[online-book] Lắng nghe điều bình thường

Started by saos@ngmo, 05/09/07, 23:44

Previous topic - Next topic

saos@ngmo

31. Giáng Sinh Đẹp Nhất

Buổi tiệc Giáng sinh đã mãn. Mọi người vẫn còn nán lại bên bàn hồi tưởng về những ngày Giáng sinh thuở nhỏ. Câu chuyện chẳng mấy chốc xoay quanh đề tài là Giáng sinh đẹp nhất của mỗi người. Chuyện tiếp chuyện, nhưng vẫn có một chàng trai ngồi lặng thinh không nói gì. Mọi người bảo: "Này Frank, thế Giáng sinh đẹp nhất của cậu vào lúc nào?". Frank bấy giờ mới lên tiếng: "Giáng sinh đẹp nhất của tôi là mùa Giáng sinh mà tôi chẳng nhận được món quà nào cả". Mọi người ngạc nhiên, họ nóng lòng muốn nghe câu chuyện. Và Frank bắt đầu kể:

"Tôi lớn lên ở New York. Đó là một tuổi thơ khá ảm đạm vì gia đình chúng tôi rất nghèo. Tôi mồ côi mẹ từ khi mới 8 tuổi. Cha tôi cũng có việc làm, nhưng ông chỉ làm hai hoặc ba ngày một tuần. Thế là cũng tốt lắm rồi. Chún tôi sống kiểu lưu động, rày đây mai đó, chật vật lắm mới đủ ăn, đủ mặc. Lúc ấy tôi còn nhỏ và không chú ý gì.

Cha tôi là một người đàn ông giàu lòng tự trọng. Ông ấy chỉ có độc nhất một bộ áo quần và chỉ mặc nó để đi làm việc . Khi về nhà ông cởi áo vest ra, còn thì ngồi vào ghế với sơmi, cà vạt và cả áo ghilê . Cha có một chiếc đồng hồ bỏ túi cũ kỹ và khá lớn. Đó là quà của mẹ tôi tặng cha. Mỗi khi cha ngồi, dây đeo đồng hồ ở chỗ túi đựng thường tòi ra ngoài. Chiếc đồng hồ đó là tài sản quí giá nhất của cha. Nhiều lần tôi thấy cha chỉ ngồi yên ngắm nhìn chiếc đồng hồ quí của mình. Tôi đóan chắc cha đang nghĩ về mẹ tôi.

Năm ấy, khi tôi tròn 12 tuổi, bộ đồ chơi thí nghiệm là một cái gì đó rất lớn lao. Trị giá của một bộ đồ như thế là 2 USD. Một số tiền quá lớn đối với bọn trẻ yêu thích bộ đồ chơi này, trong đó có tôi. Tôi nì nèo với cha cả tháng trời trước Giáng sinh để mong có được nó. Các bạn biết đấy, tôi cũng hứa hẹn đủ điều như những đứa trẻ khác: "Con sẽ ngoan, con sẽ làm việc, con sẽ không vòi vĩnh gì thêm". Cha tôi chỉ đáp: "Để xem xem".

Ba ngày trước Giáng sinh, ông dẫn tôi đến chợ lưu động. Ở đó, người ta bán hàng trên những chiếc xe ngựa. Họ bán hàng hạ giá và bạn có thể mua được một món hàng tốt. Cha dẫn tôi đến một quầ hàng, chọn cho tôi một ít đồ chơi nhỏ rồi hỏi: "Này con, con có thích những thứ như vậy không?". Tôi dĩ nhiên chỉ trả lời: "Không, con chỉ muốn một bộ đồ thí nghiệm cơ!". Chúng tôi đi hết mọi quầy hàng. Cha đưa cho tôi xem hết những món đồ chơi như xe hơi, súng ... nhưng tôi đều từ chối. Tôi nào có nghĩ rằng cha không đủ tiền để mua một bộ đồ thí nghiệm cho tôi. Sau cùng cha bảo: "Thôi, bây giờ tốt nhất là cứ về nhà đã và hôm sau hẵng quay lại".

Trên đường về nhà, tôi cứ nói mãi về bộ đồ thí nghiệm đó. Tôi chỉ muốn một bộ đồ thí nghiệm thôi. Đến bây giờ tôi mới hiểu ra lúc ấy cha tôi đã đau khổ đến chừng nào khi không cho tôi được nhiều hơn. Cha hẳn đã nghĩ mình không xứng đáng là một người cha, và cả tự nguyền rủa mình vì cái chết của mẹ tôi. Khi lên bậc cấp vào nhà, cha hứa sẽ tìm cách mua cho tôi bộ đồ thí nghiệm đó. Đêm đó tôi gần như không ngủ. Tôi tưởng tượng mình sẽ tự sáng chế thứ này thứ kia.

Ngày hôm sau, sau khi xong việc, cha dẫn tôi trở lại chợ. Trên đường đi, tôi còn nhớ cha đã mua một ổ bánh mì và kẹp vào nách mang theo. Ở quầy đầu tiên, cha bảo tôi hãy chọn lấy bộ đồ thí nghiệm mà tôi yêu thích. Chúng giống nhau cả, nhưng tôi vẫn xem xét, lục lọi như thể đãi cát tìm vàng. Tôi tìm được bộ đồ thí nghiệm tôi yêu thích và nói gần như reo lên: "Cái này nè cha!".

Tôi còn nhớ hình ảnh cha tôi thọc tay vào túi lấy tiền . Khi ông lấy 2 USD ra, một tờ đã rơi xuống đất . Ông cúi người xuống lượm tiền, và vì thế sợi dây đồng hồ trong túi áo rớt ra, xoay vòng trên nền đất . Không có chiếc đồng hồ. Trong tích tắc, tôi hiểu cha đã bán nó rồi. Cha đã bán chiếc đồng hồ, tài sản quí nhất của mình, để mua cho tôi một bộ đồ chơi thí nghiệm. Ông bán chiếc đồng hồ, món quà cuối cùng mà mẹ tôi tặng cha ...

Tôi chụp vội lấy tay cha và hét lên: "Không!". Chưa bao giờ tôi chụp lấy tay cha như thế, chưa bao giờ tôi hét lên với cha như thế. Tôi nhớ cha đã nhìn tôi, một cái nhìn đầy cả sự ngơ ngác, lạ lẫm. "Không, cha không phải mua cho con bất cứ thứ gì - Tôi ứa nước mắt - Cha, con biết cha rất yêu con".

Chúng tôi rời khu bán hàng và tôi nhớ cha nắm tay tôi suốt dọc đường về".

Frank nhìn mọi người: "Bạn biết không, chẳng có tiền bạc nào có thể đủ để mua giây phút đó . Giây phút mà tôi hiểu rằng cha yêu tôi hơn bất cứ điều gì trên thế gian này".

Võ Ca Dao

Dịch từ Internet

saos@ngmo

32. Kho Báu Dưới Lòng Đất

Mẹ tôi là người thích lưu giữ mọi đồ vật cũng như niềm vui thú trồng trọt thừa hưởng từ ông ngoại. Sau khi cưới nhau, bố mẹ mua nhà ở California và chuyển đến sống ở đó nhưng thói quen tiết kiệm vẫn còn. Bằng xẻng và cuốc, khu vườn cằn cỗi dần dần xanh tốt với đầy những cây lê, hạnh, ổi, hoa hồng, loa kèn.

Trong nhiều năm làm việc trong vườn, mẹ đã đào được một số đồ chơi hỏng bị ai đó bỏ đi. Chú lính nhựa cầm súng đã sứt hỏng, các chàng cao bồi cười ngựa bị gãy chân, những viên bi rạn nứt. Phần lớn mọi người sẽ ném những món đồ chơi hỏng này vào sọt rác nhưng mẹ lại xem chúng như báu vật. Khi chị em chúng tôi trêu mẹ về điều này, mẹ chỉ nhẹ nhàng lắc dầu và mỉm cười.

"Các con hãy nghĩ, ngôi nhà cũng có lịch sử riêng của chúng. Phải có con trẻ của ai đó từng sống và trưởng thành từ đây" - Mẹ thường bảo như thế.

Những món đồ chơi tìm được trong vườn được mẹ lau sạch bùn đất rồi nhẹ nhàng cất vào một hộp đựng giày đặt trên kệ phía trên máy giặt. Năm này sang năm khác, chúng chiếm không gian và bám đầy bụi nhưng mẹ không chịu đem bỏ đi. Mẹ biết rằng có một đứa trẻ đã từng xem những chú lính nhựa, chàng cao bồi và các viên bi như là báu vật. Và chỉ riêng điều này cũng khiến chúng đủ tầm quan trọng để được lưu giữ.

Một ngày nọ, có một người lạ trạc tuổi trung tuần đến gõ cửa nhà chúng tôi. Ông tự giới thiệu về mình với chút bối rối.

"Tôi đã lớn khôn từ ngôi nhà này, tôi ra thị trấn vì tang cha và cảm thấy nhớ về quá khứ của mình. Bà có phiền nếu tôi dạo quanh ngồi nhà?" - Ông giải thích.

Mẹ thở dài biểu hiện sự thương cảm và nói: "Tôi tin rằng mình đang giữ một ít đồ vật thuộc về ông". Nói xong mẹ ra phía sau nhà, mang chiếc hộp ra và đưa cho người lạ. Lấy làm khó hiểu, ông mở nắp hộp rồi thở hắt vì kinh ngạc khi những món đồ chơi thuở bé của mình vẫn còn được giữ gìn cẩn thận. Ngập tràn cảm xúc ùa về từ ký ức, ông lắp bắp cảm ơn trong đôi mắt nhòa lệ.

Mẹ chỉ mỉm cười. Mẹ luôn hiểu rằng sớm hay muộn, những kho báu trong khu vườn sẽ lại được cần đến. Như những hạt giống ngủ quên, ký ức nằm trong những món đồ chơi chỉ chờ đúng lúc để đâm chồi.

Mao Trí Hùng

Lược dịch từ Burried Treasures


saos@ngmo

33. Tình Yêu

Có lẽ Thượng đế bắt chúng ta phải gặp một số người xấu trước khi gặp một người tốt, để cuối cùng ta phải biết cảm ơn vì gặp được người ấy.

Bạn mất một phút để mê tít một ai đó, một giờ để thích một ai đó và một ngày để yêu một ai đó, nhưng có khi phải mất cả đời để quên được một người.

Tình yêu bắt đầu bằng một nụ cười, sau đó là một cái hôn và kết thúc bằng một giọt nước mắt hoặc một cái ôm vĩnh cửu.

Tình yêu đến với những người vẫn hi vọng ngay cả khi họ đang thất vọng, đến với những người vẫn tin tưởng mặc dù họ đã bị phản bội, đến với những người vẫn yêu mặc dù trước đó họ đã bị tổn thương rất sâu.

Ta đau khi yêu một người và không được yêu trở lại. Nhưng nỗi đau lớn nhất là khi bạn yêu một người nhưng không đủ can đảm để cho người đó biết bạn đã yêu như thế nào.

Trần Lê

Theo Internet


saos@ngmo

34. Quà Cưới

Tôi đã rất cẩn thận chọn ra những loại hoa làm nên bó hoa ngày cưới của mình và không quên nghĩ đến ý nghĩa của chúng, gồm hoa diên vĩ (là vị hôn phu tôi yêu thích), hoa hồng trắng (tượng trưng sự thanh khiết), và những sợi dây thường xuân xanh biếc (biểu tượng của lòng chung thủy).

Đến giữa buổi tiệc cưới, tôi đang ngập tràn trong Champagne và hoa, rôm rả trò chuyện cùng bạn bè, hạnh phúc đến hổn hển không kịp thở, ... bất thình lình có một bàn tay đặt lên vai tôi. Tôi quay lại, nhận ra người phụ nữ vừa thoáng gặp ban nãy một người bạn của mẹ chồng tôi. Trên tay bà ấy là một sợi tua xoắn dài của dây thường xuân.

"Nó rơi ra từ bó hoa của cháu lúc ở trên sàn khiêu vũ" - người phụ nữ ấy nói. Tôi mở lời cám ơn và với tay nhận lấy khi bà ấy tiếp lời: "Tôi có thể giữ lại dây hoa chứ?"

Tôi giật nảy mình. Một người, gần như lạ mặt, sao có thể hỏi xin hoa cô dâu ngay giữa tiệc cưới! Vẫn chưa đến lúc thực hiện nghi thức tung cầu hoa kia mà? Bà ấy muốn gì ở sợi dây thường xuân của tôi?

Tôi bình tĩnh suy nghĩ. Ngày mai tôi sẽ bắt đầu tuần trăng mật, không thể mang theo bó hoa này. Chúng có thể bị quẳng đi cùng những tờ giấy gói quà và những thứ rác trong ngày cưới. Tại sao không cho chúng đi? Ngày hôm nay tôi đã cho đi rất nhiều ...

"Cô cứ tự nhiên" - tôi trả lời với nụ cười tươi, lòng tự khen mình đã cư xử thanh lịch với một đề nghị kỳ quặc như thế. Nhạc bắt đầu nổi lên, tôi phải rời đám đông, cũng chẳng để tâm đến chuyện linh tinh ấy nữa. Vài tháng sau chuông nhà tôi reo vang. Tôi mở cửa và nhận ra người phụ nữ. Tôi không giấu được sự ngạc nhiên. Tôi đã không gặp bà ấy từ hôm lễ cưới. Gì thế nhỉ?

"Tôi có một món quà cưới cho cháu" - bà ấy nói và đưa ra một chậu cây nho nhỏ um tùm với những tán lá khỏe khoắn, xanh mướt . Ngay lập tức tôi hiểu ra. "Đó là sợi dây thường xuân mà cháu làm rơi hôm tiệc cưới - bà ấy giái thích - Nó trông có vẻ khỏe mạnh nên tôi mang về trồng vào chậu cho cháu".

Tôi xúc động không nói nên lời. Đây thật là món quà cưới quí giá nhất mà tôi nhận được!

Đã 20 năm trôi qua, bây giờ tôi là mẹ của ba cậu con trai. Một ngày nào đó chúng sẽ kết hôn. Với vai trò mẹ chồng, tôi sẽ đề nghị bó hoa cưới của con dâu có một ít dây thường xuân.

Và tôi biết sẽ lấy từ chậu cây nào trong vườn ...

Lam Tú

Dịch từ Internet


saos@ngmo

35. Ngôn ngữ tình yêu

Hai người yêu nhau nhưng gặp sự phản đối mạnh mẽ từ phía gia đình nhà cô gái. Họ cho rằng chàng trai không xứng với địa vị của gia đình cô và họ sẽ không tha thứ cho cô nếu tiếp tục có quan hệ với anh ta.

Mặc dù cô gái rất yêu chàng trai nhưng khi hai người gặp nhau cô luôn hỏi: "Anh có yêu em nhiều không?". Cô hay bực bội do chàng trai không trả lời như ý cô mong muốn. Và áp lực của gia đình khiến hai bạn trẻ bất hoà. Cô thường trút giận lên chàng trai.

Về phía mình chàng trai luôn chịu đựng trong im lặng. Sau một năm anh tốt nghiệp và quyết định đi du học. Trước khi ra đi anh đã cầu hôn với cô gái: "Anh biểu lộ tình cảm của mình bằng lời nói không giỏi nhưng tất cả những gì mà anh biết là anh yêu em. Về phía gia đình, anh sẽ cố gắng hết sức thuyết phục gia đình em đồng ý. Em thuận ý làm vợ anh chứ?".

Cô gái ưng thuận và với sự quyết tâm của chàng trai, cuối cùng gia đình cô gái cũng nhượng bộ và đồng ý cho họ kết hôn với nhau. Trước khi chàng trai đi học, hai người làm lễ đính hôn. Cô gái tham gia công tác xã hội trong khi anh tiếp tục học ở nước ngoài. Họ bày tỏ tình cảm của mình qua những lá thư và điện thoại. Tuy có khó khăn nhưng họ vẫn luôn nghĩ về nhau.

Một ngày nọ, cô gái bị tai nạn giao thông trên đường đi làm. Khi tỉnh dậy cô thấy cha mẹ mình bên cạnh giường. Cô cảm nhận được tình trạng tồi tệ của mình. Nhìn thấy mẹ khóc, cô muốn làm cho mẹ yên lòng nhưng những gì cô có thể thốt ra chỉ là tiếng thở dài. Cô đã mất đi giọng nói. Bác sĩ bảo rằng tai nạn đã gây tổn thương não của cô và khiến cô không thể nói được nữa. Cô suy sụp mặc dù cha mẹ cô động viên rất nhiều. Trong suốt thời gian ở bệnh viện cô chỉ biết khóc trong thầm lặng.

Xuất viện về nhà, tình trạng của cô cũng chẳng thay đổi gì. Mỗi khi có tiếng chuông điện thoại réo, cô có cảm giác như từng nhát dao đâm vào tim. Cô không muốn cho anh biết và không muốn trở thành gánh nặng của anh. Cô viết cho anh một lá thư nói rằng cô không còn kiên nhẫn đợi chờ anh nữa. Cô gửi lại anh chiếc nhẫn đính hôn . Chàng trai gửi hàng ngàn lá thư và gọi biết bao cuộc điện thoại nhưng cô không trả lời và chỉ khóc. Cha mẹ cô quyết định chuyển nhà, hi vọng rằng cô sẽ thật sự quên những gì đã xáy ra để có thể sống yên ổn.

Cô gái học ngôn ngữ cử chỉ và bắt đầu một cuộc sống mới. Mỗi ngày cô tự nhủ mình hãy quên anh ấy đi. Nhưng một hôm bạn của cô đến cho hay anh đã trở về. Cô van xin người bạn đừng cho anh biết chuyện gì đã xảy ra với cô. Tữ đó cô không còn nhận được tin tức gì của anh.

Một năm trôi qua. Người bạn của cô đến thăm và trao cho cô thiệp mời dự lễ kết hôn của anh. Trái tim cô gái tan vỡ. Khi mở thiệp cưới cô thấy tên mình trong tấm thiệp. Ngước lên, cô thấy anh đang đứng trước mặt.

Chàng trai dùng cử chỉ nói với cô gái: "Một năm qua anh đã dành thời gian học ngôn ngữ này. Chỉ để em hiểu rằng anh không quên lời ước hẹn của chúng ta. Hãy cho anh có cơ hội nói với em rằng anh yêu em".

Anh lồng chiếc nhẫn vào tay cô gái. Cuối cùng nụ cười đã trở lại trên môi cô.

Vũ Ngọc Thùy

Từ Internet


saos@ngmo

36. Nếu Tôi Được Sống Một Lần Nữa

Nếu tôi được sống lại một lần nữa ...

Tôi sẽ mỉm cười nhiều hơn trước những bất hạnh của riêng mình và biết im lặng chia sẻ nỗi đau của mọi người. Tôi sẽ dành nhiều thời gian để nhìn lại những hạnh phúc đang có và bớt dằn vặt mình về những nhược điểm vốn dĩ của bản thân.

Nếu được sống một lần nữa, tôi sẽ đi dạo dưới mưa nhiều hơn. Tôi sẽ trải mình nơi những thị trấn nhỏ bé và tĩnh lặng thay vì cứ mãi trong những tòa nhà cao tầng nơi thành phố lớn.

Tôi sẽ cố gắng hiểu bọn trẻ như là chúng và bớt sự áp đặt của riêng mình. Tôi sẽ đi thư viện, nhà sách, vào mạng tìm kiếm những kiến thức mới. Tôi sẽ thích thú với việc chơi đàn hơn là những trò chơi vô bổ và kém tư duy. Tôi sẽ dành cho gia đình mình sự âu yếm ngọt ngào hơn là những lời chỉ dạy khô khan.

Nếu được sống một lần nữa, tôi sẽ quan tâm đến những điều quan trọng trong hiện tại hơn là nhớ lại những gì trong quá khứ và ngồi dự đoán tương lai. Tôi nhận thức được những giá trị sâu kín nhất tận tim mình và những nhiệm vụ của cuộc sống.

Tôi sẽ bớt cau mày và mỉm cười nhiều hơn. Tôi sẽ học cách khoan dung, mong nhận được sự khoan dung nhiều hơn và bớt đi ý nghĩ mong sự bất hạnh cho kẻ thù. Nhưng trên hết tôi sẽ không bó buộc mình, sẽ sống năng động hơn, sẽ giảm đi những mối do dự và thờ ơ.

Khi một ý nghĩ lớn lao hay một sự mạo hiểm đầy hào hứng trong thoáng chốc chợt đến, tôi sẽ không ngồi yên trên ghế với ý nghĩ "những điều đó chẳng có trong kế hoạch của mình". Tôi sẽ hứng khởi đứng dậy và mạnh mẽ nói rằng: "Vâng, chúng ta hãy bắt đầu".

Duy Khương

Theo Internet

saos@ngmo

37. Bàn tay dịu dàng

Phòng cấp cứu chuyển ông xuống khoa tim mạch. Tóc dài, râu tua tủa, dơ bẩn và béo ị một cách bệnh tật, ông khoác hờ hững một chiếc áo jacket bằng da cáu bẩn và rách tươm. Toàn thân ông bốc mùi nồng nặc của rượu, của mồ hôi đã lâu không tắm giặt, và nhất là cái mùi của những bãi rác mà ông thường lê la.

Thoạt nhìn thấy ông được đẩy vào phòng, những nữ y tá đã giật mình và bối rối nhìn nhau. "Đừng, tôi không muốn chăm sóc người này", dường như y tá đang nói với nhau bằng ánh mắt. Họ lấm lét nhìn Bonnie, người y tá trưởng vốn nổi tiếng nghiêm khắc và nguyên tắc. Ai cũng sợ bị phân công tắm rửa cho người đàn ông mới được chuyển vào.

Bonnie nhìn quanh một lượt rồi quyết định một điều mà không ai có thể nghĩ đến: "Đây sẽ là bệnh nhân của tôi". Bonnie nhanh nhẹn mang găng tay cao su và một mình chuẩn bị xà phòng, thuốc sát trùng, dao cạo ...

Dịu dàng, dè dặt, Bonnie vừa tẩy rửa vừa giúp người đàn ông không còn cảm thấy sợ sệt nữa. Cô nhẹ nhàng nói: "Vào những ngày lễ chúng tôi rất bận bịu. Nhiều khi việc vệ sinh cho các bệnh nhân cũng được làm một cách qua loa. Ông hãy thư giãn cơ thể và cảm nhận làn nước mát này. Nó sẽ làm ông cảm thấy dễ chịu vì bệnh viện là nơi người ta thấy yêu cuộc sống hơn".

Thân thể người đàn ông đầy những vết sẹo nham nhở. Có thể ông đã nghiện rượu, ma túy, đã từng tham gia thanh toán trong các băng đảng ... Bonnie vừa chùi rửa vừa cầu nguyện cho một linh hồn bị vùi dập trong cuộc đời khắc nghiệt.

Công đoạn cuối cùng của Bonnie là xoa sữa làm ấm cơ thể và thoa phấn trẻ em lên người bệnh nhân. Ngược với vóc dáng dữ tợn, khi úp mặt vào gối để được xoa bóp ở lưng, người đàn ông tấm tức khóc. Khi quay lại, đột nhiên ông ta nhìn Bonnie với một ánh mắt xanh lơ đẹp kỳ dị:

"Cám ơn cô. Đã lâu lắm rồi không có ai chạm vào người tôi một cách dịu dàng thế này! Dường như trái tim tôi cũng đang liền sẹo!".

Thẩm Hạ

Từ Chicken soup for the soul


saos@ngmo

38. Những giọt nước mắt từ trên trời

Vào một buổi tối mùa đông lạnh lẽo, ngồi cùng chồng bên cạnh lò sưởi, Fiammetta chợt hỏi:

- Mưa là gì vậy hở anh?

Bên ngoài thời tiết thật là tồi tệ, những giọt nước mưa đập vào ô cửa sổ tách, tách, tách, tách.

- Anh ơi, mưa là gì vậy hở? - Fiammetta vừa lặp lại câu hỏi vừa lay bàn tay chồng.

- Mưa hả em, đó có nghĩa là trời đang khóc đấy.

- Nhưng tại sao trời lại khóc?

- Ừ, cũng không hẳn là trời khóc đâu. Đúng hơn đó là những giọt nước mắt của tất cả những người buồn sầu trên thế giới đã kết lại thành mây.

- Tất cả những giọt nước mắt ư, thật thế hả anh?

- Không phải tất cả nhưng là hầu hết. Những giọt nước mắt từ trời là của những người buồn sầu mà không được ai an ủi. Còn nếu như họ được an ủi thì những giọt nước ấy sẽ đọng lại và cất giữ trong tim giống như một kho tàng quí giá.

- Nhưng tại sao mưa nhiều quá vậy?

- Điều đó có nghĩa là ngày nay nhiều người than khóc nhưng lại có quá ít người an ủi.

- Vậy làm sao để cho mưa tạnh? Em phải an ủi tất cả mọi người trên thế giới này ư? Em muốn ngày mai trời lại nắng.

- Chỉ cần an ủi một người là đủ, ngay khi họ đang khóc, khi mà em gặp họ. Nhưng anh không chắc là em làm được điều đó.

- Vậy tối nay em sẽ đặt nhiều ly ở bậu cửa sổ để hứng nước mưa, và em sẽ mang trả lại cho những người chủ thật sự của chúng, những người đã buồn sầu than khóc.

- Nhưng làm sao em có thể trả lại đúng giọt nước mắt cho từng người được? Họ đâu có ghi tên trên đó.

Fiammetta đã không trả lời được câu hỏi của chồng nhưng nàng biết rằng có một cách. Sáng hôm sau, nàng kiên nhẫn đặt từng giọt nước lên lòng bàn tay và nhìn vào bên trong. Những giọt pha lê nhỏ bé ấy còn đọng lại một khuôn mặt.

Văn Hiền

Từ Internet


saos@ngmo

39. Một cuộc đời đáng cứu

Một người đàn ông không ngại nguy hiểm bơi băng qua những đợt sóng lớn giận dữ đang cố nhấn chìm một cậu bé. Sau khi hồi phục, cậu bé nói với người đàn ông: "Cảm ơn chú đã cứu sống cháu". Người đàn ông nhìn sâu vào mắt cậu bé và nói: "Có gì đâu nhóc. Chỉ mong cháu từ nay sống sao để luôn tin chắc rằng cháu xứng đáng được cứu sống!"

Đà Lạt Ái

Theo Internet


saos@ngmo

40. Cái giá của một đôi găng

Điều gì đã khiến bạn ở lại công ty để trở thành một nhà quản lý? Một người quản lý mới chậm rãi trả lời với giọng gần như đứt quãng: "Đó là một đôi găng để chơi bóng chày giá 10 đô la".

Cynthia kể lại rằng ban đầu cô chỉ nhận được một công việc thư ký bình thường cho Tập đoàn Circle K như một vị trí tạm thời trong lúc tìm một chỗ khác tốt hơn. Vào ngày làm việc thứ hai hay thứ ba của cô, trong lúc đang ngồi sau quầy làm việc, cô nhận được cú điện thoại từ Jessie, đứa con trai 9 tuổi của cô. Nó đang cần một đôi găng để chơi bóng chày dành cho giải nhi đồng. Cô đã giải thích với con rằng bởi cô là một người mẹ đơn thân nên vấn đề tiền nong rất eo hẹp, cái séch cho kỳ lương đầu tiên của cô chắc phải thanh toán cho nhiều hóa đơn khác. Có lẽ cô sẽ mua cho nó đôi găng khi nhận được kỳ lương thứ hai hoặc thứ ba của mình.

Khi Cynthia đi làm vào sáng hôm sau, Patricia - vị giám đốc cửa hàng - gọi cô đến một căn phòng nhỏ ở sau cửa hàng dùng như một văn phòng. Cynthia tự hỏi không biết mình đã làm gì sai hay chưa hoàn tất một công việc nào đó vào hôm trước. Cô rất lo lắng và bối rối.

Patricia đưa cho cô một cái hộp: "Tôi đã nghe lỏm được trong lúc chị nói chuyện với con trai ngày hôm qua. Và tôi biết thật khó mà giải thích mọi thứ cho đứa trẻ. Đây là một đôi găng chơi bóng chày cho Jessie. Chị biết đấy, chúng tôi không thể trả lương cho những người tốt như chị nhiều như chúng tôi mong muốn, nhưng chúng tôi rất quan tâm và tôi muốn chị biết rằng chị rất quan trọng đối với chúng tôi".

Sự suy nghĩ sâu sắc, sự cảm thông cũng như tình cảm của vị giám đốc cửa hiệu này chứng minh một cách sống động rằng người ta thường nhớ về cái cách một người chủ quan tâm đến nhiên viên mình nhiêu như thế nào so với việc người chủ ấy trả lương cho mình bao nhiêu. Một bài học quan trọng cho cái giá của một đôi găng tay.

Rick Phillips

Trần Đức Hùng Vi dịch


SEO ngành nghề, cỏ nhân tạo, chuyên sửa máy rửa bát tại hà nội, chuyên sửa chữa tivi tại nhà ở Hà Nội, đặt hàng tượng phật đồ thờ tâm linh làng nghề Sơn Đồng | Điện lạnh Bách Khoa Hà Nội