Quán ăn chay

Started by saos@ngmo, 07/10/06, 09:39

Previous topic - Next topic

saos@ngmo

Quán ăn chay

decon

Vi mở quán ăn chay ngay gần nhà. Nghe nói là hợp tác với một ni cô. Quán rộng rãi, nhưng hơi ồn (vì nằm ngay xa lộ). Mỗi tối, về tới nhà, khăn lau mặt của Vi đen xì như người ta chét nhọ nồi lên. Vi tính toán cẩn thận, mỗi ngày ít nhất phải kiếm được hai trăm trả tiền nhà, tiền đi chợ...

Tuần đầu, Vi ngồi gác chân lên ghế trước cửa quán, mặt rầu rầu, than, chắc tao dẹp tiệm. Mấy đứa bạn xúm nhau bữa nào cũng ghé quán Vi ăn. Đến nỗi, một ngày Tuấn than, giờ ngửi tới mùi rau cải xào ngán thấy cha.

Hỏi Vi, sao không làm ăn gì khác, mà lại mở tiệm cơm chay.Vì cười hiền lành, tại tao thích ăn chay. Hường bĩu môi, chắc bà định đi tu luôn, bỏ mấy thằng xếp hàng ngoài cửa cho ai. Cho ai thì Vi không biết. Vi đâu có tình cảm gì với họ. Hay nói trắng ra, Vi sợ, trong cái đám bùi nhùi đó không kiếm ra người tốt.

Vi lăng xăng tính tiền chợ mỗi ngày. Vi nhức đầu. Té ra, kinh doanh không đơn giản như mình nghĩ. Đúng một tháng, Vi tuyên bố, phá sản, dẹp tiệm. Bọn bạn thở hắt ra, con này làm cái gì cũng không qua một tháng. Ai mà làm giàu trong vòng tích tắc đâu. Vi nói, tao có cần giàu có đâu, đủ trả tiền chợ và tiền nhà là được. Vậy là tiệm cơm chay tí xíu nữa là đóng cửa nếu Danh không đến. Danh khen, tiệm nấu ăn được (dù Danh không rành mấy cái vụ ăn chay lắm). Vi nói, gắng ăn đi cha nội, mai là tui dẹp tiệm. Danh nhìn Vi, rồi nhìn quán, rồi nhìn thức ăn, phán một câu xanh rờn: làm gì mà không có cái tâm thì thế nào cũng thất bại.

Vi nằm ngủ cũng còn mơ tới cái câu Danh nói. Vi nghĩ, thằng lù khù thế mà nói đúng. Bữa giờ mình có cái tâm đâu. Trong đầu mình chỉ toàn tiền là tiền. Vi mở một chiến dịch mới. Khuyến mãi thức uống. Chăm sóc chỗ ngồi và chén đũa sạch sẽ hơn. Vi bớt than thở lại dù lỗ muốn sặc máu.

Nhờ cái câu đó mà Danh được ăn miễn phí ở quán Vi thường xuyên. Ăn riết Danh ghiền. Một sáng anh bảo, hay bà nấu cơm tháng cho tui luôn đi. Chứ ăn bụi hoài cũng chán. Vi hỏi, thế ông không ngán à. Ngán gì được mà ngán. Tui dễ thấy mồ, có gì ăn đó là được.

Vậy là mỗi trưa và chiều có thêm cái trò, Danh ngồi đồng ở quán Vi (may mà cơ quan Danh cũng gần đó). Chường cái mặt ra ngoài đường riết Danh cũng đen thui. Anh đùa, chuyến này ba má nhận tui hổng ra, thế nào cũng hỏi, bộ dạo này đi chơi dữ lắm hả con. Biết nói thế nào, chẳng lẽ nói, tại con đi ăn chay riết. Vô duyên không tưởng nổi.

Quán làm ăn ngày càng khá ra. Thỉnh thoảng Vi còn nhắc, nếu bữa đó ông không đến, chẳng biết giờ còn cái quán này không nữa. Tối nào, Vi cũng ôm một xấp tiền bùi nhùi ngồi đếm. Cười ha hả khi tính toán tiền chợ tiền nhà mà vẫn còn dư lại khá khá.

Vi vui được ba tháng. Một ngày, mấy chú công an khu vực lại. Chẳng làm khó dễ gì cả, chỉ hỏi giấy phép, rồi bảo quán mở khuya quá, ảnh hưởng bà con xung quanh, rác lại vứt đầy đường thế. Nói chung, mấy chú nói rất nhiều. Danh ngồi ăn trong quán mà mặt mày hằm hằm. Nhìn cái mặt mấy thằng cha này là thấy ghét. Danh nói với Vi, lấy cái phong bì ra, bỏ ít tiền là êm chuyện. Vi nói, đừng có cằn nhằn gì mấy cái chuyện này, chứ mấy chú đó lương bổng cũng đâu có bao nhiêu, người ta không kiếm thêm bên ngoài thì tiền đâu nuôi vợ con. Cứ nghĩ đi, một phong bì thế mà nuôi được thêm một đứa trẻ đến trường thì tốt chứ sao. Danh làu bàu, người đâu mà nghĩ đơn giản quá.

Đơn giản thế mà lại chẳng đơn giản. Danh về nhà tối đó, nhớ cái cách Vi lăng xăng chạy tới lui trong quán, cách Vi tính tiền và cả cách Vi suy nghĩ. Danh đập đập đầu, chết cha, vậy là không ổn. Ăn chay kiểu này hoài chắc thế nào cũng dính luôn con chủ quán.

Mà dính thiệt. Một ngày mà không ghé quán Vi là Danh chịu không nổi. Dù có lúc thấy Vi đầu tóc bù xù, Danh đùa, nhìn bà giống con điên quá, thằng nào dám vô. Vi cười hề hề, chẳng bình luận gì. Danh rủ Vi đi uống cà phê một tối (hơi bị khuya) sau khi quán đã được dọn dẹp xong và chuẩn bị đóng cửa. Vi bảo, trời màu mč hồi nào vậy. Hai đứa chui vào quán gần bờ sông ở Thanh Đa. Vi nói, kì thấy mồ, ai lại vào đây giờ giấc này. Danh cũng thấy kì kì, nhưng Danh muốn nói với Vi nhiều chuyện lắm. Chuyện cũng chẳng tới đâu, nhưng Danh muốn nói cho Vi biết, chứ con nhỏ vô tư này chẳng hiểu gì nếu người ta cứ im lặng.

Danh gãi gãi đầu. Anh không biết bắt đầu từ đâu. Thấy tình cảm mình đến lúc cao trào, mà miệng cứ ngậm lại. Anh ngắm sao ngắm trời, rồi hỏi Vi: Bữa giờ bà thấy tui sao? Nói xong câu này, Danh mắc cười trong bụng. Thấy mình ngớ ngẩn như thằng con trai mới lớn, dù anh đã gần ba mươi. Vi cũng cười, sao là sao, là bình thường chứ sao. Chứ bữa giờ ông có bệnh trong người à. Vậy là câu chuyện chẳng có đầu cũng chẳng có đuôi... Và gió ngoài sông cứ thổi lành lạnh...

Vi bị bệnh. Mỗi lần ghé quán không thấy Vi là Danh buồn buồn và ăn uống hết ngon (bữa giờ ngon là do Vi chứ không phải do đầu bếp nấu ngon?!). Vậy là anh lại chạy qua thăm Vi. Vẫn kiểu nói chuyện tưng tửng tui với bà. Danh nghĩ, nếu lúc nào đó hai đứa chuyển qua kêu anh anh em em chắc mắc cười lắm. Vi nằm xanh xao trên giường, giọng lào khào, tui cũng cảm thường thôi, ông lo chi ghê vậy, qua thăm hoài kiểu này mắc công mấy con mê ông chửi tui chết. Danh nói đùa, vậy bà có mê tui không. Nghe tới đây, Vi cười muốn lọt xuống giường, tưởng tượng ra cảnh hôn Danh, Vi muốn sặc.Vi nói, nhìn mặt ông mắc cười muốn chết, thương gì nổi (dù Danh được coi là đẹp trai nhất nhì hồi trong trường đại học). Vậy là câu chuyện đùa kết thúc. Hai đứa lại kêu ông ông bà bà như hồi còn học ở trường.

Hồi đó vui lắm. Danh mê cái con nhỏ lớp trưởng. Mê đến mất ăn mất ngủ, chạy về nhà bảo ba má cưới nhỏ đó cho con. Ông bà già trợn trắng mắt, nhìn thằng con 20 tuổi của mình như quái thai. Ông bà chạy lên trường coi mặt con nhỏ đó xong, phán một câu, người ta có thương mày đâu. Hỏi ngược lại Danh, mày nói gì với nó chưa. Danh gãi đầu, đâu có dám nói. Ông bà già la trời, hết thuốc chữa.

Nhưng lúc ấy là còn trẻ còn lắm, nên Danh mới ngu ngơ thế. Chứ ra trường đi làm, trải qua đâu vài mối tình. Mấy cô bồ cũ mê Danh đến chết. Mà Danh cũng chỉ tỉnh bơ. Đi chơi được vài tháng, cũng ôm hôn cũng tặng quà cáp, nhưng mỗi lần mấy cô nhắc đến chuyện về nhà chào ba má là Danh thấy lạnh sống lưng. Chỉ có một lần, Hiền cũng bảo thế, Danh nói, ừ, để anh sắp xếp. Cuối tuần, Danh chạy qua định chở Hiền qua nhà chơi, thấy cô đổi đầu tóc mới, nhuộm vài cọng vàng loe hoe trước trán, tự nhiên Danh mất hứng. Anh bảo, ba mẹ anh có công chuyện gấp đi rồi. Danh thấy mình đôi lúc giống mấy ông già cổ xưa, chỉ thích con gái tóc dài và mượt. Mà tóc Vi thì mượt hết chỗ chê.

Danh có thói quen là mỗi chiều, ngồi lơ thơ trước quán Vi, trông cô lăng xăng tới lui và ngó luôn mái tóc dài cô thường thả buông. Thói quen đó kéo dài được chừng vài tháng thì Vi đòi đi cắt tóc. Cô bảo, nóng nực chịu không nổi. Vậy là một buổi chiều, thay vì ngồi ngắm tóc thả buông như mọi lần, Danh chỉ còn nhìn thấy cái đầu tóc tém được nhuộm màu hạt dẻ rất khéo léo. Vi kể, ngồi cả ngày mới được cái đầu này đó nha. Danh méo xệch mặt, nghĩ, hay là tại mình cổ lỗ quá.

Cổ lỗ hay không thì Danh không biết. Anh càng ngày càng khó chiu bởi những người bạn mới của Vi. Họ đến quán một cách ồn ào, không ăn uống gì, mà rủ nhau đi nhậu hải sản. Họ còn bày kế, nếu quán này trở thành quán nhậu thì đắt khách lắm. Có một anh Việt kiều, người lúc nào cũng sạch sẽ thơm tho, cứ đúng chín giờ tối là anh ta đậu xe ngay trước cửa quán, chẳng phụ Vi dọn dẹp quán xá gì, chỉ bảo, lẹ lên đi chơi em. Và dù cố gắng không nghĩ tới, nhưng Danh vẫn lờ mờ đoán ra những sự thay đổi trong Vi. Dù thế, anh vẫn bám vào cái quán như niềm hy vọng, dù nhỏ nhoi, rằng, Vi vẫn cứ là Vi thôi...

Đó là chuyện của vài tháng trước. Giờ quán ăn chay vẫn nhộn nhịp khách khứa mỗi ngày. Danh càng ngày thấy càng khó dứt ra khỏi quán. Giờ mà Vi đòi dẹp tiệm, chắc có nước anh tự tử.

Vi không đòi dẹp tiệm, mà cô đòi sang quán lại cho người khác. Lý do rất đơn giản, cô phải lấy chồng đi xa. Nghe nói tận bên Mỹ. Danh đâu có chấp nhặt gì mấy chuyện này. Danh bảo, hay bà để quán lại cho tui. Nói thế, nhưng anh lại sợ, mình mà cứ bám cái quán này riết thì không quên được.

Dù sợ, anh vẫn trở thành ông chủ của quán chay "Thiền Tâm". Mỗi sáng anh dọn dẹp quán sạch sẽ, rồi giao lại cho người nhà để đi làm. Tối về anh lại ghé quán ăn cơm như ngày trước. Nhưng lần này thì khác nhiều lắm. Lần nào ăn cơm, anh cũng chép miệng, uổng thật, cuối cùng cũng bỏ đi mất, uổng thật...

2/3/2006

SEO ngành nghề, cỏ nhân tạo, chuyên sửa máy rửa bát tại hà nội, chuyên sửa chữa tivi tại nhà ở Hà Nội, đặt hàng tượng phật đồ thờ tâm linh làng nghề Sơn Đồng | Điện lạnh Bách Khoa Hà Nội