BỤI HỒNG TRẦN

Started by QUANGKHAI, 27/10/07, 14:48

Previous topic - Next topic

QUANGKHAI

Mỗi đêm, hai người đều gặp nhau. Liên chơi đàn violon và Nhân chơi guitar. Quán cà phê của một họa sĩ, cho nên thiết kế khác hơn nhiều quán cà phê khác. Trên tầng hai là một không gian thu nhỏ của cỏ cây và rong rêu.

Khách tới quán ban đêm thường là những người mang trong lòng mình nỗi cô đơn, giấu mình trong một góc tối của quán, uống cà phê hay một thứ nước uống gì đó để ngà say, nghe nhạc. Không gian quán ấm và mang một cõi rất riêng trong lòng thành phố nhỏ.

Những cô ca sĩ, những chàng ca sĩ hàng đêm đi hát tụ điểm, tạt qua hát dăm ba bài, lấy tiền rồi đi. Họ không kịp dừng lại để uống ly nước, vì thời gian của họ là vàng. Có hôm quá nhiều đám tiệc trong thành phố, ca sĩ bận rộn không đến được, thời gian của quán trở nên trống trải, Liên trở thành ca sĩ kiêm luôn nhạc công.

Giọng hát của Liên không tốt, có cái gì đó khàn khàn giống như mệt mỏi. Nhưng chính cái khàn khàn không trong trẻo đó mà cất lên những bài như Diễm xưa, Như cánh vạc bay khi ngoài phố trời đang mưa dầm, tiếng hát ấy cũng làm buốt lòng người.

Liên không phải là một cô gái chơi đàn violon giỏi, dẫu trong Liên vẫn mơ tưởng thần tượng của mình là nhà vĩ cầm lừng danh của thế kỷ: Niccolo Paganini. Ông sinh ra ở Ý từ thế kỷ 18, và trở thành một nghệ sĩ tài hoa vào thế kỷ 19. Niccolo Paganini đã trở thành nhạc công đầu tiên độc tấu violon từ năm 1828 đến 1831 tại 40 thành phố ở Đức, Bohemia và Balan.

Nhưng Niccolo Paganini là một thiên tài, Liên chỉ là một nhạc công bình thường hàng đêm đàn với phụ đệm là cây guitar của Nhân kiếm sống. Còn Nhân thì lại khác, anh là một tay chơi đàn tài hoa. Với cây guitar thùng, dường như những giai điệu thăng hoa lên trong không gian im ắng của căn phòng.

Bài Tuổi đá buồn của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, phần độc tấu guitar của Nhân có lẽ là hay nhất. Nhân nói: "Phần đệm bài hát này do nhạc sĩ Đỗ Đình Phương soạn. Nhạc sĩ Đỗ Đình Phương là thủ khoa bộ môn guitar ở Trường âm nhạc Sài Gòn vào năm 1960".

Dẫu chẳng biết nhạc sĩ Đỗ Đình Phương, nhưng với những ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thì với Liên đã là điều rất riêng. Khi thanh âm của cây guitar vang lên: "Trời còn làm mưa, mưa rơi mưa rơi trên ngón tay ngà, em mang em mang đi về giáo đường, ngày chủ nhật buồn...".

Vậy đó, thời gian cứ trôi, quán cà phê với mỗi đêm Nhân và Liên cùng chơi đàn, tạo một không gian lạ cho những con người như đang trốn chạy những nỗi cô đơn, thầm ngồi trong bóng tối, lắng nghe.

Nhân sinh ra và lớn lên ở một tỉnh miền Trung. Miền đất được anh mô tả  chỉ có một loại cây mọc được là cây xương rồng. Anh nói đến mùa gió nổi, cát cứ bay tung mù mịt đất trời, phả lấp khắp mọi nơi khiến cho cuộc sống rất khó khăn. Miền đất mà mỗi cơn mưa trút xuống giống như ân sủng của đất trời, đám con nít trong làng nhân cơ hội ấy mà cởi cả quần áo, chạy băng ra đường đón mưa.

Một năm có quá nhiều ngày nắng khiến cho cuộc sống của người dân cực kỳ khó khăn, cứ thế mà lớn lên lại bắt đầu xa quê hương, tìm một mảnh đất khác để mưu sinh.

Riêng Nhân, ngay từ thuở nhỏ anh đã yêu âm nhạc. Anh bắt đầu tập tành chơi đàn guitar bằng cuốn sách hướng dẫn anh mua trong một tiệm sách cũ, còn cây đàn là do ông cậu anh cho. Cây đàn cũ và cuốn sách dạy đàn cũ đã tiếp tục nỗi niềm đam mê cho Nhân đến khi anh lớn lên, thi vào trường Cao đẳng văn hóa.

Ra trường, anh về làm việc ở đoàn ca múa nhạc tỉnh, công việc ở đoàn thật ra thì không nhiều, thỉnh thoảng mới có những chương trình biểu diễn phục vụ lễ hội hoặc để tiếp đón các vị khách của tỉnh, cho nên thời gian của anh khá rảnh.

Khi quán cà phê Hòn Kiến mở ra mà chủ nhân cũng là một người bạn của anh mời anh về đàn, anh đã nhận lời. Còn Liên, thật ra thì hai người chỉ gặp ngẫu nhiên trong một buổi giới thiệu tác phẩm mới của một số nhạc sĩ trong tỉnh. Liên đang dạy tại trường Mẫu giáo trung ương, hôm đó tới để đàn phụ cho nhạc sĩ Vi Thanh để ông giới thiệu tác phẩnm mới.

Vậy là gặp nhau. Nhân nói: "Cô bé à, hàng đêm đi đàn được không?". Liên cười: "Đàn cho ai nghe cơ?". "Cho ai thích nghe". Vậy thôi, là những chiều trầm trầm hoàng hôn đã khuất, là ánh sáng đàn lung linh, là tiếng thở dài sâu trong không gian đêm, là cả tiếng vỗ tay nhẹ khi tiếng đàn vừa dứt. Mỗi đêm có hai tiếng đồng hồ bên nhau.

Từ khi tạo ra loài người, Thượng đế cũng đã tạo ra một thứ quà tặng quý giá hơn mọi thứ quà tặng trên đời, đó là tình yêu. Tình yêu có thể làm cho con người ta bước lên trên con đường đầy hoa thơm cỏ lạ, và cũng có thể phút chốc đẩy con người xuống vực thẳm sâu.

Với tình yêu, nó đến nhẹ nhàng như thể những giọt nước lặng lẽ rơi xuống nền đất. Một giọt nước không là gì, nhưng mải mê rơi thì ngàn ngàn giọt nước sẽ làm đẫm ướt cả một khoảng đất mênh mông.

Liên chưa hề yêu ai. Trái tim Liên tinh khôi chưa sai nhịp đập bao giờ, cho đến khi gặp Nhân. Khởi đầu chỉ là công việc. Liên réo rắt từng thanh âm với cây đàn violon, Nhân với từng giai điệu của cây guitar thùng. Một, hai ngày... rồi cả năm trời với bao nhiêu cơn mưa, bao ngày nắng.

Có khi chia nhau ổ bánh mì hay cùng ghé quán khuya ăn tô cháo hột vịt muối, lòng Liên bắt đầu mềm đi bởi Nhân. Sao không mềm lòng được khi đi bên cạnh Nhân, Liên có cảm giác như được che chở, như nhận được sự thương yêu.

Nhân không có một bóng đàn bà nào bên cạnh, anh sống một mình trong căn phòng do cơ quan phân cho. Căn phòng ấy thiếu vắng bàn tay đàn bà, mọi đồ vật đều bỏ tứ tung. Mỗi tuần, Liên tạt qua như thói quen, sắp xếp lại cho anh, đôi khi đi chợ mua dùm cho anh mấy thứ vặt vãnh, thời giờ còn lại anh đệm đàn tập cho Liên hát.

Không ai tin rằng trong căn phòng đóng kín chỉ có một người đàn ông và một người đàn bà lại không có chuyện gì xảy ra? Nhưng thật ra chẳng có chuyện gì xảy ra, dù là một vòng ôm thân thiết.

Với người đàn bà, khi yêu thương một người đàn ông thì những vòng ôm làm cho lòng ấm lại, và người đàn bà luôn biết chờ đợi. Nhưng dường như sự chờ đợi của Liên đang rơi vào một khoảng trống mênh mông kỳ lạ.

Một người khác thay thế Nhân đàn guitar mỗi đêm. Lạ cho Liên chưa, cũng là đêm với những âm thanh réo rắt. Vẫn là những ngọn đèn chao, khói thuốc tỏa bay trong không gian trầm trầm mùi hương. Nhưng tiếng violon bỗng trở nên lạc lõng, trở nên buồn bã.

Nhân đã nói: "Anh đi Cà Mau chừng non nửa tháng anh về, anh Hòa bên đoàn ca múa sẽ thay những lúc vắng anh. Em hợp tác với ảnh vui vẻ em nhé". Liên cười: "Dạ, công việc mà".

Nhân đưa chìa khóa căn phòng của Nhân cho Liên: "Thỉnh thoảng em ghé lau bụi dùm anh, cho nó có hơi người em nhé". Nhân không bảo đi Cà Mau để làm gì.

Căn phòng vắng Nhân, Liên ghé như một thói quen. Đôi khi người ta có những thói quen mà không ai giải thích được. Thói quen nhìn những viên gạch vỡ của lề đường, thói quen nghe một người nói cười hay thói quen đi qua một con phố. Chính thói quen ấy làm cho lòng người trở nên hân hoan hay buồn bã.

Đêm, với Liên ngày xưa là chờ đợi để cùng bắt đầu vuốt ve những âm thanh cùng Nhân. Khi đó là niềm vui hơn là công việc kiếm tiền. Khi đêm đã vơi một nửa, hai người ngồi bên hè phố ăn một thứ gì đó, khi con phố đã đóng lại những cánh cửa và vùi trong giấc ngủ, Liên lắng nghe tiếng thở dài của Nhân. Liên thích cả những sợi râu lún phún đó chạm lên bờ vai mềm của mình.

Nhưng tất cả chỉ là tưởng tượng, Nhân đã đang xa tắp tít ở một nơi nào đó trong cảnh rừng U Minh, nơi đó không có sóng điện thoại để có thể nhắn một tin gởi.

Cuốn sổ tay ấy rơi ra khi Liên dọn lại giường cho Nhân, một cuốn sổ tay gối đầu giường của một người đàn ông. Cuốn sổ tay bọc nhựa cứng, có lẽ được mở ra mở lại nhiều lần. Chắc chắn đây là một bí mật? Liên không dằn nỗi tò mò mở từng trang cuốn sổ tay của Nhân ra. 

Đó là một người con gái không còn có mặt trên trần gian này. Người con gái với tấm ảnh đang cười rạng rỡ được để ngay trang đầu cuốn nhật ký. Đã năm năm trôi qua cho những dòng viết kể về một mối tình không thành.

Họ gặp nhau giữa rừng U Minh trong một chuyến lãng du tới tận Thới Bình. Thới Bình là một huyện ở Cà Mau với sông nước mênh mông, nơi đó có huyền thoại kể vua Gia Long đã để lại đây một số cung tần mỹ nữ, cho nên những cô con gái ở đây sinh ra đều đẹp mặn mà.

Miện, người con gái Thới Bình đã làm cho bước chân Nhân dừng lại. Chuyến đi của Nhân là đi thăm lại Thới Bình - nơi đó có mộ của người con gái anh yêu dấu. Trong một lần hai người cùng đi thuyền trên sông, thuyền lật và Miện đã ở lại nơi dòng sông đó.

Liên nhắm mắt lại giữa nỗi buồn đang len vào, rất nhẹ. Liên đang nhìn thấy Nhân như đang chở đầy một thuyền đầy hoa điên điển, chỉ một mình anh với con thuyền đầy hoa. Anh rải màu hoa vàng ấy xuống dòng sông đang chảy xiết ở Thới Bình. Trong chốn bụi hồng trần này, vẫn có một trái tim người đóng lại vì một tình yêu lớn. 

Khuê Việt Trường     



sống phải chiến đấu - chiến đấu để thấy mình còn sống

SEO ngành nghề, cỏ nhân tạo, chuyên sửa máy rửa bát tại hà nội, chuyên sửa chữa tivi tại nhà ở Hà Nội, đặt hàng tượng phật đồ thờ tâm linh làng nghề Sơn Đồng | Điện lạnh Bách Khoa Hà Nội