Cách đơn giản để hạn chế sự khó chịu của chứng ốm nghén.

Started by hangle124, 25/02/08, 11:56

Previous topic - Next topic

hangle124

Cùng với niềm hạnh phúc có tin vui, không ít bà mẹ bị chứng ốm nghén quay đến tơi tả. Sau đây là một số cách đơn giản để hạn chế sự khó chịu của chứng ốm nghén.

- Trộn 1/2 thìa nước gừng, 1 thìa nước chanh tươi, 1 thìa bạc hà, 1 thìa mật ong với nhau, uống 3-4 lần trong một ngày.
- Trộn 1 thìa nước chanh tươi, 1 thìa bạc hà, 1 thìa mật ong với nhau, uống 3 lần một ngày.

- Một số loại thức ăn có tác dụng chống nôn ói là hoa hồi, cau, cà rốt, sơn trà, chanh. Có thể ăn vặt các loại quả khô như đậu phộng, hạt dưa, trám, ô mai... Trong suốt thai kỳ, tránh các xung đột hay những tình huống gây ức chế thần kinh khác.

Ngoài ra có thể thay đổi cách thức nấu nướng, tránh ăn các loại thức ăn có mùi khó chịu, không nên ăn canh, ăn quá nhiều đồ mỡ hoặc gia vị, tránh đồ ăn kích thích dạ dày và đường ruột. Cần ăn nhiều bữa trong ngày, mỗi lần một ít. Cũng không nhất thiết phải uống sữa bà bầu, chỉ cần ăn uống đủ chất là được.

(P.S: Thân tặng Sao - Vịt nhé)

Share The Joys

saos@ngmo

Cảm ơn chị hangle124, hiện giờ bà xã nhà em đã đỡ roài.
Thông tin thêm để những người đi sau có thể phòng tránh và áp dụng trong giai đoạn đầu mang thai, đặc biệt các bạn mang thai khi có thời tiết lạnh:
Nên tránh:
+ Tắm và gội đầu cùng ngày. Nên tắm 1 hôm và gội đầu vào hôm sau. Tắm tốt nhất là dùng nước lá trầu không đun với gừng, bỏ thêm mấy hạt muối vào. Lá trầu không sẽ giúp bít lỗ chân lông để không bị mất khí trong cơ thể. Còn gừng có tác dụng tránh lạnh. Muối thì không biết tại sao lại bỏ vào, vì dân gian mách thế nên cứ thế làm theo.
+ Không nên đi chân đất, luôn phải mang tất và đi dép
+ Hạn chế chạm vào nước lạnh.
+ Không nên để cơ thể ngấm nước mưa.
+ Không nên ăn nhiều đồ gây nóng

Một số bài thuốc dân gian khác để hạn chế nôn trong giai đoạn thai nghén:
+ Nước đậu đen: luộc đậu đen lấy nước, cho thêm 1 ít muối hoặc đường (cho dễ uống) --> Nước đậu đen rất mát, nếu không bị nôn thì giai đoạn mang thai cũng nên uống, rất tốt.
+ Vỏ bưởi khô: đun lấy nước và cho người mang thai uống (trong sách nói thế, chưa áp dụng bao giờ)

Nhờ chị hangle bổ sung thêm các thông tin theo hướng không nên, :)

hangle124

Quote from: saos@ngmo on 25/02/08, 13:24
CNhờ chị hangle bổ sung thêm các thông tin theo hướng không nên, :)
Theo kinh nghiệm của chị, không nên kiêng khem quá nhiều, từ chuyện ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt... đến tập thể dục, nên cân bằng mọi thứ. Cũng không nên quá lo lắng về điều gì cả, nên giữ tâm trạng thoải mái, thư giãn, nghĩ đến đứa con tương lai của mình.
Share The Joys

symphony

Nghe nói em Vịt con đang nghén xúc xích! Nếu chuyện này là có thật thì quả là SSM đã cho em ý ăn quá nhiều xúc xích lúc đang yêu. Vậy là, em ý nghén mà không bỏ được, nghiện mất rồi! Xúc xích người không dùng lại thích ăn xúc xích làm từ lợn, há chẳng là vui vẻ lắm ru, SSM?
Tìm kiếm nhà đất trực tuyến: http://tknd.vn

saos@ngmo

Đúng thế, dạo này vợ mình thèm ăn mọi thứ chứ không riêng gì xúc xích. Mình có tí thời gian tranh thủ bắt tay lên trán suy luận, đào mỏ internet nhưng không thu được kết quả. Ừm, xin phép được trình bày:

Hi chị hangle và sym, theo ssm hiểu thì nghén là phản ứng của cơ thể khi có vật thể lạ (là thai nhi) xuất hiện trong cơ thể của người phụ nữ.

Vậy thèm ăn 1 cái gì đó trong giai đoạn mang thai, tất nhiên ai cũng hiểu là cơ thể người phụ nữ thiếu gì thì thèm ăn của đó. Vậy hiện tượng bổ sung dinh dưỡng này được gọi là gì? Liệu cũng quy về nghén.

symphony

Ai cũng hiểu là khi người phụ nữ có thai thèm ăn một cái gì đó đều được gọi là "nghén ăn". Cụm từ này rất phổ biến. Thậm chí, trong giai đoạn này, nếu người chồng còn ăn nhiều hơn cả vợ thì còn được gọi là "nghén thay vợ".
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là em Vịt em ý nghén "xúc xích". Chắc tại ăn nhiều quá, giờ không bỏ được! :)
Tìm kiếm nhà đất trực tuyến: http://tknd.vn

Sao_Online

Nghe nói có người còn nghén cả vôi trát tường mới ghê!

Vịt nhà thằng SSM nghén xúc xích cũng do bởi thói quen ngày chén gần chục bữa. Món này mua sắm hơi mệt và đắt đỏ nên anh em cũng chỉ biết động viên SSM mà thôi. SSM cố gắng chiều vợ kẻo Vịt chuyển sang nghén Vôi bột, Dầu luyn, Lá Xoan, Lá Ngón là khó kiếm lắm đấy!
Đi dân nhớ, ở dân thương!

phamhongtu

ĐỂ GIẢM NỖI KHÓ CHỊU CỦA PHỤ NỮ MANG THAI

BS. PHÓ ĐỨC NHUẬN

Thai nghén là hiện tượng sinh lý bình thường diễn ra một thời gian có hạn trong cuộc đời người phụ nữ. Tuy vậy do cơ thể người mang thai có nhiều biến đổi cả về hình thể lẫn chức năng, nên đã gây ra không ít những điều khó chịu đối với họ. Nếu không biết về những biến đổi này có người sẽ cho chúng là bất thường, là bệnh lý. Ngược lại do biết không đầy đủ có khi đã xuất hiện những dấu hiệu nguy cơ thực sự trong thai nghén, nhưng lại vẫn chỉ được coi là những diễn biến bình thường, không đi khám bệnh, đưa đến những tai họa khó lường cho sức khỏe của mẹ và con.

Những nỗi khó chịu của người mang thai có thể bao gồm:

1. Khó chịu về cảm giác, tâm lý

Ở người mang thai, về mặt tình cảm và tâm lý có tình trạng dễ bị kích thích. Họ dễ buồn bực, giận hờn, rất dễ xúc động, thậm chí có lúc còn khóc cười vô cớ. Bên cạnh đó còn có tâm trạng lo lắng về sức khỏe của mình và của đứa con trong bụng cũng như về cuộc sinh đẻ sắp tới. Nếu thai nghén là điều được cả đôi vợ chồng mong ước thì nỗi lo này thường đi kèm với những niềm hy vọng tốt đẹp, những ý nghĩ dịu dàng, thân thiết, mong mỏi ở đứa con tương lai. Ngược lại nếu là thai nghén không mong muốn, nhất là những trường hợp "lỡ dở" thì nỗi lo hãi, bực dọc sẽ tăng lên gấp bội. Do những tình cảm và tâm lý này người mới có thai thường hay nằm mơ: những giấc mơ kỳ lạ có thể mang đến cho họ niềm vui sướng, tin tưởng nhưng cũng có thể là những cơn ác mộng khiến nỗi lo hãi của bà mẹ lại tăng thêm.

Rất may mắn là thời kỳ có biến động về tâm lý và tình cảm này rất ít khi kéo dài, thường chỉ trong vòng một, hai tháng đầu của thai kỳ nếu cuộc thai nghén đó là bình thường.

Về tình dục trong giai đoạn thai nghén ban đầu có người không còn ham muốn nhưng có người cảm giác ham muốn lại tăng lên. Cả hai loại tình cảm này đều không có gì là bất thường cả.

Để đáp ứng phù hợp với những điều khó chịu này, không những bản thân người có thai cần tự biết các diễn biến này không có gì nghiêm trọng mà cả những người thân trong gia đình và bè bạn cũng cần hiểu những hiện tượng đó để có thái độ thông cảm, chấp nhận và đối xử với người có thai một cách tế nhị hơn bao giờ hết. Để giảm bớt các cơn mê hãi hùng, người có thai không nên ăn quá no trước khi đi ngủ, nên cởi mở tâm sự của mình với chồng và người thân thích để được trao đổi, giải tỏa những ẩn ức xuất hiện trong lúc nằm mê.

Về sinh hoạt tình dục, nếu là người tăng ham muốn cũng nên biết kiềm chế, ngược lại nếu thuộc loại không ham muốn cũng nên trao đổi với chồng để có sự thông cảm, tránh tình trạng bị "ép buộc" hoặc phải "chịu đựng" cho xong chuyện. Dù sao cũng nên biết quan hệ tình dục khi có thai không phải là điều kiêng kỵ tuyệt đối, chỉ cần sự thống nhất và cùng có nhu cầu đòi hỏi của cả hai vợ chồng với sự thận trọng, nhẹ nhàng cùng với tư thế thích hợp. Tuy nhiên nếu đã có sảy thai trước đó thì nên hạn chế và tránh quan hệ tình dục vào ba tháng đầu. Nếu trước đó đã từng bị đẻ non thì nên tránh quan hệ tình dục từ tháng thứ 6 trở đi.

2. Những khó chịu do thay đổi, biến dạng về hình thể

- Những vết đổi màu trên da: Khi có thai, trên da thường xuất hiện các vết thẫm màu (vết nám) ở vùng trán, mặt và ngực. Quầng vú nổi hạt và cùng với núm vú thâm đen dần dần. Ở bụng từ rốn trở xuống xuất hiện các vết rạn màu tím đen và đường giữa từ rốn đến mu cũng đen lại. Trên da ngực thường nổi các mạch máu xanh nhạt, có khi còn có những mảng như hình con nhện xuất hiện trên da ở mọi chỗ do những mạch máu nhỏ dưới da tạo thành. Các biểu hiện trên sẽ mất đi sau khi sinh đẻ không có gì đáng lo và không nên tìm bôi các thuốc ngoài da theo quảng cáo. Có thể hạn chế biến màu thẫm hơn ở da mặt bằng cách đội mũ nón rộng vành khi đi ngoài nắng.

- Thay đổi về vú: Ngoài những biến đổi màu sắc trên da, khi thai nghén vú sẽ phát triển to thâm do các tuyến sữa, các ống dẫn sữa, các mô đệm và mỡ phát triển. Vú có thể tăng thêm từ 1 đến 1,5kg so với lúc chưa có thai. Do vú to và căng nên có thể gây đau tức nhẹ. Vào những tháng thai nghén cuối, vú bắt đầu có sữa non.

Trong giai đoạn có thai cần giữ gìn vú sạch sẽ để không bị nhiễm trùng. Nếu thấy đau nhức nhiều, vú sưng đỏ, sờ thấy nóng thì vú đã bị nhiễm trùng cần đi khám để được điều trị kịp thời.

- Thay đổi ở bụng: Thai nghén càng phát triển thì bụng càng to ra, da bụng phồng căng. Nếu thai to, dạ con còn lồi hẳn ra phía trước (vì phía sau bị vướng cột xương sống). Bụng to sẽ chèn ép lồng ngực khiến người có thai thường thở nhanh và khó khăn hơn người bình thường. Thay đổi hình dạng khiến người có thai trở nên nặng nề, hoạt động chậm chạm không còn linh hoạt, nhanh nhẹn như trước.

3. Khó chịu về ăn, ngủ

Tình trạng thai nghén có thể gây những rối loạn ít nhiều về sinh hoạt hàng ngày đối với người phụ nữ, nhất là về ăn và ngủ.

- Buồn nôn và nôn: Người có thai, nhất là thai con so, trong hai, ba tháng đầu thường thấy tiết nhiều nước bọt và có cảm giác buồn nôn, lợm giọng và nôn thực sự. Nôn mỗi ngày vài lần và hay nôn vào buổi sáng hoặc khi ngửi thấy mùi khó chịu của thức ăn. Có những người lúc chưa có thai rất thích ăn một món nào đó, ví dụ như phở chẳng hạn nhưng khi có thai chỉ cần ngửi thấy mùi phở đã buồn nôn hoặc nôn. Những thay đổi này không có gì nguy hại. Nó chỉ có thể làm người có thai hơi mệt, khó chịu hơn và đôi khi gầy sút một chút do sợ bị nôn nên không dám ăn uống gì.

Có thể áp dụng một số biện pháp sau đây đối với tình trạng khó chịu này:

+ Ngậm một cái kẹo hay nhấm nháp một lát bánh mì khô (biscôt) vào lúc mới ngủ dậy.

+ Nên ăn nhiều bữa trong ngày, mỗi bữa ăn ít một. Nên chế biến, thay đổi món để có thể ăn được dễ hơn.

+ Thường xuyên uống nước ngụm nhỏ.

+ Có thể uống nước chè gừng hoặc nước chanh vắt.

Trường hợp nôn nhiều, ăn gì nôn nấy, nôn cả mật xanh mật vàng, thậm chí trong bụng không còn gì vẫn cứ nôn khan khiến cơ thể gầy sút, hốc hác, mạch cổ tay nhanh đến 100 lần một phút thì cần đưa tới bệnh viện khám ngay để được xác định thai nghén có bình thường hay không và để được điều trị thích hợp.

- Ắn "gở": Bên cạnh tình trạng nôn và không thèm ăn một số thức ăn trước đây vẫn thích, người có thai lại thèm ăn những thức ăn đặc biệt. Thông thường nhất là thích ăn của chua như khế, chanh, mơ, mận. Có khi lại thèm ăn những thứ kỳ quặc như có người ăn cả vách tường, đất sét. Có chị đã lấy mũi dao khoét chân "ông đầu rau" lấy đất ăn một cách ngon lành. Ở chợ quê xưa thường có hàng bán các mảnh đất sét nung gọi là "ngói" để phục vụ các bà các chị có thai thích ăn "trái khoáy" như vậy.

Đối với chứng "thèm ăn", nếu người có thai thích ăn rau quả, đậu đỗ, trứng, trái cây thì không có gì phải giữ gìn, càng ăn được nhiều càng tốt. Trường hợp thèm ăn đất như trên thì nên kiềm chế vì dễ đưa vào cơ thể các mầm bệnh như vi trùng, ký sinh trùng (giun, sán). Những người này nên hướng dẫn họ dùng các viên thuốc có canxi hoặc sắt; Hoặc hướng dẫn họ ăn vỏ trứng đã rửa sạch hoặc nướng khô.

- Đau rát vùng dưới xương mỏ ác: Khi có thai, dạ con to dần đẩy lên dạ dày làm vị trí của nó lên cao và nằm ngang. Cơ vùng dạ dày với thực quản giãn ra, dạ dày giảm co bóp nên dễ bị ợ chua, ợ hơi và có cảm giác nóng rát ở vùng dưới xương mỏ ác.

Để giải quyết tình trạng này, người có thai có thể:

+ Ắn nhẹ, ăn nhiều bữa.

+ Ắn khô và uống nước canh riêng, không nên trộn canh lẫn với cơm.

+ Tránh ăn nhiều mỡ, nhiều gia vị.

+ Tránh cà phê, thuốc lá.

+ Nằm ngủ ở tư thế đầu cao hơn vùng dạ dày.

+ Mặc quần áo rộng, thoáng.

- Rối loạn về giấc ngủ: Khi có thai, có người buồn ngủ nhiều, có thể ngủ suốt ngày trong những tháng đầu. Điều này không có gì đáng lo ngại. Nếu trong thời kỳ nghỉ ngơi (lễ, tết, chủ nhật) ngủ được càng nhiều càng tốt. Nhưng lại có người không ngủ được. Khó chịu nhất là phải trằn trọc suốt đêm. Với những người đó có thể khuyên:

+ Nên nằm nghiêng nếu có thói quen ngủ nằm ngửa, kê giữa hai đùi một tấm chăn mỏng được cuộn lại.

+ Trước khi đi ngủ được xoa bóp nhẹ nhàng trên cơ thể giúp khí huyết lưu thông và các cơ thư giãn để dễ đi vào giấc ngủ hơn.

+ Có thể uống một cốc sữa ấm trước lúc đi nằm.
Nguồn: http://www.ykhoanet.com/SKDS/SANPHUKHOA/62-11.html

phamhongtu

Dược thiện cho phụ nữ ốm nghén 
Mía giúp giảm các triệu chứng ốm nghén.

Nước mía 100 ml, gừng tươi 10 g; gừng rửa sạch, giã nát, ép lấy nước cốt, cho vài giọt vào cốc nước mía, quấy đều, hâm nóng rồi uống. Thuốc có công dụng sinh tân dịch, hòa vị, dùng cho những thai phụ hay nôn mửa hoặc nôn khan, miệng đắng, khát nước.

Khi có thai, ở nhiều phụ nữ thấy xuất hiện tình trạng "ốm nghén" với các triệu chứng mệt mỏi, gầy sút, chán ăn, da xanh, lợm giọng, buồn nôn và nôn. Hiện tượng này thường bắt đầu khi có thai khoảng gần một tháng và kéo dài chừng ba tháng.

Nhìn chung, ốm nghén là một hiện tượng bình thường nên không cần phải điều trị đặc biệt. Để giảm bớt các triệu chứng khó chịu, thai phụ nên ăn uống cân bằng và thanh đạm, tránh dùng quá nhiều đồ bổ béo, khó tiêu. Nếu bị táo bón, mỗi sáng nên uống một chén mật ong. Ngoài ra, có thể áp dụng một số món ăn bài thuốc sau:

- Cá diếc 1 con, sa nhân 3 g, gừng tươi, hành và gia vị vừa đủ. Cá diếc đánh vảy, bỏ ruột và mang, rửa sạch, cho sa nhân vào trong bụng rồi kho nhừ, chế đủ gia vị, ăn nóng. Dùng cho thai phụ nôn mửa, tinh thần mỏi mệt, tay chân rã rời, có thể có phù nhẹ hai chi dưới.

- Hoài sơn 100 g, gừng tươi 5 g, thịt lợn nạc 50 g. Hoài sơn và thịt lợn thái miếng, gừng đập dập, tất cả đem hầm nhừ, chế thêm gia vị, ăn nóng. Dùng cho thai phụ nôn mửa, chán ăn, toàn thân mỏi mệt, đại tiện lỏng loãng.

- Phật thủ 10 g, gừng tươi 2 lát, đường cát lượng vừa đủ. Tất cả hãm với nước sôi trong bình kín, sau 20 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày. Dùng cho thai phụ nôn mửa, ngực bụng đầy tức khó chịu, tinh thần dễ căng thẳng.

- Hoắc hương 12 g, gạo tẻ 100 g. Sắc kỹ hoắc hương, bỏ bã lấy nước, cho gạo vào nấu thành cháo, chế thêm gia vị, chia ăn vài lần trong ngày. Dùng cho thai phụ nôn mửa, miệng nhạt, tinh thần mỏi mệt, dễ buồn ngủ.

- Cá diếc 50 g, bạch truật 10 g, gạo tẻ 30 g. Cá diếc đánh vảy, bỏ nội tạng; bạch truật sắc kỹ, bỏ bã lấy nước, cho gạo và cá vào nấu thành cháo, chế thêm gia vị, chia ăn vài lần trong ngày. Dùng cho thai phụ tỳ vị hư yếu, mệt mỏi, nôn mửa, đại tiện lỏng nát.

- Tô ngạch 5 g, trần bì 10 g, đại táo 10 quả, đường đỏ 15 g. Tất cả tán vụn, hãm với nước sôi trong bình kín, sau chừng 20 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày. Dùng cho thai phụ nôn ra nước chua, ngực bụng đầy tức, đầu nặng mắt hoa, miệng đắng họng khát.

- Tây dương sâm 3 g, nước ép dưa hấu 50 ml. Tây dương sâm thái phiến mỏng, sắc kỹ lấy nước, hòa với nước ép dưa hấu, chia uống vài lần trong ngày. Dùng cho thai phụ ốm nghén có nôn kịch liệt, thậm chí nôn ra máu, sốt nhẹ, họng khô, miệng khát, tiểu tiện sẻn đỏ, đại tiện táo kết...

Lưu ý:

- Trước khi dùng các món ăn - bài thuốc trên, nên ăn một chút cháo loãng có gừng hoặc vài giọt nước gừng; nếu có cảm giác nóng trong dạ dày thì có thể uống trước một ít nước lạnh.

- Khi dùng thuốc, nên uống từng thìa, nếu không nôn cũng nên chờ một lát rồi mới uống tiếp.

- Trường hợp nặng nên đến khám tại cơ sở y tế chuyên khoa để nhận được những lời khuyên hợp lý.
                                     ThS Hoàng Khánh Toàn, Sức Khỏe & Đời Sống

symphony

Quote from: Sao_Online on 27/02/08, 13:04
Nghe nói có người còn nghén cả vôi trát tường mới ghê!

Vịt nhà thằng SSM nghén xúc xích cũng do bởi thói quen ngày chén gần chục bữa. Món này mua sắm hơi mệt và đắt đỏ nên anh em cũng chỉ biết động viên SSM mà thôi. SSM cố gắng chiều vợ kẻo Vịt chuyển sang nghén Vôi bột, Dầu luyn, Lá Xoan, Lá Ngón là khó kiếm lắm đấy!

"Xúc xích" của nhà trồng được thì lo gì?
Tìm kiếm nhà đất trực tuyến: http://tknd.vn

SEO ngành nghề, cỏ nhân tạo, chuyên sửa máy rửa bát tại hà nội, tình yêu độ xe Mercedes, chuyên sửa chữa tivi tại nhà ở Hà Nội, đặt hàng tượng phật đồ thờ tâm linh làng nghề Sơn Đồng | Điện lạnh Bách Khoa Hà Nội