"Bố đi bước nữa" - Những vần thơ mang hình hài số phận!

Started by Sao_Online, 21/02/08, 15:31

Previous topic - Next topic

Sao_Online

NHỮNG VẦN THƠ MANG HÌNH HÀI SỐ PHẬN

Nguyễn Thắng



Nguyễn Thị Thu Thủy

Bố đi bước nữa

Rồi ngày mai bố đi bước nữa
Chút vấn vương theo gió về trời
Mẹ giờ đã yên phận mình dưới cỏ
Nén hương lòng sương khói xa xôi

Rổ rá giờ cạp lại thành đôi
Mùa đông chắc không dài như trước
Tóc muối tiêu sau một lần lỡ bước
Có làm chùn nỗi khát vọng hồi xuân?

Cứ mỗi lần con trở về thăm
Sẽ lại thấy bếp lửa hồng rực rỡ
Và nhập nhoạng sau làn khói nhỏ
Là dáng hình, quen lắm... Mẹ tôi

Ngày mai có khi khắp chân trời
Đỡ bận lòng vì những hôm trở gió
Mẹ giờ đã yên phận mình dưới cỏ
Để bố lưng còng, đi trả nợ tầm xuân...

Tác giả, một cái tên không quá quen thuộc trong làng thơ Việt Nam, nhưng lại viết lên được những câu thơ gây rúng động lòng người, những câu thơ mang hình hài số phận.

Rút ruột mà ra là những gì độc giả có thể cảm nhận được một cách rõ rệt khi đọc chùm thơ của Nguyễn Thị Thu Thủy - Giải nhì cuộc thi thơ tình báo Văn nghệ đăng trên Văn nghệ trẻ (Hội nhà văn Việt Nam) năm 2006.

"Mẹ giờ đã yên phận mình dưới cỏ"

Những ai đã từng ra vào trường Viết văn Nguyễn Du những khóa 6, 7 cách đây mấy năm hẳn khó có thể quên hình ảnh một cô bé mặc áo đỏ, da trắng, tóc xù bông ôm lấy khuôn mặt bầu bĩnh thường hay thân thiện chào hỏi mọi người.

Hỏi ra mới biết, đó là học viên thủ khoa đầu vào khóa 7 vừa chân ướt chân ráo nhập trường từ quê hương Kinh Bắc. Ngày đầu tiên ra mắt, làm quen với các giảng viên, các học viên khóa trên và bạn bè đồng khóa, cô bé đó với chất giọng khàn khàn đặc trưng đã khiến nhiều người xúc động, mắt đỏ hoe khi đọc bài thơ "Bố đi bước nữa". "Rồi ngày mai bố đi bước nữa/ Chút vấn vương theo gió về trời/ Mẹ giờ đã yên phận mình dưới cỏ/ Nén hương lòng sương khói xa xôi".

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, Nguyễn Thị Thu Thủy đã sớm mồ côi mẹ khi vừa tròn 12 tuổi. Mẹ cô rời bỏ ba bố con cô ra đi bởi một tai nạn đột ngột. Tuy còn nhỏ, nhưng Thủy đã sớm ý thức được hoàn cảnh của mình nên cô rất thương cho sự nhọc nhằn, vất vả, gà trống nuôi con của bố.

Nhìn dáng vẻ khắc khổ và những vết chân chim ngày càng dày thêm trên khuôn mặt già nua của ông, cô luôn mong mỏi sẽ có một người phụ nữ có thể đến với bố mình để đồng cam cộng khổ, để sẻ chia gánh nặng và làm ấm lên nếp nhà đơn sơ thiếu bàn tay người mẹ. Đấy cũng là những cội nguồn cảm xúc để Thủy đã viết những câu thơ chân thực tận cùng trong bài thơ vừa nói đến ở trên, khi 3 năm sau bố cô sang thêm một chuyến đò chiều: "Rổ rá giờ cạp lại thành đôi/ Mùa đông chắc không dài như trước", "Ngày mai có đi khắp phương trời/ Đỡ bận lòng vì những hôm trở gió/ Mẹ giờ đã yên phận mình dưới cỏ/Để bố lưng còng đi trả nợ tầm xuân...".

Bốn năm tu nghiệp ở trường Viết văn Nguyễn Du, không phải ai cũng chịu được những cá tính mạnh mẽ của Thu Thủy để làm bạn với cô. Có ai hỏi thăm tên cô thì kiểu gì có tiếng xì xèo: À Thủy nhà thơ chứ gì? Hôm nào nó chẳng dậy từ nửa đêm bật đèn đọc thơ làm cho cô bạn cùng phòng không thể nào ngủ được. Lúc đầu cô còn yên lặng. Sau đó, cuộc đời theo năm tháng cũng đã dạy cho cô cái chao chát, dữ dội và gai góc để chống lại những dư luận xung quanh mình. Rồi Thủy cũng xin đi làm gia sư như nhiều sinh viên khác bên trường ĐH Văn hóa để nuôi thân nhưng sau cô lại sống bằng thơ, bằng ngòi bút của mình. Cô đã tự mình đi qua những tháng năm học tập nhọc nhằn nhưng không thể nào quên.

Những chặng đời nghiệt ngã

Năm thứ 3 ở trường Nguyễn Du, vô tình Thủy gặp anh họ một người bạn đồng khóa và "chết mê chết mệt" chàng kỹ sư xây dựng thông minh. Ít lâu sau, Thủy gửi thiếp song hỷ làm ngạc nhiên bao bạn bè ngoài nghề trong nghiệp. Chàng kỹ sư - trung úy trẻ, bất chấp sự ngăn cản của gia đình vì dị ứng với nhà thơ, đã quyết tâm đến với Thuỷ và gửi gắm vào cô một niềm tin về một mái ấm gia đình hạnh phúc. Rồi Thủy nhanh chóng có tin vui, ai cũng mừng cho sự may mắn trọn vẹn của cô gái cá tính này.

Mang thai đến tháng thứ 6, thấy nổi hạch ở cổ, chị dâu chồng Thủy đưa cô lên khám ở bệnh viện K Hà Nội. Nhìn tờ giấy kết quả xét nghiệm loằng ngoằng chữ, Thủy chẳng thể đọc được nội dung gì. Chỉ đến khi ông bác sĩ đọc hộ lại những dòng chữ đó thì Thủy mới quỵ xuống bàng hoàng. Thủy bị ung thư tuyến giáp, di căn hạch cổ phải. Chồng cô nghe tin, phóng vội xe trên đoạn đường mấy cây số từ nhà lên viện mà ba lần anh đi lạc. Thủy đã kịp làm khô giọt nước mắt cuối cùng khi chồng có mặt. Lúc này, đầu óc cô chỉ nghĩ đến đứa con trong bụng. Chẳng lẽ cô lại không có cái phước được nhìn thấy con khôn lớn, trưởng thành. Cũng từng là một đứa trẻ mồ côi mẹ, Thủy thấm thía vô cùng nỗi mất mát lớn lao mà con trai mình sẽ phải trải qua.

Trong những ngày tháng chờ lên bàn mổ, cô gái 24 tuổi vừa tuyệt vọng, vừa khát khao sống một cách mãnh liệt. Gặp ai đến thăm, cô cũng nắm tay bảo: "Mình chưa muốn chết! Mình muốn sống để chăm sóc chồng con mình. Mình không thể chết". Những hôm sức khỏe tốt hơn một chút, Thủy lại đòi chồng cho đến trường Nguyễn Du để gặp bạn gặp bè cho đỡ nhớ trường, nhớ lớp. Những ngày này, Thủy luôn xuất hiện với những bộ váy áo đẹp nhất, lịch lãm như chuẩn bị đi dự một lễ hội hay một cuộc vui lớn trong đời. Thủy bảo: "Những bộ váy áo đẹp làm tôi tự tin hơn và tôi cũng sợ rồi một ngày gần đây, mình sẽ không còn được mặc những bộ quần áo đẹp như thế để gặp gỡ bạn bè nữa".

Thủy lên bàn mổ với sự tự tin mãnh liệt của mình. Cô mổ đẻ để lấy đứa con trong bụng ra một cách an toàn. Nửa tháng sau, cô tiếp tục lên bàn mổ để bóc hạch cổ. Ca mổ thành công, theo lời bác sĩ thì nếu may mắn sẽ sống thêm được một, hai chục năm nữa.

Tuy vậy, Thủy vẫn thấy gần lắm cái chết kề cận ngay bên. Một tuần sau khi mổ, nằm trên giường bệnh trắng toát, Thủy viết bài thơ "Có thể" gửi lại cho chồng: "Có thể em sẽ bỏ cuộc giữa chừng/Để lại mình anh với bao mảnh vỡ/ Nhưng tình em sẽ như hơi thở/Cùng nhịp đập với anh.../Con của chúng mình rồi sẽ lớn lên/Với ánh mắt hoài nghi tìm mẹ/Đừng khổ đau vì những điều có thể/Anh hãy ôm con vào lòng...". Và những dòng thơ như rút ruột mà ra đó nằm trong chùm ba bài thơ của Nguyễn Thị Thu Thủy vừa được xướng tên ở vị trí giải nhì Cuộc thi thơ tình báo Văn nghệ đăng trên Văn nghệ trẻ năm 2006 và sẽ được trao tại Hội Nhà văn vào ngày 16/8 tới.

Trong chùm thơ ba bài đó, còn có một bài thơ mang tên "Mẹ của anh" dành tặng người mẹ chồng đã không chấp nhận cô với những câu chữ trân trọng, tình cảm. Thủy bảo: "Bài này tôi viết không chỉ dành riêng cho mẹ chồng tôi mà tôi còn mong muốn nó sẽ góp phần hóa giải câu thành ngữ "mẹ chồng nàng dâu" cũng như trân trọng giá trị thứ tình cảm thiêng liêng đó. Dù tôi rất giận mẹ chồng, giận lắm... nhưng chỉ riêng việc bà sinh ra một người đàn ông tuyệt vời như thế để dành cho tôi thì đã là một đại ơn mà tôi nợ bà suốt cả cuộc đời. Tôi chỉ sợ rằng, kiếp sau sẽ không thể gặp được một người đàn ông nhân hậu và yêu thương tôi như thế!"

Sự hồi sinh của một mái ấm gia đình

Giờ đây, vợ chồng Thủy và đứa con 17 tháng tuổi vẫn sống trong một căn nhà thuê nằm sâu trong con ngõ cổ kính trên phố Tôn Thất Tùng. Sau nửa năm dưỡng bệnh, khỏe lại một chút, Thủy lại lăn vào trường văn trận báo. Có thời gian cô làm phóng viên, cộng tác viên cho một số tờ báo ở Hà Nội...

Thời gian này, Thủy không đi làm nữa mà ở nhà tập trung dưỡng bệnh và chuẩn bị cho ra mắt tập thơ và tuyển tập truyện ngắn in với mấy người bạn. Theo lời dặn của bác sĩ, cô sẽ phải uống thuốc đều đặn hàng ngày cho đến cuối đời. Vì đặc thù công việc, chồng cô thì vẫn miệt mài nơi công trường xa lắc. Đứa con trai được tạm gửi cho ông bà ngoại ở Bắc Ninh trông nom giúp. Cứ cuối tuần, Thủy lại chuẩn bị hành trang của một người mẹ có con mọn, bắt chuyến xe buýt quen thuộc vượt 30 cây số đường trường về thăm bé "David Bâm" và về thăm lại "Con đường rợp bóng hàng cây/ Đồng quê sương gió hao gầy Dì tôi".

Đi dân nhớ, ở dân thương!

SEO ngành nghề, cỏ nhân tạo, chuyên sửa máy rửa bát tại hà nội, tình yêu độ xe Mercedes, chuyên sửa chữa tivi tại nhà ở Hà Nội, đặt hàng tượng phật đồ thờ tâm linh làng nghề Sơn Đồng | Điện lạnh Bách Khoa Hà Nội