913 hơn Nguyễn Bính 5 tuổi, Nguyễn Bính sinh năm 1918 nhưng cha ông cùng xuất hiện, cùng nồi tiếng trong làng thơ mới trước năm 1940, ấy là năm 1939. Khi Nguyễn Bính cho in "Lỡ bước sang ngang" trên Tiểu thuyết thứ Năm, Đoàn Văn Cừ cũng tung ra chùm ngũ sắc Chợ tết, Hội xuân... trên báo Ngày nay. Dầu cho trước đó và sau đó, Nguyễn Bính có hàng ngàn bài thơ hay, Đoàn Văn Cừ có nhiều trăm bài thơ hay thì "Lỡ bước sang ngang" và chùm "Ngũ sắc Chợ tết" vẫn là cái đỉnh cao nhất trong thơ của hai ông.

Và một trùng hợp lạ lùng, rất thú vi nữa, là đúng 3 năm sau, năm 1942, mỗi ông có một bài thơ viết riêng về Mẹ của mình một cách hết sức trân trọng thành kính. Và lạ nữa, là hình như hai bà thân mẫu đều mất năm 1918, năm Nguyễn Bính được sinh ra và Đoàn Văn Cừ được 5 tuổi. Hình ảnh hai bà mẹ đều được đặt trong trường hợp miêu tả giống nhau. Đó là dịp tết Nguyên Đán cố truyền, thời điểm của lễ nghĩa quan trọng nhất trong một năm, thể hiện rõ níât đức hạnh cao quý của người đàn bà nước Nam.

Tết đến mẹ tôi vất vả nhiều
Mẹ tôi lo liệu đã trăm chiều
...
Xong ba ngày tết mẹ tôi lại
Đầu tắt mặt tối nuôi chồng con.
(Tết của mẹ tôi - Nguyễn Bính)

U tôi ngày ấy mỗi mùa xuân
Dặm liễu mây bay sắc trắng ngần
Lại dẫn chúng tôi về nhận họ
Bên miền quê ngoại của hai thân.
(Đường về quê mẹ - Đoàn Văn Cừ)

Đấy là những người mẹ mẫu mực, tần tảo làm ăn, quán xuyến công việc nội trợ gia đình, chăm sóc chồng con, hiếu thảo với đôi bên cha mẹ, thành kính với tổ tiên, nghiêm cẩn với lệ tục làng nước.

Mẹ tôi thắt chặt chiếc khăn sồi
Rón rén lên bàn thờ ông tôi
Đôi mắt người trông thành kính quá
Ngước xem hương cháy đến đâu rồi
(Tết của mẹ tôi - Nguyễn Bính)

Tới trường làng gặp những người quen
Ai cũng khen u nết thảo hiền
Dẫu phải theo chồng thân phận gái
Đường về quê mẹ vẫn không quên.
(Đường về quê mẹ - Đoàn Văn Cừ)

Không những đẹp về phẩm hạnh, hình ảnh bà mẹ còn đẹp giòn giã trong cách nhìn riêng của mỗi người con:

Mẹ tôi uống hết một cốc rượu.
Mặt người đỏ tía vì hơi men
Người rủ cô tôi đánh tam cúc
Cười ầm tốt đỏ đè tốt đen
(Tết của mẹ tôi - Nguyễn Bính)

Thúng cắp bên hông nón đội đầu
Khuyên vàng yếm thắm áo the nâu
Trông u chẳng khác thời con gái
Mắt sáng môi hồng má đỏ au
(Đường về quê mẹ - Đoàn Văn Cừ)

Xét về hành trình và năm tháng, Đoàn Văn Cừ và Nguyễn Bính không có quan hệ gần gũi với nhau. Sự trùng hợp trong thơ là ngẫu nhiên, nhưng lại có nguồn gốc chung sâu xa là đạo lý làm người, là truyền thống văn hiến, thi thư lễ nghĩa, là cảnh ngộ giống nhau, mồ côi mẹ rất sớm, suốt một đời khát khao tình mẫu tử! Nguyễn Bính mất sớm năm 48 tuổi (1966), còn Đoàn Văn Cừ vẫn đang sống vượt tuổi 90. Năm 1993, đúng 51 năm sau "Đường về quê mẹ", Đoàn Văn Cừ ở tuổi 80 còn viết một bài thơ nữa nhớ về mẹ và em gái rất tha thiết. Bài "Nhớ tuổi hoa niên", có những câu:

Đâu biết ngày nay mẹ đã già
Em giờ hương sắc cũng phôi pha
Hỡi cảnh năm xưa còn có nhớ
Những người thân mến của ta không?

"Tết của mẹ tôi", "Đường về quê mẹ" là những bài thơ hay viết về mẹ của hai nhà thơ tài hoa sau 24 năm mồ côi mẹ. Cảm xúc dồn nén, hun đúc, với những hình ảnh, những câu chuyện xác thực trong đời sống riêng biệt đã làm nên sức lay động sâu sắc đến người đọc. Nói là hình ảnh xác thực và câu chuyện xác thực bởi vì, ngay khi Nguyễn Bính mồ côi mẹ khi còn ẵm ngửa, ông không thể nhìn thấy mẹ sống và làm việc như thế nào, nhưng những điều ông kể trong thơ đều là chuyện có thật, hình ảnh có thật đó các cô, các dì,, các anh, các chi trong gia đình kế lại. Mà chuyện kể có thể còn nhiều hơn thế nữa. Còn Đoàn Văn Cừ may mắn hơn khi mẹ mất ông đã 5 tuổi, đã được học hành, đã vài lần lon ton theo mẹ về quê ngoại. Con đường về quê ngoại của ông từ làng Đô Quan sang làng Cố Gia dài đến vài cây số, đi qua lớp lớp những cánh đồng màu cát trắng, cát vàng, bạt ngàn ngô, khoai, cà, đỗ.

Cồn xanh bãi tía kề liên tiếp
Người xới cà, ngô rộn bốn bề

Rồi các hình ảnh:

Tà áo nâu in gữa cánh đồng
Gió chiều cuốn bụi bốc sau lưng

Thì đúng là hình ảnh rất thật trên con đường có thật đó.

Nói nhiều đến từ "thật" là vì gần đây một nhà thơ khi bình thơ Đoàn Văn Cừ có nói: Đường về quê mẹ là bài thơ nhiều màu sắc, đủ 12 màu như bài Chợ tết, và Đoàn Văn Cừ lấy hình ảnh của những thiếu nữ nông thôn đương thời để viết về mẹ mình ngày xưa, tạo nên hình ảnh người phụ nữ nông thôn tiêu biểu thời xưa. Nói như thế thật không thấu lý đạt tình.

Đoàn Văn Cừ đã từng tâm sự: ông nhớ rất rô về mẹ. ông vô cùng yêu quý mẹ và nhớ thương mẹ da diết. Lớn lên làm thơ, ông luôn luôn tâm niệm phải viết được đúng về mẹ của mình.

Phải chăng những bài thơ về mẹ thường rất hay ở chỗ chân cảm và rất độc đáo ở chỗ sự thật riêng tư.

Trần Ngọc Thụ



sống phải chiến đấu - chiến đấu để thấy mình còn sống

QUANGKHAI

Sự tích bài thơ "Hôn" của Phùng Quán

Nhà thơ Phùng Quán để lại nhiều bài thơ hay, được hàng triệu người đọc Việt Nam thuộc nằm lòng như Lời mẹ dặn, Đêm Nghi Tàm đọc Đỗ Phủ cho vợ nghe, Say... Trong đó Hôn là bài thơ hay được nhắc đến nhiều nhất. Bài thơ Hôn có trong hành trang của bao thế hệ chiến sĩ cách mạng Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Bài thơ được tuyển đi tuyển lại trong hàng chục tuyển tập thơ từ 50 năm nay. Được in trong tuyển tập Panorama de la Littérature Vietnamism do nhà văn hoá Hữu Ngọc dịch. Bài thơ được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc.

Khi người ta yêu nhau
Hôn nhau trong say đắm
Còn anh, anh yêu em
Anh phải đi ra trận!

Nhưng:

Yêu nhau ai không muốn
Gần nhau và hôn nhau
Nhưng anh, anh không muốn
Hôn em trong tủi sầu!

Bài thơ được coi như là tuyên ngôn tình yêu của người lính khi Tổ quốc đang bị giày xéo dưới gót giày quân xâm lược: Nhưng dù chết em ơi/ Yêu em anh không thể/ Hôn em với đôi môi/ Của một người nô lệ! Âm hưởng bài thơ giống như khẩu khí thơ của các nhà thơ cộng sản Nadim Hikmet, Pe-tơ-pi. Bài thơ viết năm 1954, khi Phùng Quán 22 tuổi. Đọc bài thơ tôi cứ ngỡ nhà thơ viết tặng một cô gái nào đó mà anh từng yêu thương, nhớ nhung dọc đường ra trận. Nhưng không phải! Sự tích bài thơ bi hùng hơn rất nhiều. Tôi dùng chữ "sự tích" vì đây là một câu chuyện dài, đầy chất anh hùng ca, liên quan đến "Tuổi thơ dữ dội" của Phùng Quán.

Mới đây nhà văn Nguyễn Khắc Phê đã cung cấp cho tôi lai cảo một bài viết dài của Phùng Quán viết tại Chòi Ngắm Sóng Hồ Tây năm 1992, có tựa đề: "Bản anh hùng ca bị mối xông và mười bảy bộ hài cốt...". Tôi đọc và bàng hoàng vì câu chuyện được kể lại vô cùng lẫm liệt về cuộc chiến đấu và sự hy sinh dũng cảm, khí phách của 17 chiến sĩ cảm tử của Trung đoàn Vệ quốc quân Trần Cao Vân giữa lòng thành phố Huế năm 1946. Bài viết cũng nói rõ xuất xứ của bài thơ Hôn. Nhà thơ Phùng Quán viết: "... Cách đây trên ba mươi năm có lẻ, trong những ngày gian khó nhất của đời mình, trong nỗi buồn bã và thất vọng khôn cùng, tôi khởi viết một thiên hùng ca... Thiên hùng ca kể lại một câu chuyện có thật, những người anh hùng có thật, hơn nữa những người anh hùng mà tôi quen biết, và tôi có mối hàm ơn sâu nặng vì một lần họ đã cứu tôi thoát khỏi đạn đại liên giặc ăn thịt trong trận đánh kinh hồn vào vị trí Miễu Đại Càng... Thiên anh hùng ca gồm 10 chương, khoảng nghìn câu thơ, với một Khai từ và một Hậu từ. Từ năm 1958 đến 1988, tôi bị mất quyền in sách nên thiên hùng ca chịu chung số phận với nhiều tác phẩm khác của tôi: Mối xông! Nghìn câu thơ nay không còn nhớ nữa. Nhưng cốt truyện, đoạn khai từ và lác đác dăm câu thơ, đoạn thơ khắc hoạ ý tưởng chính tôi vẫn còn nhớ như in... Thiên hùng ca ấy có tên là Huyệt lửa chôn chung". Xin gác lại chuyện các chiến sĩ Trung đoàn 101 Trần Cao Vân đã cứu sống và đã phạt roi Phùng Quán như thế nào, để tập trung vào sự tích bài thơ Hôn. Điều cực kỳ thiêng liêng và cảm động là bài thơ Hôn là một đoạn được trích ra từ Thiên hùng ca ấy, viết về tình yêu của người chiến sĩ thật có tên là Phùng Huấn!

Tháng 7-1992, nhà văn Nguyễn Đắc Xuân có bài viết Tìm được hài cốt của 17 liệt sĩ hy sinh từ năm 1946 in trên báo Lao động. Bài báo kể lại, ngày 4-6-1992, trong lúc đào móng cải tạo công trình nhà của Uỷ ban Khoa học kỹ thuật tỉnh TT-Huế tại 18 - Hà Nội - Huế, người ta phát hiện ra 17 bộ hài cốt Vệ quốc đoàn. Trong đó có một bộ hài cốt có sợi dây chuyền nhỏ có đeo lủng lẳng một miếng nhôm, rửa sạch miếng nhôm hiện lên dòng chữ khắc: "Phùng Huấn - VQĐ - Thuận Hoá". "VQĐ" là Vệ Quốc Đoàn. Còn Phùng Huấn là anh con bác của Phùng Bốn (tức ông Nguyễn Vạn, nguyên Bí thư tỉnh uỷ TT-Huế) chú ruột của Phùng Quán. Tức Phùng Quán gọi liệt sĩ Phùng Huấn là bác! Đọc bài báo đó, Phùng Quán bàng hoàng nhớ lại thiên anh hùng ca mình đã viết 30 năm trước...

... Nhân vật mà tôi mất nhiều công sức nhất để miêu tả và khắc hoạ tính cách với cả trăm câu thơ, là nhân vật chiến sĩ. Anh tên là Phùng Huấn, xuất thân nông dân, quê ở làng Thanh Thuỷ Thượng. Phùng Huấn yêu một cô gái làng, sắp làm lễ cưới. Mặt trận Huế bùng nổ, anh hoãn ngày cưới, cùng nhiều trai làng xung phong gia nhập Vệ quốc đoàn. Anh được tuyển chọn vào cảm tử quân... Bài thơ Hôn là tôi trích ra từ Thiên hùng ca ấy:

Em ơi rất có thể
Anh chết giữa chiến trường
Đôi môi tươi đạn xé
Chưa bao giờ được hôn!

Nhưng dù chết em ơi
Yêu em anh không thể
Hôn em bằng đôi môi
Của một người nô lệ!

Đó là lời của Phùng Huấn nói với vợ chưa cưới của mình trước giờ xung trận. Phùng Huấn là bác họ của tôi. Trong Thiên hùng ca tôi không nói chi tiết này, chỉ miêu tả mỗi lần chúng tôi đứng cạnh nhau, cả đơn vị ai cũng lầm là hai anh em ruột vì chúng tôi giống nhau như hai cục bùn móc dưới ruộng sâu lên... Trong đội cảm tử quân, Phùng Huấn được phân công vào "Tổ vũ khí nặng". "Vũ khí nặng" Phùng Huấn phụ trách là một cặp đầu đạn đại bác 75 ly tịt ngòi được công binh xưởng biến báo thành mìn đánh xe tăng... Tổ "vũ khí nặng" là siêu cảm tử, nên mỗi chiến sĩ được Mặt trận phát một chiếc "lập lắc" bằng nhôm cứng, trên mặt khắc tên họ, giây đeo bằng thép không rỉ, để lỡ hy sinh xác người nọ khỏi lẫn xác người kia...

Một buổi sáng, Phùng Huấn ngoắc tay gọi tôi: "Bê! Bê!" (tên gọi tôi ngày còn ở nhà) ghé sát tai tôi nói nhỏ: "Tối ni đơn vị tau đi cảm tử vị trí nhà hàng Sap-phăng-giông (Cửa hàng bách hoá số 1, đường Hà Nội, Huế hiện nay). Mặt trận sẽ đãi tụi tau một bữa thịt bò, thịt heo với xôi, ở sân chùa Vạn Phước, để lỡ có chết thì anh em được chết no! Tắt mặt trời mi nhớ chạy xuống mà ăn chực..."

Bữa ăn đó, cũng được kể trong bài báo Lao động nói trên, qua lời kể của người vợ chưa cưới của liệt sĩ Phùng Huấn: "Vợ chưa cưới của đồng chí Phùng Huấn, đã 70 tuổi, từ xã Thuỷ Dương (tên mới của làng Thanh Thuỷ Thượng), chống gậy lên thăm hài cốt của người yêu xưa. Bà kể: Chiều đó tôi lên thăm anh ấy, rủ anh đi ăn. Anh ấy nói: "Tối nay đi đánh Pháp, thế nào cũng được ăn một bữa thịt bò, bây giờ ăn ngang bụng". Anh ấy không đi. Thấy trên tay anh có đeo một cái "lập lắc", tôi hỏi: "Người ta đeo vòng vàng xuyến bạc, còn anh đeo chi miếng thiếc ni?" Anh nói: "Đơn vị bảo đeo. Đi đánh giặc lỡ có chết người ta biết tên mà nhận xác". Tôi tưởng anh nói chơi, ai ngờ anh chết thiệt. Từ sau đó gia đình cứ lấy ngày 10 tháng chạp giỗ anh ấy".

Trận "cảm tử" vào nhà hàng Sáp-phăng-giông đêm ấy không kết quả. Toàn đơn vị rút ra căn cứ cả, còn Trung đội cảm tử bị mắc kẹt lại ở trong ngôi nhà hai tầng. Địch bắn như điên, kêu gọi đầu hàng, các anh vẫn chống trả quyết liệt. Giặc phun xăng đốt ngôi nhà. Các chiến sĩ đã xuống tầng trệt, dùng bộc phá nổ tung ngôi nhà, biến ngôi nhà thành ngôi mộ chôn chung của 17 anh em! Ôi, 46 năm sau, cô gái trong bài thơ Hôn của Phùng Quán mới gặp lại hài cốt người yêu của mình! Ngày xưa ở Huế, đối với con gái nhà lành, chuyện hôn nhau vô cùng hệ trọng, nhà trai đi hỏi rồi vẫn chưa dám hôn nhau, chờ khi cưới. Cho nên:

Em ơi rất có thể
Anh chết giữa chiến trường
Đôi môi tươi đạn xé
Chưa bao giờ được hôn

Hiểu "sự tích" tích bài thơ ta càng muôn lần cám ơn nhà thơ Phùng Quán, anh đã lấy "tuổi thơ dữ dội" của mình làm chất liệu để viết nên những câu thơ tình thế kỷ, đẹp như kinh cầu nguyện!

Ngô Minh





sống phải chiến đấu - chiến đấu để thấy mình còn sống

SEO ngành nghề, cỏ nhân tạo, chuyên sửa máy rửa bát tại hà nội, chuyên sửa chữa tivi tại nhà ở Hà Nội, đặt hàng tượng phật đồ thờ tâm linh làng nghề Sơn Đồng | Điện lạnh Bách Khoa Hà Nội