Những câu chuyện dạy con

Started by hangle124, 13/03/08, 15:35

Previous topic - Next topic

hangle124

Mình lập chủ đề này để mọi người chia sẻ các câu chuyện dạy con, nhất là lứa tuổi học ăn, học nói, hình thành nhân cách.
Mở đầu là một câu chuyện mình mới đọc được trên báo Thanh niên, thấy hay và bổ ích. Câu chuyện này chưa thích hợp với members của Hty lắm nhưng để dành sau này sử dụng cũng được.


Vợ tôi dạy con

Tôi đã đọc khá nhiều sách thể loại "Nuôi dạy con như thế nào?", hòng tìm một phương pháp tối ưu để chinh phục hai chị em "chúng nó" là cái Chù và thằng cu Lỳ. Sở dĩ tôi gọi là chúng nó bởi vì 10/10 các trường hợp cần để phân thắng bại trong "cuộc chiến tranh gian khổ" giữa hai phe trong nhà, hai đứa con tôi đều đứng về phía mẹ với tỷ lệ... 110%! Bí quá, tôi quay sang đọc Binh pháp Tôn Tử để nghiên cứu kỹ kế sách "biết người biết ta, trăm trận trăm thắng". Như các nhà giáo dục vẫn nói, sau khi học hành "thành tài", tôi đem ra vận dụng vào thực tế.

Lần thứ nhất là lần tôi ngồi nhậu với bạn bè từ bốn giờ chiều đến chín giờ tối. Đang vui, cái Chù đến. Với trình độ nhìn ruồi bay qua biết con nào còn tơ, con nào vừa hay đã già; tôi biết tỏng là vợ tôi sai phái viên đặc biệt đến để áp tải ba chúng nó về. Tôi đằng hắng: "Mẹ sai con đến à?". "Dạ, không. Con đến ngồi với ba cho vui". Làm thân con gái mà đến ngồi bàn nhậu cho vui thì có khác gì tôi đem con mình ra để đánh bạc với đời? Tôi dịu: "Cứ về đi rồi chốc nữa ba về". Mấy thằng bạn nhậu còn kích động thêm nào là nể vợ quá đỗi; nào là xứng danh "mắt cụp lâu dài"; "đỉnh" của "thưa bà, con đây"... Sẵn hơi men, tất nhiên là tôi gắt búa xua. Khổ thân con bé, buộc phải quay về nhà với bàn tay đưa lên quệt ngang mắt. Khuya. Tôi chắc mẩm phen này đại thắng mùa đông, vừa đi vừa nghêu ngao Một chiều ngồi say, một chiều mộng mị... Bỗng tôi bàng hoàng và tỉnh rụi cả người khi thấy cái Chù ngồi dựa cổng, ngủ gục chờ trong đêm thanh vắng. Vậy là từ đó, cắt chuyện nhậu quá đà, tỷ số của tôi với phe kia là 0-1 bền vững.

Lần thứ hai. Tính tôi ham vui. Đánh bài lại có hơi men. Thua, tôi về mở cuộc điều tra xem cái "kho bạc" bé xíu của vợ nó nằm ở chỗ nào. Thằng cu con 6 tuổi thấy tôi sục chỗ này, ngó nghiêng chỗ kia, nó cứ đi theo như hình với bóng khiến tôi phát cáu. Nhưng mà nghĩ đến Tôn Tử, tôi xoa dịu: "Con biết mẹ giấu tiền chỗ nào, chỉ cho ba biết, ba cho hai ngàn mua kẹo". Nó lắc lấy lắc để cái đầu nhưng nhìn vào mắt nó tôi thấy cái nghĩa khác của vấn đề. "Ba sẽ cho con năm ngàn". Tôi cao giọng. Lần này thì cu cậu không lắc nữa nhưng thủng thẳng: "Con biết nhưng con không chỉ. Ba đi đánh bài thua, cả nhà ăn muối". "Làm sao ăn muối được? Tiền ba kiếm cả tỉ". "Không. Ngày nào mẹ cũng nhắc đi nhắc lại như thế. Con biết mẹ không khi nào nói sai". À, ra thế. Vợ tôi không biết Goebel là ai nhưng phương pháp tuyên truyền kích động thì y chang như hồi thế chiến thứ hai. Tôn Tử chẳng giúp tôi được tẹo nào bởi ông chưa lường hết được cái mệnh đề "phương pháp Goebel".

Rút kinh nghiệm hai lần trước, đến lần thứ ba, tôi chuẩn bị khả năng tác chiến "chăm phần chăm" thắng ăn chắc. Số là lần ấy, vui bạn vui bè nên tôi thâm hụt hơn nửa tiền lương tháng. Không có giải pháp nào cho chuyện kính thưa các nghệ thuật trình bày nên tôi quyết định "đánh đòn phủ đầu". Lần này tôi học Napoléon: "Chiến thắng là tập trung lực lượng quyết định ở thời điểm quyết định". Vừa về đến nhà, tôi rào ngay cái vườn rau: "Tháng này có nhiều khoản đóng góp quá. Xe lại hư suốt nên lương chỉ còn một nửa thôi". Vợ tôi không nói gì nhưng cứ nhìn trân trân lên trần nhà và, thở dài. Một lát sau bả thủng thẳng: "Tiền học phí, tiền học thêm của hai đứa, điện nước hết toàn bộ lương ba. Thiếu một nửa có nghĩa là bị cắt điện... và, cả nhà đều phải cố gắng". Nói đến đó, cô ta chớp chớp mắt liên hồi. Tôi không nghĩ đến trường đoạn êm dịu của bộ phim chim sổ lồng, cá mắc câu nên lúng túng. Con bé Chù nghe rồi đi ra thì thầm gì đó với cu Lỳ; một lát sau thấy hai chị em khệ nệ bê ra con heo đất tiền để dành từ hồi Tết. "Chúng con cho ba mượn để trả tiền điện nước. Khi nào có tiền ba mua con heo đất khác ba nhé". Thằng cu con thỏ thẻ thật dễ thương vậy mà lại làm tôi nhớ đến Nguyễn Du - Nhẹ như bấc, nặng như chì... Khỏi nói thì ai cũng hiểu những lời đó "nguy hiểm" hơn gấp nhiều lần cách giãy đành đạch của cá mắc câu!

Nhiều năm sau, khi cả hai đứa con tôi đều đã lớn, tôi mới cố công để tìm hiểu vì cái lẽ gì mà tôi trăm trận trăm thua? Tôi hỏi cái Chù: "Con tự nghĩ ra chuyện đợi ba à?". "Dạ không. Mẹ nói ba say, nếu mẹ đợi là đổ dầu vào lửa, con nên cố gắng. Ba biết đó, mẹ thật là chính xác". Tôi hỏi thằng cu Lỳ: "Tại sao hồi đó con không chỉ cho ba chỗ mẹ cất tiền? Lỡ ba tức ba đánh con thì sao?". "Con sợ lắm nhưng không bằng sợ ăn cơm với muối. Hồi ba đi công tác, đã có lần hai ngày liền mẹ cho chúng con ăn cơm với muối. Mẹ nói để rèn luyện cho quen với sự khó khăn bất chợt nào đó". "Thế còn chuyện cái ống binh?". "Chúng con thương ba".

Các bạn ạ, Đức Bồ Đề Đạt Ma dạy rằng, có 3 điều không thể nào biết được trong cuộc đời này là cái chết, lòng biển sâu và giới hạn của bầu trời. Tôi muốn thêm một điều nữa: Cách các bà vợ dạy con cái để sao cho chúng nó vừa chống lại ba lại vừa thương yêu ba, bảo đảm hạnh phúc cho mỗi gia đình. Về khoản này, phụ nữ đạt đến tầm vóc của những thiên thần!

Tô Vĩnh Hà

Share The Joys

hangle124

Chuyện cậu Bưởi nhà mình:

Đã bước sang tuổi thứ 5, nhưng sáng nào dậy đi học cũng mè nheo cả. Mẹ bèn kể cho nghe câu chuyện về Thánh Gióng: 3 tuổi vươn vai đứng dậy, mặc áo giáp sắt, cầm roi sắt, cưỡi ngựa sắt dẹp tan giặc Ân.

Rồi rút ra "kết luận": Con thấy chưa, Thánh Gióng 3 tuổi đã làm được như thế, còn con 5 tuổi, nếu không tự thức dậy, đánh răng rửa mặt, mặc quần áo đi học thì lỡ giặc đến nhà mình lấy hết đầu đĩa, phim của con thì sao con đánh giặc được.

Lần sau, mỗi khi nhắc đến Thánh Gióng là cu cậu tự giác hẳn.
Share The Joys

SEO ngành nghề, cỏ nhân tạo, chuyên sửa máy rửa bát tại hà nội, tình yêu độ xe Mercedes, chuyên sửa chữa tivi tại nhà ở Hà Nội, đặt hàng tượng phật đồ thờ tâm linh làng nghề Sơn Đồng | Điện lạnh Bách Khoa Hà Nội