Quốc hiệu Việt Nam qua các thời kỳ.

Started by Sao_Online, 20/04/08, 22:46

Previous topic - Next topic

Sao_Online

Quốc hiệu Việt Nam qua các thời kỳ

Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử đã dùng nhiều quốc hiệu (tên chính thức của quốc gia) khác nhau. Bên cạnh đó, cũng có những danh xưng được dùng chính thức hay không chính thức để chỉ vùng lãnh thổ thuộc quốc gia Việt Nam.

Dưới đây là danh sách các quốc hiệu chính thức của Việt Nam theo dòng lịch sử. Các quốc hiệu này đều được ghi chép trong các sách sử Việt Nam, hoặc được chính thức sử dụng trong nghi thức ngoại giao quốc tế.

Văn Lang

Văn Lang (chữ Hán: 文郎) được coi là quốc hiệu đầu tiên cho Việt Nam. Quốc gia này có kinh đô đặt ở Phong Châu nay thuộc tỉnh Phú Thọ. Lãnh thổ gồm khu vực Đồng bằng Bắc Bộ và ba tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh bây giờ. Quốc gia này tồn tại cho đến năm 258 TCN.

Âu Lạc

Năm 257 TCN, nước Âu Lạc (甌雒, 甌駱, 甌貉) được dựng lên, từ liên kết các bộ lạc Lạc Việt (Văn Lang) và Âu Việt, dưới uy thế của Thục Phán - An Dương Vương. Âu Lạc có lãnh thổ bao gồm lãnh thổ của Văn Lang trước đây và một phần đông nam Quảng Tây (Trung Quốc)

Khoảng cuối thế kỷ III, đầu thế II TCN (năm 208 TCN hoặc 179 TCN[1]), Triệu Đà (quận úy Nam Hải-nhà Tần) tung quân đánh chiếm Âu Lạc. Cuộc kháng cự của An Dương Vương thất bại, nhà nước Âu Lạc bị xóa sổ.

* Theo Trương Thái Du[2], Âu Lạc là kí âm bằng Hán tự của từ "Đất nước - Xứ sở". Ông cho rằng không tồn tại quốc gia Âu Lạc của An Dương Vương. Suốt vùng Lĩnh Nam gồm Quảng Đông, Quảng Tây, Bắc Việt Nam, người ta gọi nơi sinh sống của mình là "Đất nước", tức là "Âu Lạc".

Vạn Xuân

Vạn Xuân (萬春) là quốc hiệu của Việt Nam trong một thời kỳ độc lập ngắn ngủi khỏi chính quyền trung ương Trung Hoa, dưới sự lãnh đạo của Lý Nam Đế. Nó tồn tại từ năm 544 đến năm 602.

Đại Cồ Việt

Đại Cồ Việt (大瞿越) là quốc hiệu của Việt Nam từ thời nhà Đinh năm 968. Nó tồn tại đến đời vua Lý Thánh Tông năm 1054.

Đại Việt

Đại Việt (大越) là quốc hiệu của Việt Nam từ thời nhà Lý. Nó ra đời năm 1054, khi vua Lý Thánh Tông lên ngôi. Nó tồn tại không liên tục, đến năm 1804, trải qua các vương triều Lý, Trần, Lê, Mạc và Tây Sơn.

Đại Ngu

Đại Ngu (大虞) là quốc hiệu của Việt Nam thời nhà Hồ. Quốc hiệu Đại Việt được đổi thành Đại Ngu năm 1400 khi Hồ Quý Ly lên nắm quyền. Sau khi nhà Hồ bị thất bại trước nhà Minh, và nhà Hậu Lê giành lại độc lập cho Việt Nam, quốc hiệu của Việt Nam đổi lại thành Đại Việt.

Về quốc hiệu này, theo truyền thuyết, họ Hồ là con cháu Ngu Thuấn (là một trong Ngũ Đế nổi tiếng ở Trung Hoa thời thượng cổ); sau này con Ngu Yên là Vĩ Mãn được Chu Vũ Vương của nhà Chu phong cho ở đất Trần gọi là Hồ Công, sau dùng chữ Hồ làm tên họ. Hồ Quý Ly nhận mình là dòng dõi họ Hồ, con cháu Ngu Thuấn, nên đặt quốc hiệu là Đại Ngu. Chữ Ngu (虞) ở đây có nghĩa là "sự yên vui", chứ không có nghĩa là "ngu si" (愚癡).

Việt Nam

Quốc hiệu Việt Nam chính thức xuất hiện vào thời nhà Nguyễn. Vua Gia Long đã đề nghị nhà Thanh công nhận quốc hiệu Nam Việt, với lý lẽ rằng "Nam" có ý nghĩa "An Nam" còn "Việt" có ý nghĩa "Việt Thường". Tuy nhiên tên Nam Việt trùng với quốc hiệu của lãnh thổ nhà Triệu, gồm cả Quảng Đông và Quảng Tây của Trung Hoa; nhà Thanh đổi ngược lại để tránh nhầm lẫn, và chính thức tuyên phong tên này năm 1804.

Tuy nhiên, tên gọi "Việt Nam" có thể đã xuất hiện sớm hơn. Ngay từ cuối thế kỷ 14, đã có một bộ sách nhan đề Việt Nam thế chí (nay không còn) do Hàn lâm viện học sĩ Hồ Tông Thốc biên soạn. Cuốn Dư địa chí viết đầu thế kỷ 15 của Nguyễn Trãi (1380-1442) nhiều lần nhắc đến hai chữ "Việt Nam". Điều này còn được đề cập rő ràng trong những tác phẩm của trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585), chẳng hạn ngay trang mở đầu tập Trình tiên sinh quốc ngữ đã có câu: "Việt Nam khởi tổ xây nền". Người ta cũng tìm thấy hai chữ "Việt Nam" trên một số tấm bia khắc từ thế kỷ 16-17 như bia chùa Bảo Lâm (1558) ở Hải Dương, bia chùa Cam Lộ (1590) ở Hà Tây, bia chùa Phúc Thánh (1664) ở Bắc Ninh... Đặc biệt bia Thủy Môn Đình (1670) ở biên giới Lạng Sơn có câu đầu: "Việt Nam hầu thiệt, trấn Bắc ải quan" (đây là cửa ngő yết hầu của nước Việt Nam và là tiền đồn trấn giữ phương Bắc). Về ý nghĩa, phần lớn các giả thuyết đều cho rằng từ "Việt Nam" kiến tạo bởi hai yếu tố: chủng tộc và địa lý (người Việt ở phương Nam).

Sau này, danh xưng Việt Nam được chính thức sử dụng như quốc hiệu từ thời Đế quốc Việt Nam.

Đại Nam

Năm 1820, vua Minh Mạng lên ngôi xin nhà Thanh cho phép đổi quốc hiệu Việt Nam thành Đại Nam (大南), ngụ ý một nước Nam rộng lớn. Tuy nhiên nhà Thanh đã không chính thức chấp thuận. Khi nhà Thanh bắt đầu suy yếu, vua Minh Mạng đã chính thức đơn phương công bố quốc hiệu mới Đại Nam vào ngày 15 tháng 2 năm 1839. Quốc hiệu này tồn tại đến năm 1945.

Đế quốc Việt Nam

Sau khi Nhật đảo chính Pháp vào ngày 9 tháng 3 năm 1945, hoàng đế Bảo Đại tuyên bố độc lập và thành lập chính phủ độc lập ngày 17 tháng 4 năm 1945, đứng đầu là nhà học giả Trần Trọng Kim, với quốc hiệu Đế quốc Việt Nam. Trong thực tế Nhật vẫn cai trị Nam Kỳ. Sau khi Nhật đầu hàng quân Đồng Minh, Nam Kỳ mới được trao trả ngày 14 tháng 8 năm 1945, nhưng 10 ngày sau đó Hoàng đế Bảo Đại thoái vị. Đây là chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, cũng là lần đầu tiên danh xưng Việt Nam được chính thức dùng làm quốc hiệu và đất Nam Kỳ được thống nhất về mặt danh nghĩa vào đất nước Việt Nam.

Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà là tên gọi của cả nước Việt Nam từ 1945 đến 1954 và miền Bắc Việt Nam từ 1954 đến 1976. Nhà nước này được thành lập vào ngày 2 tháng 9 năm 1945 (ngày quốc khánh của Việt Nam ngày nay). Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải đối đầu với Pháp và Quốc gia Việt Nam được lập ra dưới cái ô của Pháp năm 1949. Trong thời kỳ 1954-1975, chính thể này lại phải đối đầu với Việt Nam Cộng Hoà được thành lập tại miền Nam Việt Nam.

Nam Kỳ quốc

Nam Kỳ quốc hay Nam kỳ Cộng hòa quốc (tiếng Pháp: République de Cochinchine) là danh xưng do chính phủ Pháp đặt ra cho vùng lãnh thổ Việt Nam phía dưới vĩ tuyến 16. Chính quyền Nam Kỳ quốc được thành lập ngày 26 tháng 3 năm 1946, về danh nghĩa là một quốc gia độc lập với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Danh xưng này tồn tại được 2 năm, sau đó lại chính quyền Nam kỳ quốc giải thể, đổi tên lại thành Chính phủ Nam phần Việt Nam, rồi sát nhập vào chính quyền lâm thời Quốc gia Việt Nam ngày 2 tháng 6 năm 1948.

Quốc gia Việt Nam

Quốc gia Việt Nam là danh xưng của toàn bộ vùng lãnh thổ Việt Nam, ra đời chính thức từ Hiệp ước Elysée ký ngày 8 tháng 3 năm 1949, giữa Tổng thống Pháp Vincent Auriol và Cựu hoàng Bảo Đại. Về danh nghĩa, chính quyền thuộc khối Liên hiệp Pháp, độc lập, đối kháng và tồn tại trên cùng lãnh thổ với chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Danh xưng Quốc gia Việt Nam tồn tại trong 6 năm (1949-1955). Năm 1955, Ngô Đình Diệm phế truất Quốc trưởng Bảo Đại, giải tán Quốc gia Việt Nam, thành lập chính quyền Việt Nam Cộng Hòa.

Việt Nam Cộng Hòa

Việt Nam Cộng Hòa là tên gọi quốc gia được thành lập tại miền Nam Việt Nam, kế tục Quốc gia Việt Nam (1949–1955). Năm 1955, trong một cuộc trưng cầu dân ý, thủ tướng Ngô Đình Diệm đã phế truất Quốc trưởng Bảo Đại, thành lập chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Chính quyền này tồn tại độc lập trong 20 năm và sụp đổ vào năm 1975.

Cộng hòa Miền Nam Việt Nam

Cộng hòa Miền Nam Việt Nam là tên gọi mà Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, được Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hậu thuẫn, đặt ra cho miền Nam Việt Nam với việc thành lập một chính phủ mới để chống lại chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Danh xưng này tồn tại trong 7 năm (1969-1976), sau đó, chính quyền lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam đã giải tán để hợp nhất với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành một quốc gia Việt Nam thống nhất.

Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Ngày 2 tháng 7 năm 1976, Quốc hội khóa 6 nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà đã quyết định đổi tên nước thành Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hiệu này được sử dụng từ đó đến nay.

Các danh xưng gây tranh cãi

Dưới đây là những danh từng được dùng không chính thức để chỉ vùng lãnh thổ quốc gia Việt Nam. Những danh xưng không chính thức được ghi nhận lại từ cổ sử hoặc từ các tài liệu nước ngoài từ trước năm 1945.

Xích Quỷ

Xích Quỷ, còn gọi là Thích Quỷ, theo Việt Nam Sử lược là có nguồn gốc từ thủy tổ của người Việt là Kinh Dương Vương.

Sách chép:

Cứ theo tục truyền thì vua Đế Minh là cháu ba đời của vua Thần Nông, đi tuần thú phương nam đến núi Ngũ Lĩnh (thuộc tỉnh Hồ Nam bây giờ) gặp một nàng tiên, lấy nhau, đẻ ra người con tên là Lộc Tục. Sau Đế Minh truyền ngôi lại cho con trưởng là Đế Nghi làm vua phương bắc, và phong cho Lộc Tục làm vua phương nam, xưng là Kinh Dương Vương, quốc hiệu là Xích Quỷ.

Bờ cõi nước Xích Quỷ bấy giờ phía bắc giáp Động Đình Hồ (Hồ Nam), phía nam giáp nước Hồ Tôn (Chiêm Thành), phía tây giáp Ba Thục (Tứ Xuyên), phía đông giáp bể Nam Hải.

Kinh Dương Vương làm vua nước Xích Quỷ vào quãng năm nhâm tuất (2879 trước Tây Lịch?) và lấy con gái Động Đình Quân là Long Nữ đẻ ra Sùng Lãm, nối ngôi làm vua, xưng là Lạc Long Quân.

Nam Việt

Nam Việt là quốc hiệu thời nhà Triệu (207 TCN-111 TCN), Nói chính xác thì đối tượng tranh cãi không phải là bản thân tên gọi Nam Việt, mà vấn đề là quốc hiệu này có đại diện cho nước Việt Nam hay không. Thời phong kiến xem Nam Việt chính là quốc hiệu của tộc người Việt, nhưng quan điểm chính thống ngày nay cho rằng quốc gia Nam Việt khi đó là của người Trung Hoa. Lý do không coi Nam Việt là của Việt Nam: Triệu Đà là người Hán, quê huyện Chân Định, nhân lúc nhà Tần suy loạn đã nổi lên lập ra nhà Triệu, lấy quốc hiệu là Nam Việt. Các ý kiến cho rằng quốc hiệu này là của người Việt có các nhận định của các học giả như Lê Văn Hưu hay Ngô Sĩ Liên.

Lê Văn Hưu nói: Đất Liêu Đông không có Cơ Tử thì không thành phong tục mặc áo đội mũ [như Trung Hoa], đất Ngô Cối không có Thái Bá thì không thể lên cái mạnh của bá vương. Đại Thuấn là người Đông Di nhưng là bậc vua giỏi trong Ngũ Đế. Văn Vương là người Tây Di mà là bậc vua hiền trong Tam Đại. Thế mới biết người giỏi trị nước không cứ đất rộng hay hẹp, người Hoa hay Di, chỉ xem ở đức mà thôi. Triệu Vũ Đế khai thác đất Việt ta mà tự làm đế trong nước, đối ngang với nhà Hán, gửi thư xưng là "lão phu", mở đầu cơ nghiệp đế vương cho nước Việt ta, công ấy có thể nói là to lắm vậy. Người làm vua nước Việt sau này nếu biết bắt chước Vũ Đế mà giữ vững bờ cõi, thiết lập việc quân quốc, giao thiệp với láng giềng phải đạo, giữ ngôi bằng nhân, thì gìn giữ bờ cõi được lâu dài, người phương Bắc không thể lại ngấp nghé được.

Ngô Sĩ Liên nói: Truyện Trung Dung có câu: "Người có đức lớn thì ắt có ngôi, ắt có danh, ắt được sống lâu". Vũ Đế làm gì mà được như thế? Cũng chỉ vì có đức mà thôi. Xem câu trả lời Lục Giả thì oai anh vũ kém gì Hán Cao. Đến khi nghe tin Văn Đế đặt thủ ấp trông coi phần mộ tổ tiên, tuế thời cúng tế, lại ban thưởng ưu hậu cho anh em, thì bấy giờ vua lại khuất phục nhà Hán, do đó tông miếu được cúng tế, con cháu được bảo tồn, thế chẳng phải là nhờ đức ư? Kinh Dịch nói: "Biết khiêm nhường thì ngôi tôn mà đức sáng, ngôi thấp mà không ai dám vượt qua". Vua chính hợp câu ấy.

Hoặc vua Quang Trung sau khi đánh bại đội quân nhà Thanh năm 1789 đã có ý định đòi lại đất hai tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây với lý do đây là đất cũ của Nam Việt thời Triệu Đà.

An Nam

An Nam là danh xưng của người nước ngoài chỉ lãnh thổ Việt Nam trong một số thời kỳ.

Nguồn gốc danh xưng này từ thời Bắc thuộc (Việt Nam bị Trung Quốc đô hộ), nhà Đường ở Trung Quốc đã đặt tên cho khu vực lãnh thổ tương ứng với khu vực miền Bắc Việt Nam ngày nay là An Nam đô hộ phủ (673-757 và 768-866).

Sau khi giành được độc lập, các triều vua Việt Nam thường phải nhận thụ phong của Trung Quốc, danh hiệu An Nam quốc vương (kể từ năm 1164).

Từ đó người Trung Quốc thường gọi nước Việt Nam là An Nam, bất kể quốc hiệu là gì. Cách gọi này đã ảnh hưởng đến cách gọi của người châu Âu trước năm 1945.

Thời kỳ thuộc Pháp, Annam (gọi theo tiếng Pháp) là tên gọi chỉ vùng lãnh thổ Trung Kỳ do nhà Nguyễn cai trị dưới sự bảo hộ của Pháp. Tuy vậy, người Pháp vẫn dùng danh xưng Annam để chỉ người Việt nói chung ở cả 3 vùng Bắc Kỳ (Tonkin), Trung Kỳ (Annam) và Nam Kỳ (Cochinchine).

Chú thích

1. ^ Đa phần sách sử Việt Nam (Đại Việt Sử ký Toàn thư, Khâm Định Việt Sử, Việt Sử Tiêu Án) đều chép là An Dương Vương mất nước năm 208 TCN, nhưng Sử Ký của Tư Mã Thiên - ra đời sớm hơn nhiều so với sử sách vủa Việt Nam - chép là "sau khi Lã Hậu mất" (180 TCN), tức là khoảng năm 179 TCN.

2. ^ Trương Thái Du, Cổ Sử Việt Nam - Một cách tiếp cận vấn đề, NXB Lao Động, 2007.
Đi dân nhớ, ở dân thương!

Sao_Online

#1
Sự ra đời của Nhà nước Âu Lạc

Người Lạc Việt và người Tây Âu vốn từ lâu đã có mối quan hệ kinh tế-văn hóa gần gũi. Thủ lĩnh của nhóm người Tây Âu sống trên đất Văn Lang là Thục Phán. Liên minh bộ lạc Tây Âu ngày càng mạnh lên.

Từ trước cuộc xâm lăng của quân Tần, giữa vua Hùng và họ Thục đã xảy ra một cuộc xung đột kéo dài chưa phân thắng bại. Trong bối cảnh đó, cuộc xâm lăng của quân Tần xảy ra ồ ạt. Đứng trước tình hình mới, hai bên chấm dứt xung đột, cùng chiến đấu chống ngoại xâm. Kháng chiến thắng lợi, Thục Phán với tư cách người chỉ huy chung đã được thay thế Hùng Vương làm vua, đặt tên nước mới là Âu Lạc. Quốc gia Âu Lạc ra đời khoảng đầu thế kỷ III tr.CN.

Nước Âu Lạc là bước kế tục và phát triển cao hơn của nước Văn Lang và trên một phạm vi rộng lớn hơn của người Việt và người Tây Âu. Tổ chức bộ máy nhà nước và các đơn vị hành chính dưới thời Âu Lạc vẫn chưa có gì thay đổi khác với thời Văn Lang của các Vua Hùng. Đứng đầu nhà nước là Thục An Dương Vương. Dưới đó, trong triều vẫn có các Lạc hầu giúp vua cai quản đất nước. Ở các địa phương (bộ) vẫn do các Lạc tướng đứng đầu quản lý. Đơn vị hành chính cấp cơ sở vẫn là các công xã nông thôn (kẻ, chiềng, chạ).

Mặc dù nước Âu Lạc tồn tại không lâu, chỉ trong khoảng từ năm 208 đến năm 179 tr.CN, nhưng về các mặt vẫn tiếp tục được phát triển trên cơ sở kế thừa những thành tựu đã đạt được thời Văn Lang, nhất là trên lĩnh vực quân sự.

Theo tài liệu khảo cổ thì An Dương Vương xây dựng được một đạo quân khá mạnh sử dụng thành thạo cung tên. Các loại vũ khí phong phú, đa dạng và hơn vạn mũi tên đào được ở chân thành Cổ Loa đã chứng tỏ điều đó. Âu Lạc còn có thuỷ quân và được luyện tập khá thường xuyên. Sau khi nước Âu Lạc ra đời, Thục An Dương Vương đã chọn Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội) làm Kinh đô và cho xây dựng thành Cổ Loa kiên cố, trở thành trung tâm của nước Âu Lạc và là một căn cứ quân sự vững chắc, lợi hại.

Thành Cổ Loa nằm ở vị trí trung tâm đất nước vàlà đầu mối của các hệ thống giao thông đường thuỷ. Ở đây có sông Hoàng chảy qua thuận lợi cho việc đi lại quanh vùng, rồi toả đi các nơi, theo sông Hồng, sông Đáy xuôi về đồng bằng rồi ra biển cả hoặc xuôi sông Cầu qua sông Thương, sông Lục Nam lên vùng rừng núi Đông Bắc v.v...

Thành Cổ Loa gồm có 3 vòng thành chính khép kín (thành nội, thành trung, thành ngoại). Thành nội (vòng trong cùng) hình chữ nhật, có chu vi 1650 mét, cao khoảng 5 mét, mặt thành rộng từ 6 đến 12 mét, chân rộng từ 20 đến 30 mét. Thành nội chỉ có 1 cửa thành. Trên mặt thành có 18 ụ đất nhô ra ngoài để làm vọng gác. Những vọng gác này được đắp cao hơn mặt thành từ 1 mét đến 2 mét. Thành trung có 5 cửa. Ở đây cũng có một số ụ đất đắp cao hơn để làm vọng gác. Thành ngoại (vòng ngoài cùng) dài 8 km, cao từ 4 đến 9 mét. Chân thành rộng từ 12-20 mét. Thành có 3 cửa ra vào. Cả 3 vòng thành đều có hào ở phía ngoài. Cả ba hào được nối liền với nhau và nối với sông Hoàng để bảo đảm quanh năm đều có nước, và làm tăng thêm sự hiểm yếu của Kinh thành Cổ Loa. Giữa các vòng thành và phía ngoài thành ngoại có nhiều ụ đất và luỹ chắc chắn.

Với vị trí kiên cố và lợi hại đó, thành Cổ Loa đã góp phần vào chiến thắng vẻ vang của nhân dân Âu Lạc chống các cuộc xâm lược của quân Triệu (trước năm 179 tr.CN).

Quốc gia Văn Lang-Âu Lạc tồn tại trên dưới 500 năm tr.CN. Bằng sức lao động sáng tạo và đấu tranh kiên cường, bền bỉ, người Việt cổ đã xây dựng được cho mình một đất nước phát triển với nhiều thành tựu kinh tế và văn hóa làm nền tảng cho một nền văn minh bản địa đậm đà bản sắc dân tộc.

Trên cơ sở nền kinh tế nông nghiệp trồng lúa nước và kết cấu xóm làng bền chặt, cư dân Văn Lang-Âu Lạc tiến hành khai hoang, làm thuỷ lợi, chống ngoại xâm và các hoạt động khác. Cũng từ đó, người Việt cổ bấy giờ đã định hình cho mình một lối sống, cách ứng xử, tâm lý, tôn giáo tín ngưỡng, nghệ thuật, toát lên những đặc điểm của đời sống văn hóa vật chất và tinh thần đặc sắc.

Về đời sống vật chất, thóc gạo là nguồn lương thực chủ yếu của cư dân Văn Lang - Âu Lạc, chủ yếu là gạo nếp. Người bấy giờ dùng gạo nếp để thổi cơm, làm bánh chưng, bánh giầy. Nhiều tài liệu đã ghi lại sự việc trên. Sách Lĩnh nam chích quái ghi rằng ở thời Hùng Vương sản xuất được nhiều gạo nếp, lấy ống tre mà thổi cơm. Rất nhiều chiếc chõ gốm dùng để thổi xôi đã tìm thấy ở các địa điểm thuộc văn hóa Đông Sơn.

Ngoài thóc gạo là nguồn lương thực chính, cư dân Văn Lang-Âu Lạc còn sử dụng các loại cây có củ cung cấp chất bột như củ từ, khoai lang, sắn, củ mài, khoai sọ, rau quả. Lúc thiếu thốn người ta còn dùng các loại cây có bột khác như cây quang lang, búng, báng.

Thức ăn cũng khá phong phú gồm các loại cá, tôm, cua, ốc, hến, ba ba, các loại rau củ (bầu, bí, cà, đậu...). Thức ăn được chế biến bằng nhiều cách khác nhau theo sở thích từng vùng, từng gia đình (đun nấu, nướng, muối, ăn sống...). Nghề chăn nuôi và săn bắn phát triển đã cung cấp thêm nguồn thức ăn có nhiều chất đạm cho mỗi gia đình. Cư dân bấy giờ đã biết chăn nuôi nhiều loại gia súc, gia cầm ở mỗi nhà (trâu, bò, lợn, gà, chó...). Trong số đồ ăn quen thuộc của cư dân Văn Lang –Âu Lạc còn có nhiều loại hoa quả vùng nhiệt đới như vải, nhãn, mơ, mận, chuối, dưa hấu, cam, quýt... Nguồn lương thực và thực phẩm của người Việt cổ thực phong phú, đa dạng, rất giàu chất bột, chất đạm và nhiều chất bổ khác, trong đó lúa gạo là chính. Đây là một biểu hiện của cuộc sống vật chất được nâng cao, cũng là một biểu hiện của sự phát triển kỹ thuật canh tác nông nghiệp của cư dân bấy giờ.

Thời Hùng Vương, người ta cũng đã biết sử dụng nhiều thứ gia vị có nguồn gốc thực vật như gừng, hẹ, riềng, tỏi.

Trong tập quán ăn uống của người Việt cổ bấy giờ phải kể đến tục uống rượu và ăn trầu. Rượu được nhắc nhiều trong các thư tịch cổ, truyện dân gian. Người Văn Lang có thói quen ăn trầu, nhuộm răng đen. Dấu tích hạt cau, quả cau được tìm thấy ở Đông Sơn.

Trang phục của cư dân Văn Lang- Âu Lạc đã phản ánh một phần trình độ phát triển, đầu óc thẩm mỹ và bản sắc văn hóa của người Việt cổ. Do nghề dệt rất phát triển, người Việt cổ đã sản xuất được nhiều loại vải khác nhau từ sợi đay, gai, tơ tằm, bông, nên đã đáp ứng được nhu cầu may mặc của nhân dân. Trong sinh hoạt đời thường, nam thường đóng khố, nữ mặc váy. Khố của nam giới có loại quấn đơn và loại quấn kép. Váy của nữ giới có loại váy quấn và loại váy chui được làm từ một mảnh vải dài, rộng. Nhiều tượng người đàn ông thổi khèn ngồi trên cán đèn Việt Khê hay các tượng người mặc váy dài trên thạp đồng Đào Thịnh đã phản ánh kiểu mặc đó. Phụ nữ ngoài mặc váy còn có yếm che kín ngực, áo xẻ giữa, thắt lưng quấn ngang bụng và khăn quấn đầu.

Vào các ngày lễ hội, trang phục của nam nữ đẹp đẽ hơn: Có mũ lông chim, váy xoè kết bằng lông chim hoặc lá cây và mang nhiều đồ trang sức đẹp (Khuyên tai, hạt chuỗi, nhẫn, vòng tay, vòng ống chân bằng đá, đồng). Sự phát triển kinh tế, nhất là sự phát triển mạnh mẽ của nghề thủ công và kỹ thuật luyện kim đã tạo điều kiện làm phong phú, đa dạng các đồ trang sức. Mặt khác, sự phong phú và dùng phổ biến nhiều loại đồ trang sức đẹp cũng chứng tỏ đời sống vật chất cư dân Văn Lang-Âu Lạc được nâng cao rõ rệt. Về đầu tóc của người bấy giờ có 4 kiểu: Kiểu tóc cắt ngắn, búi tó, tết bím và quấn tóc ngược lên đỉnh đầu. Trên thạp đồng Đào Thịnh (Yên Bái) có tượng nam tóc cắt ngắn ngang vai để xoã. Ở trống đồng Cổ Loa cũng có hiện tượng tương tự. Lối cắt tóc ngắn đến ngang lưng để xõa khá phổ biến ở nam giới thời bấy giờ. Búi tóc cũng rất phổ biến ở cả nam giới và nữ giới. Nhiều người còn có kiểu chít một dải khăn nhỏ giữa trán và chân tóc, hoặc có đuôi khăn thả dài phía sau.

Có thể nghĩ rằng, kiểu tóc cắt ngắn buông xõa sau lưng và búi tóc cao là hai kiểu tóc phổ biến nhất của người thời Văn Lang.

Nhà ở có nhiều kiểu cách như nhà sàn, nhà mái cong làm bằng gỗ, tre, nứa. Trên trống đồng Đông Sơn ta thấy có 2 kiểu nhà: nhà sàn mái cong hình thuyền và mái tròn hình mui thuyền, sàn thấp, mái rũ xuống như mái tranh đến tận sàn, có cầu thang lên xuống. Mỗi công xã nông thôn bao gồm một số nhà sàn quần tụ bên nhau trong một địa vực, hình thành những xóm làng định cư lâu dài mà thời đó thường gọi là kẻ, chạ, chiềng.

Trong sinh hoạt gia đình, các vật dụng rất phong phú gồm rất nhiều loại khác nhau như bình, vò, thạp, mâm, chậu, bát bằng đồ gốm hay bằng đồng. Ngoài ra, có những đồ đựng làm bằng tre, nứa, mây, vỏ bầu v.v...

Phương tiện giao thông chủ yếu là thuyền bè trên các con sông, rạch. Thuyền có thuyền độc mộc, thuyền ván với các kiểu loại khác nhau: thuyền chiến, thuyền tải, thuyền bơi trải. Trên bộ còn sử dụng súc vật như voi, trâu, bò, ngựa.

Đời sống tinh thần của cư dân Âu Lạc:

Cư dân Văn Lang – Âu Lạc đã đạt đến một trình độ thẩm mỹ, tư duy khoa học khá cao- một biểu hiện của văn minh Văn Lang-Âu Lạc.

Cư dân Văn Lang-Âu Lạc rất giỏi nghề luyện kim. Những sản phẩm đẹp, tiêu biểu như trống đồng, thạp đồng, đồ trang sức bằng đồng đã nói lên kỹ thuật luyện đồng đã đạt đến đỉnh cao (từ cách xây dựng các lò đúc, khuôn đúc, nguyên liệu, pha chế hợp kim, làm hoa văn...). Tuỳ theo chức năng sử dụng của từng loại công cụ mà tạo nên một hợp kim và tỷ lệ giữa các hợp kim phù hợp trong chế tạo đồ đồng của người Đông Sơn. Điều đó thể hiện khá rõ nét trình độ tư duy khá cao của họ. Con người bấy giờ cũng đã biết luyện sắt bằng phương pháp hoàn nguyên trực tiếp thành loại sắt xốp.

Trong quá trình quy tụ các bộ lạc sống trên cùng một phạm vi đất đai để hình thành lãnh thổ chung, quốc gia thống nhất đầu tiên được mở rộng dần từ Văn Lang sang Âu Lạc, là sự biểu hiện thắng thế của xu hướng tư tưởng thống nhất, đoàn kết, hoà hợp so với tư tưởng phân hóa, cục bộ trong các cộng đồng cư dân bấy giờ trước yêu cầu của đất nước (làm thuỷ lợi để phát triển nông nghiệp và chống ngoại xâm). Điều đó cũng nói lên bước tiến bộ, phát triển về mặt tư tưởng, tư duy của cư dân Văn Lang-Âu Lạc.

Từ ý thức cộng đồng cũng đã nảy sinh tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, sùng bái các anh hùng, các thủ lĩnh. Cư dân Văn Lang-Âu Lạc đều có ý thức cùng chung một cội nguồn, một tổ tiên, một tập quán chung là nhuộm răng, ăn trầu.

Bên cạnh tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, người đương thời còn bảo lưu những tàn dư của các hình thức tôn giáo nguyên thuỷ như tín ngưỡng vật tổ, ma thuật, phồn thực với những nghi lễ cầu mong được mùa, giống nòi phát triển. Nhiều phong tục tập quán được định hình đã nói lên sự phong phú và phát triển của đời sống tinh thần trong xã hội Hùng Vương như tục ăn đất, uống nước bằng mũi, tục giã cối (để làm hiệu lệnh, truyền tin), tục cưới xin, ăn hỏi, ma chay, chôn cất người chết (rất phong phú như mộ đất, mộ có quan tài hình thuyền, chôn chồng lên nhau, chôn trong nồi vò úp nhau, chôn theo đồ tuỳ táng bằng hiện vật).

Lễ hội bấy giờ rất phổ biến và thịnh hành, là một bộ phận quan trọng trong đời sống tinh thần của người Văn Lang-Âu Lạc. Lễ hội được tiến hành rải rác quanh năm, trong đó đặc sắc nhất là ngày hội mùa với nhiều nghi lễ như đâm trâu, bò và các hình thức diễn xướng dân gian (đoàn người hoá trang, vừa đi vừa múa, tay cầm giáo, lao, nhạc cụ...). Bên cạnh đó, còn có những hội thi tài, thi sức khoẻ, hội cầu nước, hội mừng năm mới...

Trong cuộc sống, cư dân Hùng Vương rất thích cái đẹp và hướng đẹp, luôn luôn cố gắng để làm tăng thêm vẻ đẹp cho đời. Đồ trang sức, công cụ lao động và đồ dùng trong sinh hoạt cũng như vũ khí không những hết sức phong phú, nhiều hình, nhiều vẻ, mà còn đạt đến một trình độ kỹ thuật và mỹ thuật rất cao, có những cái như là những tác phẩm nghệ thuật. Nghệ thuật Đông Sơn trở thành đỉnh cao của nghệ thuật tạo hình thời Hùng Vương. Nghệ thuật đó vừa phản ánh cuộc sống thường nhật của cư dân Việt cổ vừa thể hiện mối quan hệ giữa người với thế giới chung quanh. Những đường nét có tính ước lệ, cách điệu và một bố cục cân xứng, hài hoà trong nghệ thuật Đông Sơn đã thể hiện điều đó.

Nghệ thuật âm nhạc rất phát triển. Nhạc cụ gồm có nhiều loại (bộ gõ, bộ hơi,...). Trong các nhạc cụ, tiêu biểu là trống đồng. Kết cấu trống đồng gồm có phần tang phình, phần thân và chân trống loe ra giúp cho hình dáng trống đẹp mà có sức cộng hưởng làm cho âm thanh vang xa. Cư dân bấy giờ biết sử dụng nhiều nhạc cụ phối hợp trong các lễ hội. Trên trống đồng Đông Sơn có cảnh sử dụng dàn trống đồng từ 2 đến 4 chiếc, dàn cồng từ 6 đến 8 chiếc và một tốp người vừa múa, vừa sử dụng những nhạc khí khác nhau như chuông, khèn, sênh. Trên trống đồng có hình ảnh người nhảy múa hoá trang và múa vũ trang. Có tượng đồng Đông Sơn thể hiện hai người cõng nhau, vừa thổi khèn, vừa nhảy múa. Trống đồng Đông Sơn (loại I theo sự phân loại của F.Hêgơ) là loại trống đồng sớm nhất, đẹp nhất, được sử dụng phổ biến với tư cách là một nhạc khí quan trọng trong các buổi tế, lễ, hội hè, ca múa.

Trống đồng Đông Sơn còn được sử dụng làm hiệu lệnh trong chiến đấu, trong giữ gìn an ninh hoặc làm đồ tuỳ táng. Ngoài ra trống đồng còn được dùng để trao đổi với nước ngoài như Malaixia, Inđônêxia. Trống đồng Đông Sơn có cấu tạo hết sức hài hoà, cân xứng. Mặt trống tròn, giữa có ngôi sao nhiều cánh, phần tang phình, phần thân và chân loe ra làm cho trống có âm thanh vang xa và sức cộng hưởng, từ những âm ban đầu được nhân lên về cường độ. Mặt trống và thân trống đều được trang trí đẹp, thể hiện tài năng hội hoạ, óc thẩm mỹ của người Việt cổ, vừa thể hiện kỹ thuật đúc đồng tinh xảo. Xung quanh ngôi sao nhiều cánh ở giữa mặt trống là những vành tròn đều đặn, cách nhau bằng những đường nét viền hoa văn khác nhau, cân đối, đẹp mắt. Trên mặt trống đồng có nhiều hình người hoá trang lông chim đang múa, nhảy, hát, thổi khèn và các cảnh sinh hoạt khác như giã gạo, đua thuyền, hoặc trang trí hình các con vật như hươu, nai... Những hình trên mặt trống đồng thể hiện một không khí sôi động, hồ hởi trong sinh hoạt của người Việt cổ. Đó là sự phản ánh khá trung thực cuộc sống văn hóa hàng ngày của cư dân bấy giờ.

Trống đồng (Đông Sơn, Ngọc Lũ) với những nét đặc sắc nói trên, là một sản phẩm của lao dộng, một tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu cho trình độ trí tuệ, tài năng sáng tạo tuyệt vời của cư dân Văn Lang-Âu Lạc, là một mặt biểu hiện rõ nét, tập trung của nền văn minh Việt cổ.

Cùng với trống đồng, công trình kiến trúc Cổ Loa cũng là một biểu hiện trình độ phát triển cao của cư dân thời Văn Lang-Âu Lạc.

Tóm lại, sau một thời kỳ dài sống định cư và mở rộng lãnh thổ, phát triển nền kinh tế, với nền nông nghiệp trồng lúa nước là chủ đạo, vượt qua nông nghiệp dùng cuốc, tiến lên nông nghiệp dùng cày (bằng lưỡi cày đồng tiến lên lưỡi cày sắt) có sức kéo là trâu bò được triển khai rộng khắp mọi miền của đất nước Văn Lang-Âu Lạc, cùng với những tiến bộ khác trong đời sống xã hội, người Việt cổ đã đưa xã hội vượt qua thời tiền sử, vượt qua hình thái kinh tế-xã hội nguyên thuỷ sang hình thái kinh tế-xã hội đầu tiên thuộc phạm trù của thời đại văn minh, của xã hội phân hóa giai cấp và có nhà nước. Đồng thời, người Việt cổ cũng đã xây dựng nên một nền văn minh đầu tiên, đó là nền văn minh Văn Lang-Âu Lạc (còn gọi là văn minh sông Hồng). Nền văn minh này có cội nguồn lâu đời của một cư dân nông nghiệp trồng lúa nước ở vùng Bắc bộ và Bắc Trung bộ mang tính bản địa đậm nét, kết tinh trong đó bản lĩnh, truyền thống, cốt cách, lối sống và lẽ sống của người Việt cổ: Chung lưng đấu cật, đoàn kết gắn bó với nhau trong công cuộc lao động và đấu tranh, tình làng, nghĩa nước mặn nồng, tôn trọng người già và phụ nữ, biết ơn và tôn thờ tổ tiên, các anh hùng, nghĩa sĩ v.v...

Nền văn minh Văn Lang-Âu Lạc trải qua một quá trình hình thành và phát triển lâu dài, bắt nguồn từ thời đại đồng thau đến sơ kỳ thời đại sắt cùng với quá trình hình thành quốc gia và nhà nước Hùng Vương-An Dương Vương vào những thế kỷ II-III tr.CN, đã trở thành cội nguồn của các nền văn minh tiếp theo của dân tộc. Bản sắc dân tộc là cội nguồn sức mạnh tinh thần để nhân dân Việt Nam vượt qua được mọi thử thách to lớn trong hơn một nghìn năm Bắc thuộc.
Đi dân nhớ, ở dân thương!

Sao_Online

Sự ra đời của nhà nước Văn Lang

Sự giải thể của công xã thị tộc và sự ra đời của công xã nông thôn.

Công xã nông thôn là một hình thái xã hội xuất hiện phổ biến vào giai đoạn tan rã của chế độ công xã nguyên thuỷ và quá độ sang xã hội có giai cấp.

Căn cứ vào các di tích khảo cổ thời Hùng Vương từ Phùng Nguyên đến Đông Sơn ta thấy không những về mặt không gian có sự mở rộng dần và tập trung ở những vùng đồng bằng ven các con sông lớn Bắc bộ, Bắc Trung bộ mà các khu cư trú thường rộng lớn từ hàng nghìn mét vuông cho đến một vài vạn mét vuông và tầng văn hóa khá dày, nhất là giai đoạn Đông Sơn, khu cư trú được mở rộng hơn, có những khu cư trú rộng tới 250.000 m2. Những khu vực cư trú rộng lớn đó là những xóm làng định cư trong đó có một dòng họ chính và còn có một số dòng họ khác cùng sinh sống. Những xóm làng đó dựa trên cơ sở công xã nông thôn (bấy giờ gọi là kẻ, chiềng, chạ). Một công xã bao gồm một số gia đình sống trên cùng một khu vực, trong đó quan hệ huyết thống vẫn được bảo tồn trong công xã bên cạnh quan hệ địa vực (láng giềng).

Sự ra đời của công xã nông thôn là một trong những tiền đề cho sự hình thành quốc gia và nhà nước.

Nhân tố thuỷ lợi và tự vệ cũng đã đóng vai trò rất quan trọng đưa đến sự hình thành lãnh thổ chung và tổ chức nhà nước đầu tiên vào thời Đông Sơn. Từ trong cuộc đấu tranh để khắc phục những trở ngại của thiên nhiên (mưa nguồn, nước lũ, bão tố, phong ba, hạn hán) đòi hỏi mọi thành viên không phải chỉ có trong từng công xã, mà nhiều công xã phải liên kết với nhau để tiến hành các công trình tưới, tiêu nước, đảm bảo cho sự phát triển một nền kinh tế mà nông nghiệp trồng lúa nước là chủ đạo.

Nước ta lại ở vào vị trí chiến lược của vùng Đông Nam Á, nằm trên các đầu mối giao thông thuỷ bộ quan trọng từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây như một đầu cầu từ biển cả tiến vào đất liền. Đây cũng là nơi giao lưu kinh tế, văn hóa thuận lợi và cũng là nơi xảy ra nhiều đụng độ và nhiều mối đe doạ ngoại xâm. Yêu cầu liên kết, thống nhất lực lượng để tự vệ cũng không kém phần cấp thiết như yêu cầu liên kết để đấu tranh chống những trở ngại của thiên nhiên.

Sự tăng nhanh về tỷ lệ vũ khí so với hiện vật trong các di tích từ Phùng Nguyên đến Đông Sơn, đã chứng tỏ một hiện tượng nổi lên ở cuối thời Hùng Vương là xã hội có nhiều mối đe doạ và xung đột. Trong hoàn cảnh như vậy, những yêu cầu nói trên đã có tác động đẩy mạnh sự quần tụ thống nhất cư dân sống trong các địa vực khác nhau có cùng tiếng nói và phong tục thành một cộng đồng cư dân thống nhất. Từ thực tế lịch sử đó, trải qua các thế hệ nối tiếp, ý thức xây dựng và củng cố mối quan hệ gắn bó họ hàng, làng, nước được tăng cường. Điều đó, đã đưa đến sự liên minh giữa nhiều bộ lạc lớn với nhau (mà sử cũ gọi là 15 bộ) thành một lãnh thổ chung do bộ lạc Văn Lang làm trung tâm. Liên minh bộ lạc Văn Lang là ngưỡng cửa của một quốc gia đầu tiên trong lịch sử Việt Nam.

Căn cứ vào phạm vi phân bố của văn hóa Đông Sơn, chúng ta thấy trùng khớp với cương vực của Văn Lang thời Hùng Vương. Cương vực đó có 15 bộ lạc lớn, bên cạnh những bộ lạc nhỏ khác sinh sống, có mối quan hệ láng giềng chặt chẽ do có quá trình cùng chung sống bên nhau, có chung một số phận lịch sử, một nhu cầu để tồn tại và phát triển, đã dần dần tạo nên cho cả cộng đồng cư dân một lối sống chung, văn hóa chung. Và như vậy, từ các đơn vị cộng cư của một xã hội nguyên thuỷ, bộ lạc đã hình thành các đơn vị hành chính (bộ) của một quốc gia cùng với sự hình thành lãnh thổ chung và một tổ chức chung để quản lý và điều hành xã hội.

Nhà nước Văn Lang ra đời

Dựa vào tài liệu khảo cổ học, tài liệu thành văn (sử cũ của Trung Quốc và của nước ta) có thể sơ bộ phác hoạ cấu trúc của nhà nước thời Hùng Vương theo hệ thống 3 cấp của bộ máy cai trị tương ứng với 3 cấp quan chức. Đứng đầu nước Văn Lang là Hùng Vương. Ngôi Hùng Vương cha truyền con nối. Hùng Vương đồng thời là người chỉ huy quân sự, chủ trì các nghi lễ tôn giáo.

Dưới Hùng Vương và giúp việc cho Hùng Vương có các lạc hầu, lạc tướng. Lạc tướng còn trực tiếp cai quản công việc của các bộ. Nước Văn Lang có 15 bộ (trước là 15 bộ lạc). Lạc tướng (trước đó là tù trưởng) cũng thế tập cha truyền con nối, còn gọi là phụ đạo, bố tướng. Dưới bộ là các công xã nông thôn (bấy giờ có tên ghi là kẻ, chạ, chiềng). Đứng đầu kẻ, chạ, chiềng là các bồ chính (có nghĩa là già làng). Bên cạnh bồ chính có lẽ còn có một nhóm người hình thành một tổ chức có chức năng như một hội đồng công xã để tham gia điều hành công việc của công xã nông thôn. Mỗi công xã có nơi trung tâm hội họp, sinh hoạt cộng đồng, thường là một ngôi nhà công cộng.

Căn cứ vào lời tâu của Mã Viện lên vua nhà Hán về tình hình Âu Lạc trước khi nhà Hán xâm lược và đô hộ nước ta, có thể nghĩ rằng, bấy giờ nhà nước Văn Lang đã có pháp luật để điều hành xã hội. Sách Hậu Hán thư viết "luật Việt" khác luật Hán hơn mười việc". Có lẽ "luật Việt" mà Mã Viện dùng là một thứ luật tục. Sử sách thường ghi cư dân nước ta bấy giờ là người Lạc Việt và quốc hiệu là Văn Lang do vua Hùng đặt.

Đại việt sử lược ghi rằng: Đến đời Trang Vương nhà Chu (696-682 tr.CN) ở bộ Gia Ninh có người lạ, dùng ảo thuật phục được các bộ lạc, tự xưng là Hùng Vương, đóng đô ở Văn Lang, hiệu nước là Văn Lang. Việt Vương Câu Tiễn (505-462 tr.CN) cho người đến dụ hàng nhưng Hùng Vương không theo.

Dựa vào các tài liệu và những thành tựu nghiên cứu về thời đại Hùng Vương hiện nay, có thể đoán định có cơ sở rằng thời điểm ra đời của nước Văn Lang với tư cách là một nhà nước sơ khai là vào khoảng thế kỷ VII-VI tr.CN (ở giai đoạn Đông Sơn).

Sự ra đời của nước Văn Lang dù còn sơ khai và có phần sớm khi trong xã hội phân hóa chưa sâu sắc (như do tác động mạnh mẽ của yêu cầu thuỷ lợi và chống ngoại xâm thúc đẩy cho sự ra đời sớm) nhưng đã đánh dấu một bước phát triển mạnh mẽ có ý nghĩa thời đại của lịch sử Việt Nam- mở đầu thời đại dựng nước và giữ nước đầu tiên của dân tộc.

Nước Văn Lang đã ra đời như thế nào?

Sách Lĩnh Nam chích quái, phần Hồng Bàng thị  truyện, chép:

"(Lạc) Long Quân và Âu Cơ ăn ở với nhau được chừng hơn một năm thì sinh hạ được một cái bọc, cho đó là điềm chẳng lành nên đem vất ra ngoài đồng. Bảy ngày sau, bọc ấy nở thành một trăm cái trứng, mỗi trứng lại nở thành một người con trai. (Lạc) Long Quân bèn đón về nhà nuôi, chẳng cần cho bú mớm mà các con người nào cũng tự lớn, trí dũng song toàn, ai trông thấy cũng đều kính phục, cho là đàn con phi thường. Nhưng, (Lạc) Long Quân cứ ở mãi dưới thủy phủ, khiến cho mẹ con Âu Cơ cứ phải chịu cảnh lẻ loi, cho nên, cũng muốn trở về đất Bắc. Khi (mẹ con Âu Cơ) dắt díu nhau về đến biên giới, Hoàng Đế hay tin, lấy làm lo sợ, bèn sai quân ra canh giữ các cửa ải, vì thế, mẹ con Âu Cơ không thể về Bắc được, đêm ngày cứ gọi (Lạc) Long Quân rằng:

Bố ở nơi nào,
Mà sao nỡ để,
Mẹ con buồn đau.

(Lạc) Long Quân liền về, gặp Âu Cơ ở Tương Dã, Âu Cơ vừa khóc vừa nói rằng:

- Thiếp vốn người phương Bắc, cùng chàng ăn ở với nhau mà sinh hạ được trăm đứa con trai, giờ chẳng biết nương tựa vào đâu mà nuôi nấng chúng được, vậy, thiếp xin theo chàng, xin chàng đừng ruồng bỏ, làm cho thiếp thành kẻ không chồng, các con thành kẻ không cha, thực là đau khổ lắm.

(Lạc) Long Quân nói:

- Ta là giống Rồng, đứng đầu các loài dưới nước, còn nàng là giống Tiên, làm người trên mặt đất. Tuy âm dương khí tụ mà sinh con nhưng không sao đoàn tụ được vì hai giống tương khắc như nước với lửa, thật khó bề bền lâu. Nay, đành phải chia li ta mang năm mươi con trai về thuỷ phủ và chia cho chúng đi cai trị các nơi, còn năm mươi đứa sẽ theo nàng ở lại trên mặt đất, chia nước mà cai trị. Khi lên ngàn hay khi xuống nước, có việc thì phải gắn bó với nhau mà làm, chớ rời bỏ nhau.

Cả trăm người con trai cùng nghe theo rồi cùng nhau tạm biệt. Âu Cơ và năm mươi người con trai đến ở đất Phong Châu, tức là vùng huyện Bạch Hạc, cùng nhau tôn người con trưởng lên làm vua, xưng hiệu là Hùng Vương và đặt tên nước là Văn Lang. Nước ấy, về phía Đông thì giáp Nam Hải, về phía Nam thì giáp nước Hồ Tôn (nay là nước Chiêm Thành), về phía Tây thì giáp nước Ba Thục, còn về phía Bắc thì giáp Động Đình. Nước chia làm mười lăm bộ, gồm: Giao Chỉ, Chu Diên, Ninh Sơn, Phúc Lộc, Việt Thường, Ninh Hải (nay chính là Nam Ninh), Dương Tuyền, Quế Dương, Vũ Ninh, Y Hoan, Cửu Chân, Nhật Nam, Chân Định, Quế Lâm và Tượng Quận. Vua sai các em chia nhau cai trị. Dưới vua có các chức văn võ. Tướng văn gọi là Lạc Hầu, tướng võ gọi là Lạc Tướng. Con trai của vua thì gọi là Quan Lang, con gái của vua thì gọi là Mỵ Nương, chức Tư Mã thì gọi là Bồ Chính, kẻ nô bộc thì gọi là Trâu, nô tì gọi là Tinh và các quan khác thì gọi là Khối. Các chức đời đời cha truyền con nối, gọi là Phụ Đạo. Vua truyền ngôi cho nhau đều lấy hiệu là Hùng Vương chứ không thay đổi".

Lời bàn: Lạc Long Quân và Âu Cơ, Tiên Rồng kì ngộ, vậy mà mối tình lại trần tục làm sao! Bạn đang băn khoăn về sự huyền bí đến độ phi lí chung quanh chuyện mẹ Âu Cơ sinh hạ bọc trăm trứng chăng? Xin bạn chớ bận tâm, bởi vì có cổ tích nào lại không bồng bềnh trong những chi tiết hư ảo đại loại như thế?

Cao vời thay, công đức và sự nghiệp của Âu Cơ. Sâu sắc và khiêm nhượng thay, lời kí tải cái tâm của tổ tiên về cội ngguồn dân tộc: đi từ trứng nước đi lên, và dẫu định cư bất cứ nơi đâu thì tất cả con Rồng cháu Tiên đều cùng từ một bọc trứng ban đầu do mẹ Âu Cơ sinh hạ.

Người bốn phương muôn thuở vẫn thân ái gọi nhau là đồng bào, tình ruột thịt chung bọc trứng Âu Cơ ngàn năm còn đó. Kính thay! Bạn sẽ thật khó mà tìm được một chân dung Văn Lang với những đường nét cụ thể trong câu chuyện này, nhưng cũng như bao người khác, tôi tin là bạn sẽ bồi hồi khi nghĩ đến nghĩa tình vô giá mà tổ tiên đã cẩn trọng để lại nơi đây.

Lòng người xưa lấp lánh toả sáng mãi trong sử cũ, bạn có thấy không? (Theo "Việt sử giai thoại" của Nguyễn Khắc Thuần - NXB Giáo Dục).
Đi dân nhớ, ở dân thương!

SEO ngành nghề, cỏ nhân tạo, chuyên sửa máy rửa bát tại hà nội, chuyên sửa chữa tivi tại nhà ở Hà Nội, đặt hàng tượng phật đồ thờ tâm linh làng nghề Sơn Đồng | Điện lạnh Bách Khoa Hà Nội