Chuyến Tàu Đêm

Started by Lam Giang_Nhật Lệ, 19/10/07, 01:54

Previous topic - Next topic

Lam Giang_Nhật Lệ

chuyến tàu đêm
thùy dương



Hà rút tấm vé tàu đưa bà trưởng toa. Gió tháng Mười Một thin thít, luồn vào cổ áo, cô chợt co rúm người. Bà trưởng toa lạnh lùng trả tấm vé, quay ra nhắc đám người đi tiễn tránh xa thành tàu. Hà xốc chiếc balô xọc xạch bước vào. Trong toa tối mờ. Khi tàu chưa chạy, người ta để đèn vàng. Cái ánh sáng nhòe nhoẹt tạo cảm giác buồn bã, cô đơn đến lạ. Đã năm nay, gần như hai tuần một lần, Hà một mình lặn lội trên chuyến tàu Xankt-Peterbu?g - Matxcơva này. Đêm nay đi, đêm mai về. Hai đêm liền trên tầu, mãi rồi cũng quen với điệu rung lắc, ù ù. Lượt lên Matxcơva, đêm đôi khi Hà thao thức vì bó cả cọc tiền quanh bụng như lính cảm tử ôm bộc phá. Hễ thằng Tây nào nhìn lâu là lạnh xương sống. Lượt về, bởi cả ngày chạy đáo điên khắp chợ mua hàng, lo đóng gói, tính toán rẻ, đắt... cả trăm thứ bà rằn, thừa mệt mỏi và hơn nữa trong người chẳng còn tiền mà lo, nên cứ lên tới tàu, cô lăn ra ngủ. Ngủ "đòi nợ" cơn mệt ban ngày, "lấy lãi" cho sáng mai nhận hàng, xếp hàng mang chợ bán. Thỉnh thoảng, trong đêm, chợt thức giấc, nhìn vào màn đen chật trội của kupe, thấy đời mệt mỏi, trôi loáng loáng như những vệt sáng bập bùng, hất lên tấm màn che cửa sổ tầu. Biết vậy mà phải quen. Và phải quên nữa. Quên bao năm đèn sách nơi giảng đường, quên tấm bằng kỹ sư kinh tế đỏ chót Hà rưng rưng nhận từ tay ông trưởng khoa trong tiếng vỗ tay của bạn bè. Quên mà vui, buồn cùng được mất của những chuyến hàng, quên để gồng mình thắng cơn khát ngủ khi chuông báo thức đáng nguyền rủa hàng ngày dựng cô và Quốc dậy từ 5 giờ sáng.



Hà bước tới cửa kupe, trong có hai người Việt. Cô khẽ gật đầu chào. Hai người đàn ông đáp lời chào cô. Một người béo tốt hơn vồn vã:



"Em cũng lên Matxcơva à?"



" Dạ."



Hà thoáng ngạc nhiên vì câu hỏi của anh ta. Vậy họ không là dân đi lấy hàng trên Mat*. Bỏ chiếc balô ra, cô ngồi xuống ghế.

"Chúng tôi từ Matxcơva xuống đây hôm thứ hai, đi công tác. Hôm nay quay lại Matxcơva. Em ở Xankt-Peterburg?" Người đàn ông nọ hỏi tiếp.



Hà dạ khẽ. Cô không nói thêm dù biết người hỏi chờ thông tin nhiều hơn chữ "dạ" khiêm nhường, xa cách. Có lẽ bởi thói quen, cũng có thể vì những va chạm chợ búa hai năm nay khiến Hà từ cô gái hồ hởi, nhiệt tình với bất kỳ ai trở nên trầm lặng, hồ nghi. Cái suy nghĩ đơn thuần rằng ai cũng tốt đã cho cô không chỉ một lần đứng giữa chợ khóc. Trước đồng tiền bạn bè có thể phản nhau. Vì một chỗ đứng đẹp trong chợ mà hai người từng bạn lâu năm có thể cãi chửi nhau không ra gì. Nhận bằng tốt nghiệp, Hà từ Minxcơ tới Xankt-Peterburg. Quốc là bạn trai của Hà từ thời sinh viên. Cái xu thế ở lại nước Nga làm ăn đã là điều chẳng lạ. Từ giảng đường bước ra chợ quả bỡ ngỡ. Và bỡ ngỡ hơn khi Hà và Quốc bắt đầu cuộc sống gia đình. Tính hiền lành nhưng bảo thủ của Quốc ngày yêu nhau có dễ thương không, nhưng giờ làm khổ Hà quá. Chẳng biết từ bao giờ cô cứ phải vơ vào mình mọi việc. Từ "vĩ mô" đến "vi mô". Cô cố, ngày một cố đến mức không hiểu sức lực đâu ra mà cô làm được nhiều việc đến thế. Mỗi lần lên Mat, đứa bạn cũng bôn ba chợ búa như Hà lại rên rẩm "Mày không được làm hết mọi việc. Làm thế chỉ hư chồng". "Nhưng để Quốc làm, việc nào cũng dở dang, không yên tâm". Thân làm tội đời. Hà vơ hết từ việc lấy hàng đầy nguy hiểm đến đứng chợ. Cả khi có chuyện xích mích, qua lại... cô cũng đứng ra giàn xếp. Cô tâm sự cùng bạn "Học hành chưa biết được gì chỉ phát hiện ra lòng tham con người là cấp số nhân. Tình người tỷ lệ nghịch với lợi nhuận".



Con tàu chầm chậm rời ga. Đèn tuýp bật sáng trong kupê. Hà thầm quan sát hai người kia. Trông kiểu ăn mặc có thể đoán họ không ở bên này. Thấy mình hơi bất nhã vì khi nãy trả lời lạnh lẽo quá, cô ngập ngừng:



"Hai anh mới từ nhà sang ạ?"



"Chúng tôi sang được hai tuần rồi." Người đàn ông gầy hơn trả lời. "Tôi tên Tụê còn anh này tên Hải. Tôi trong quân đội, sang mua sách kỹ thuật của Nga về Việt Nam. Anh Hải bên nhà xuất bản."



"Em tên Hà. Các anh tới mua sách ở đâu ạ?"



"Chúng tôi liên hệ với các viện, họ cho địa chỉ của các nhà xuất bản và hiệu sách có những sách mình cần. Mình tới đặt, chuyển về nhà theo bưu điện. Từ khi Liên xô cũ tan, sách chuyển qua Việt Nam không có kinh phí nhà nước nên dừng lại. Sách quân sự của Nga vẫn dùng rất nhiều ở Việt Nam. Vậy nên chúng tôi phải sang mua trực tiếp."



Câu chuyện của ba người cởi mở hơn. Hải nói nhiều. Anh ta khoe đã học 10 tháng bên Nga. "Dân 10 tháng" Hà thầm nghĩ. Sang chơi chứ đâu sang học.



"Ngày đó mình đi khắp nơi" Hải say sưa, "Bán một chiếc quần bò đã có một gia tài. Tụi Nga đúng ngố thật. Mấy đồ rởm mà bao nhiêu tiền cũng bỏ ra mua. Khát hàng tư bổn mà. Một cái bàn là chỉ mấy rúp, về Việt Nam lại thành hàng "chưởng"... "



Hà khẽ nhăn mặt, ngắt lời:



"Anh Tuệ đã sang Nga lần nào chưa?"



"Tôi lần đầu sang đây. Matxcơva lớn quá. Đi mãi không hết thành phố. Khi xuống Xankt-Peterburg, ngồi tàu nhìn đất đai bằng phẳng đến hút tầm mắt. Nước họ giầu cũng phải. Giá nông dân mình cũng có những khoảng đất canh tác bằng phẳng đẹp thế, đỡ vất vả bao nhiêu."



"Ôi dào, ông cứ nghĩ thế." Hải át lời Tuệ, "Nông dân giờ có yêu đất đâu. Thành thị mở rộng. Dân hai bên trục đường Hà nội - Hải phòng bán hết ruộng. Chia mảnh, nhân theo mét vuông. Tấc đất, tấc vàng để bán chứ đâu để trồng cấy. Tôi cũng "tăm" được một mảnh trên đường ra sân bay. Đất trồng, hợp tác xã bán chui, vẫn có giấy phép của huyện hẳn hoi. Giá rẻ bất ngờ. Chỉ mấy tháng nữa "quất" cũng lãi ối."



"Thóc rẻ bèo, trồng cấy mấy năm chẳng sắm được cái gì. Bán một mảnh, mua cả "giấc mơ" mà cưỡi, thằng nào chẳng bán. Làng nào có đường quốc lộ vắt qua, phất lên như gió."



Hải hùng biện rất bốc. Hà chợt buồn theo lời anh ta. Một đất nước nông nghiệp như Việt Nam, nông dân không khai thác hoa màu từ đất, bán đất để có ít tiền mùa sắm đã tưởng "giàu" lên quả là hoang đường. Hà nhìn ra của sổ. Tuệ hình như không thích thú gì chủ đề Hải say sưa nên cũng im lặng.



Bà trưởng toa vào lấy vé và đưa trà. Hải chợt như nhớ ra, hỏi Hà:



"Ẩ, em mua vé tàu bao nhiêu tiền?"



"150 rúp. Sao cơ ạ?"



"Đúng bọn bán vé lừa chúng tôi rồi. Tuệ bật kêu tiếc rẻ không dấu diếm."



"Các anh mua vé 900 rúp phải không?"



"Sao lại có sự chênh lệch thế nhỉ?"



"Em cũng không biết tại sao có giá đó mặc dù cùng đi một toa như nhau. Anh mua quầy cho người nước ngoài nên họ tính thế. Quầy bán cho dân Nga giá 150 rúp. Các anh không biết ra quầy thường mua, họ không khó dễ đâu."



"Tiếc thật, mất những mấy lần vé thật." Tuệ vẻ ân hận. "Giá ông đừng ngăn tôi hỏi mấy người Việt ở ga. Mình đã thấy lạ sao vé đắt hơn hẳn lúc đi thế... "



"Ông thật... mình đi công tác, mua quầy đó đúng rồi còn gì. Mà giá tiền ghi trong vé, mua bao nhiêu về nhà thanh toán bấy nhiêu, tiền ông đâu mà ông cứ... " Hải hơi cáu.



"Tiền nào chẳng là tiền." Tuệ lầm bầm.



Hà xé mấy gói đường thả vào cốc trà, quấy đều:



"Thôi, để rút kinh nghiệm. Nước Nga còn nhiều chuyện vô lý lắm. Hai anh uống trà cho nóng đi."



Tàu tăng tốc. Ngoài cửa sổ, dải rừng và cánh đồng đen thẫm vùn vụt trôi. Hà nhìn đồng hồ đã gần 11 giờ. Cô nói:



"Muộn rồi, mình đi nghỉ. Sáng mai tới Mat sớm."



Hai người đàn ông ý tứ ra ngoài kupê để Hà soạn sửa. Cô nhanh nhẹn thay bộ thể thao rồi chui vào chăn. Cả ngày hôm nay đi thu tiền, người mỏi rời. Đặt lưng xuống mắt đã nhắm liu riu theo nhịp lắc của tàu.





Tiếng cửa kupê giật mạnh kèm theo luồng ánh sáng từ ngoài chiếu thẳng vào mắt làm Hà choàng tỉnh. Hai bóng đen ập vào kupê trong khoảng khắc. Tim Hà đứng lại trước nỗi kinh hoàng. Hà bật dậy cũng lúc cửa kupê sập lại và tiếng tách công tắc đèn vang lên. Hai thằng Tây lù lù trước mặt. Một thằng ấn đầu Hải, nằm giường đối diện Hà. Thằng kia rút dao khống chế Tuệ, nằm tầng trên. Hà run bần bận dúi sát góc giường gần cửa sổ. Hải vẫn chưa hiểu chuyện gì, anh ta ú ớ không rõ tiếng Việt hay tiếng Nga.



"Im miệng" - thằng cao hơn lăm le xỉa dao về phía Tuệ gầm gư ? "Trèo xuống." Tuệ tụt xuống, nó dúi anh sát Hải. Hải tái xám, thụt sau vai Tuệ.



Thằng nhỏ hơn mở tung chiếc balô của Hà để đầu giường. Nó giũ ra một đống những sổ sách, hộp bánh, kem đánh răng, bàn chải, khăn mặt... túi bên nó moi ra vài trăm rúp lẻ. Thằng cao hua dao về phía Hải bắt mở chiếc ví đeo hắn vừa tìm thấy dưới gối. Hải run rẩy mở túi, ngoan ngoãn moi gói tiền ra đặt trên bàn. Moi xong, anh ta dốc ngược túi lên để chứng tỏ đã hết sạch. Hà liếc nhìn. Trời ơi, sao mang cả tập đô mà để hớ hênh thế!



Thằng nhỏ không tìm thấy tiền trong túi Hà. Nó gườm gườm:



"Tiền dấu đâu mang ra ngay!"



Hà vờ mếu máo:



"Tất cả tiền của chúng tôi trên bàn kia. Còn đâu nữa mà dấu. "



"Im mồm!"



Nó quay sang Tuệ, thò tay nắn túi, nắn người. Không có kết quả gì, nó quay sang thằng lớn hất hàm hỏi. Thằng lớn khẽ gật đầu nhưng mắt vẫn theo dõi Tuệ và Hải. Thằng nhỏ hé mở cửa kupê. Nó ngó thăm dò rồi bước ra. Thằng lớn vội quơ gói tiền trên bàn đút vào túi áo khoác, mắt liếc ra cửa. Chiếc dao vẫn hua hua. Chỉ chớp mắt, Hà chưa kịp hiểu chuyện gì, cánh tay cầm dao của thằng lớn đã bị Tuệ bẻ quặt sau lưng. Một cú thúc khửu tay vào gáy làm hắn hực lên một tiếng nhưng vẫn vùng vẫy gọi thằng nhỏ. Thằng nhỏ quay lại cửa kupê nhưng không vào được vì Tuệ đã ẩn thằng lớn chắn cửa. Nó vòng tay qua đấm Tuệ. Hà nhảy phắt xuống giường, thò tay vào túi thằng lớn lấy lại gói tiền đồng thời hô hoán ầm ỹ. Tiếng kêu của cô cùng tiếng động do cánh cửa kupê đập qua, đập lại đánh thức các hành khách. Có tiếng mở cửa ở kupê khác. Thằng bé thôi đấm, dùng hết sức lôi thằng lớn đi. Tuệ không đủ sức giữ được hai đứa đành thả tay.



Lúc này, bà trưởng toa mới tới. Một số hành khách trong toa lại hỏi han. Hà nhanh nhẹn bước ra giải thích ngắn gọn cho bà trưởng toa rằng có hai thằng vào kupê cướp nhưng bị hai người đàn ông đánh nên chạy mất rồi. Một số người dục bà trưởng toa gọi cảnh sát. Bà ta lầm lỳ nói mọi người về chỗ, không gây náo loạn để tự bà làm nhiệm vụ.



Hà trở lại kupê. Giờ cô mới nhận ra chân tóc sũng mồ hôi, hai gò má phừng phừng. Ba người im lặng. Hải vẫn nguyên dáng vẻ bần thần chưa hoàn hồn. Tuệ xoay con dao thằng cướp để lại trong tay ngẫm nghĩ. Hà lặng lẽ dọn đồ vào balô. Chợt nhớ, cô lôi gói tiền trong túi đưa Hải. Hải ngạc nhiên không thốt lên lời. Nhìn mặt anh ta Hà bật cười. Tiếng cười ròn tan, nhẹ bẫng như làn gió thổi bay sự căng thẳng, nặng nề trong kupê. Tuệ cũng phì cười:



"Tôi không ngờ Hà nhanh tay thế. Có khi chính thằng đó cũng không biết gói tiền đã bị móc mất đâu."



"Trời... hóa ra em là nhân viên công ty "hai ngón" rồi!" Hà làm bộ nhăn nhó, "Mà anh Tuệ có võ hay sao mà ra tay thần tốc thế. May có anh không mất hết đống tiền kia thì tiếc đứt ruột."



"Chiến công này của em chứ. Anh có bắt được thằng cướp nào đâu."



"Em thấy lấy được tiền rồi, để chúng chạy cũng chẳng sao."



"Anh nghĩ phải bắt chúng, không những trị tội mà làm gương cho kẻ khác."



"Đúng là thế thật nhưng..." Hà trầm giọng - "em không rõ hai anh trước khi ngủ có chốt cửa kupê không?"



"Có, chính tôi chốt, bằng cái khóa ngang này đúng không?" Hải từ nẫy giờ ngồi nghe mới lên tiếng.



"Tại sao chúng vào được?" Tuệ thắc mắc.



"Nếu đã chốt bằng khóa này, chỉ dùng khóa của người trưởng toa mới mở được. Tất nhiên cũng có khi chúng có cách mở..."



"Có thể nào... chúng là đồng bọn?" Tuệ nói khẽ.



"Chẳng thể biết được nhưng thái độ bà ta không hợp lý lắm khi nãy... " Hà nghĩ ngợi.



"Làm thế nào bây giờ?" Hải hoảng hốt.



"Chúng không dám quay lại đâu, có điều mình chẳng làm gì được bọn chúng, đúng không Hà?"



"Chuyện trấn, cướp trên tàu với em chưa bao giờ nhưng vẫn xảy ra như cơm bữa. Bọn này là cướp "đánh quả" có thể có chỉ chỏ của bọn bán vé hoặc trưởng toa. Chúng cướp vội, chỉ hăm dọa lấy tiền chứ không dám ở lâu, lục xét kỹ. Còn bọn chuyên nghiệp, chúng có "tin" về người mang tiền từ trước. Thường những vụ đó có "chỉ điểm" trong cộng đồng. Khi thấy hai anh cùng trong kupê và không thêm người Nga nào vào chỗ thứ tư, em đã hơi nghĩ nhưng mải chuyện trò, em mất cảnh giác. Đáng ra trước khi ngủ lấy dây buộc cửa. Đôi khi chúng giả công an kiểm tra giấy tờ, mình không mở. Nếu công an thật họ đập ầm ầm, biết ngay."



"Nguy hiểm rình rập suốt thế sao, Hà?" Tuệ hỏi đầy thông cảm.



"Biết làm sao, mọi người vẫn phải lên Mat lấy hàng về bán. Tiền phải mang theo người. Để tiền theo xe hàng mấy lần bị trấn cả xe. Nhiều lúc thấy mình như trong cái rọ, chạy quẩn anh Tuệ ạ. Tới ga Mat, công an đứng giăng giăng, vặn vẹo đủ kiểu kiếm tiền. Nhiều người không biết tiếng Nga bị chúng dọa, mất tiền oan. Khổ lắm!"



"Tới ga công an lại lục tiền?" Hải sốt sắng hỏi.



"Hai anh giấu tiền đi đừng bao giờ để tiền đô trong ví như thế. Luật bên này không cho thanh toán bằng ngoại tệ. Tiền đô phải có nguồn gốc từ nhà băng hay các quầy đổi. Có một kết luận nghe lạ lùng nhưng cần biết "Người Nga chỉ tốt với ta khi ta nghèo khổ". "



Tàu giảm tốc độ vào ga xép. Ánh đèn vàng tỏa nhàn nhạt. Ga trong đêm hoang vắng, tiêu điều. Loa báo tàu về văng vẳng tiếng được, tiếng mất, mệt mỏi. Trong toa lặng thinh, thỉnh thoảng ai đó ho khan. Tuệ khẽ nói:



"Hà nghỉ đi. Cố ngủ, mai còn bao nhiêu việc. Tôi canh cho, cứ yên tâm."



Hà cảm động ngước nhìn Tuệ. Vô tình cô nhận ra trên trán anh có vết sưng bị che bởi tóc mái. Cô vội lục tìm trong túi lấy lọ dầu:



"Anh Tuệ để Hà xoa dầu cho. Anh xem còn đau chỗ nào không? Vô ý quá nói chuyện suốt mà không thấy..."



"Không có gì đâu. Thằng nhỏ nó đấm sượt qua thôi." -Tuệ cầm lọ dầu Hà đưa - "Tôi tự được. Cám ơn Hà."



Tuệ nhìn sang Hải đang quấn tiền giấu trong túi ngực trong, anh đùa:



"Tôi quen đi lại các bến tàu xe ở nhà, kẻ cắp như rươi nên cẩn thận nó ngấm vào máu chứ theo ông "quảng cáo" nước Nga không trộm cắp thì mấy đồng ít ỏi cũng bị chúng rờ tới rồi. Mình ức bị lừa tiền vé nên không thể để nó cướp thêm nữa."



Hà cười khúc khích theo. Hải đã lấy được bình tĩnh, vẻ ngường ngượng:



"Mình cứ nghĩ như xưa... Thôi, tôi lên trên nằm tí cho đỡ căng thẳng."



"Còn hơn hai tiếng nữa. Anh Tuệ cũng nghỉ đi. Em không sợ tới mức cần anh canh đâu."



"Tôi nằm ngay đây, sẵn có con dao chiến lợi phẩm này làm vũ khí. Tuệ hóm hỉnh đùa."



Hà nằm vắt hai tay dưới gáy. Tiếng còi kéo lên âm thanh hun hút đưa con tàu lăn vào bóng đêm. Hải đã thở vo vo. Bên giường đối diện, Tuệ nằm im nhưng Hà biết anh chưa ngủ. Hà thì thào:



"Anh Tuệ có mấy cháu rồi?"



"Một cậu con trai lên 10." Tuệ cũng thì thào. "Còn Hà?"



"Chúng em chưa có điều kiện." Một cảm giác trống trải trong tâm tư Hà.



"Hà..." Tuệ ngập ngừng. "Đi lại như thế này nguy hiểm lắm. Mình tránh mãi sao được. Thân gái dặm trường..."



Hà khẽ thở dài, im lặng. Cô xoay người nằm nghiêng nhìn sang phía Tuệ.



"Cuộc sống bên này khắc nghiệt quá. Có bao giờ Hà tính về Việt Nam? Chẳng nhẽ phí công học hành..."



Chậm rãi, Hà buồn bã cất lời:



"Anh Tuệ ạ, nhắc chuyện học hành, bằng cấp của mình mà như chạm nỗi đau. Học cho lắm ra đứng chợ xứ người. Nhưng anh xem, về Việt Nam hai bàn tay trắng, bắt đầu cái gì cũng khó. Bên này, hai chữ "về" - "ở" là nỗi trăn trở không của riêng ai. Phải chăng trong đời lựa chọn là khổ nhất?"



Câu hỏi của Hà cứ quẩn quanh trong bóng tối giữa hai người. Chỉ tiếng tàu ù ù vô tư đến ghét.



Tiếng gõ cửa kupê của bà trưởng toa thức hành khách lục tục dậy. Hà kéo tấm màn cửa nhìn ra ngoài. Không gian còn mờ tối. Những đám mây nặng nề phủ kín bầu trời. Gió có vẻ lạnh. Hàng cây khẳng khưu bên đường xoắn vặn. Tầu lao về phía trước bỏ sau lưng những vùng ngoại ô Matxcơva buồn tẻ, lác đác vài ngôi nhà xây dở. Cứ mỗi lần tới gần Matxcơva cảm giác mệt mỏi lại xâm chiếm cô. Xuống tầu cô sẽ lao vào chợ. Gió đông thả sức quất đập lên thân hình bé nhỏ của cô cũng không khiến cô rùng mình bằng những cặp mắt cú vọ của bọn công an ăn bẩn quanh chợ. Chúng săn ngay ra người từ thành phố khác tới để tìm cớ kiếm tiền. Thoát được chúng là ngập vào cảnh hàng hoá ào ào như sôi. Người từ các nơi lên chợ Mat choáng ngợp vì tốc độ và khối lượng công việc trên Mat. Đứa bạn Hà cứ 6 giờ đã có mặt ngoài chợ này. Cao mét rưỡi, mùa đông, nó mặc hàng chục thứ trên người tránh rét, trông như sắp bay vào vũ trụ. Hỏi ở chợ thế nào, nó cười run run bờ môi đọc Hà nghe câu thơ:



"Chân đạp tuyết, đầu quay trong gió

Tay đếm tiền, mắt liếc công an"



Một cây bút tài hoa của trường Sư phạm Lenin cũng ra chợ chiến đấu với đời đó thôi. Hà và nó vẫn đùa rằng "nghiệp nó chọn mình, mình không chọn nó". Tuệ đã dậy. Anh khẽ mở cửa ra ngoài. Chút sau, anh mang về mấy ly trà nóng. Ngó thấy Hải vẫn ngủ say, anh gọi nhỏ:



"Hà uống trà, ăn sáng nhé! "



Hà ngồi dựa vào chăn nhìn Tuệ lách cách mở hộp đồ ăn. Cảm giác ấm áp xa xôi. Từ lúc nào nhỉ? Hà tự hỏi. Từ lúc nào Quốc quên chăm sóc cô? Từ lúc nào, sau hai ngày cô trên tàu về, câu đầu tiên Quốc hỏi "Hàng nhiều không? Có những gì?". Cuộc sống dạy Quốc quên hay dạy Hà đừng mơ mộng? Không biết... nhưng giá như... Nuốt nỗi niềm vào lòng, Hà nói bâng quơ:



"Trời có vẻ lạnh hơn. Không chừng tuyết rơi."



"Tôi chưa bao giờ thấy tuyết rơi cả. Chắc đẹp lắm phải không Hà? "



"Đẹp lắm... nhưng cũng lạnh lắm. "



"Ừ, mùa đông sẽ vất vả hơn. Cẩn thận đừng làm quá sức. Tôi cũng không tưởng tượng nổi làm sao Hà bé nhỏ, yếu ớt thế này mà chịu được cả ngày ngoài trời dưới 0 độ." Anh khẽ lắc đầu.



Hà áp bàn tay vào cốc trà nóng, lặng im. Con tàu chợt đi vào đường hầm tối đen, tiếng rít của bánh tàu lên đường ray ràn rạt.





Ba người bước xuống tàu đã thấy những bông tuyết đầu mùa bay lả tả trong gió. Hà hứng tuyết xoa lên mặt. Cái lạnh đâm khẽ lên má nghe nhột nhạt. Hà quay sang dặn Hải và Tuệ:



"Hai anh đi thẳng đường này tới bức tường nâu, rẽ trái sẽ thấy bãi Taxi. Từ đây về chỗ các anh chỉ mất khoảng 80 rúp thôi. Em đi xuống Metro chỗ kia." Ba người dừng lại. Một thoáng chẳng ai biết nói gì. Hà xốc lại chiếc balô. Tuệ ngập ngừng nắm bàn tay Hà:



"Thôi... cũng đến lúc phải chia tay. Cầu cho Hà mọi sự tốt đẹp. Chẳng biết nói gì hơn nữa. Phải đi lại cẩn thận Hà ạ. Dù sao... tôi vẫn cho rằng đây là việc của đàn ông... Mong có ngày gặp ở Hà nội. Bảo trọng nhé!"



Hà khẽ gật đầu nhìn hai người rồi vội bước đi giấu giọt lệ ngấp nghé khóe mắt. Được chục bước cô quay nhìn lại. Họ vẫn đứng đó, thật gần thôi nhưng xa cách như quê hương qua màn tuyết trắng mờ.



Thùy Dương

22/05/02



* Mat : gọi tắt Matxcơva


SEO ngành nghề, cỏ nhân tạo, chuyên sửa máy rửa bát tại hà nội, chuyên sửa chữa tivi tại nhà ở Hà Nội, đặt hàng tượng phật đồ thờ tâm linh làng nghề Sơn Đồng | Điện lạnh Bách Khoa Hà Nội