Cúm A/H1N1 lan rộng hay giới truyền thông đang hưng phấn?

Started by saos@ngmo, 03/08/09, 13:01

Previous topic - Next topic

saos@ngmo

(TuanVietNam) - H1N1 "tấn công", "lan rộng", "giết người"... Tin tức về dịch cúm A/H1N1 đăng dày đặc trên các báo hiện nay góp phần làm người dân "phát sốt", thay vì giúp độc giả bình tĩnh nhìn nhận và nắm được các vấn đề cơ bản: H1N1 có thực sự gây chết người không? Những ca tử vong là chỉ do H1N1 hay do đã có bệnh khác?



Vào khoảng giữa tháng 6 vừa qua, sau một chuyến đi Mỹ, chị Hải Anh, 27 tuổi, trở về TP HCM và bị sốt hơn 38 độ. Chị đi khám, Bệnh viện Nhiệt đới TP HCM tiến hành thử máu, dịch mũi và kết luận: nhiễm cúm A/H1N1, cần đưa vào khu cách ly.


"Triệu chứng quả thật đúng như cúm thường" – chị Hải Anh kể lại. Chị cho biết lúc khởi đầu, chị bị ho, có thông báo với y tế sân bay và được giải thích "ho mà không sốt thì không đáng ngại". Về tới nhà, chị mới thấy hơi sốt, đau họng, đi khám thì biết là bị cúm A/H1N1, có lẽ do lây từ trên máy bay.


Khu cách ly là một phòng bệnh cũng bình thường như các phòng bệnh khác, mỗi bệnh nhân một giường riêng khá thoải mái. Mọi người trong phòng trò chuyện vui vẻ và nói chung, ai cũng được bác sĩ cho biết ngay từ đầu rằng đây là một bệnh cúm giống như cúm thường, nghĩa là giống về triệu chứng, chữa được, không gây chết người.


Nằm viện và uống thuốc một tuần, chị Hải Anh về nhà, hoàn toàn khỏe mạnh, nhưng cũng nghỉ làm thêm ba ngày cho thoải mái. Điều chị không ngờ là do có cán bộ của Sở Y tế tới nhà chị thông báo, hàng xóm cả khu tán loạn vì sợ hãi.


"Ai ai cũng hoang mang, xa lánh, tránh tôi như tránh hủi" – chị Hải Anh bật cười nhớ lại – "Có lẽ do người ở đây đa phần là dân lao động, không có thông tin, không hiểu gì về bệnh cúm cả, nên cứ nghe thấy chữ cúm (A/H1N1) là hoảng, chứ thật ra vào mạng tìm hiểu thông tin một chút là sẽ thấy không có gì đáng sợ. Cũng chỉ như cúm thường thôi mà".



Chuyện không có gì mà ầm ĩ!

"Cũng chỉ như cúm thường thôi mà". Chia sẻ ý kiến này của chị Hải Anh, một bác sĩ ở Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết: "Thực ra, cúm A là một chủng cúm như bao loại cúm khác. Chính vì thế, nó không gây chết người. Những ca tử vong thường là do có bệnh kết hợp (bệnh phổi, tim mạch, HIV/AIDS...), còn người bình thường chẳng ai chết vì cúm cả".


Nếu vậy, H1N1 nguy hiểm ở đâu? Tìm hiểu các khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chúng ta sẽ thấy WHO nói rằng: Cúm A/H1N1 nguy hiểm vì nó có khả năng lây nhiễm rất cao, lây truyền nhanh, và cộng đồng chưa có mức độ miễn dịch với nó. Và chỉ có vậy. WHO không hề khẳng định đây là bệnh gây tử vong.



Có một thực tế là hiện tại, Mexico là nước nhiều người chết sau khi nhiễm cúm nhất. Một số ý kiến của giới chuyên môn phỏng đoán rằng có lẽ hệ miễn dịch hoặc thể tạng của người dân Mexico mẫn cảm cao hơn với virus cúm.


Tuy nhiên, điều đó không được phản ánh trên báo chí, cũng như, không mấy độc giả được biết rằng cho tới nay, hầu hết các ca bệnh ngoài Mexico có biểu hiện nhẹ, chỉ rất ít ca nhập viện (theo tài liệu chính thức của Cục Y tế Dự phòng và Sức khỏe Môi trường).


Chị Hải Anh cho hay: "Về Việt Nam, để yên tâm thì bệnh viện giữ tôi lại, chứ ở Mỹ, bác sĩ khuyên bệnh nhân ở nhà tự chữa. Khẩu trang thì chỉ có khách du lịch xài, dân Mỹ đâu có ai đeo. Ở Úc, bạn tôi kể, bệnh viện cũng "đuổi" bệnh nhân về chứ lấy đâu chỗ chữa những người bị cúm – nhiều người mắc, bệnh cũng chẳng có gì nghiêm trọng, tự chữa trị được".


Đại dịch... trên báo


Thực tế chưa có gì, nhưng tình hình được phản ánh trên báo chí thì đã có vẻ nóng bỏng lắm. Những ý kiến bình tĩnh trấn an dân chúng xem ra chìm nghỉm. Còn nhớ cách đây hơn 1 tháng, chính ông Jean-Marc Olivé, Trưởng đại diện WHO Việt Nam, đã quả quyết: "Tôi khẳng định tình hình cúm A/H1N1 hiện nay ở Việt Nam chưa đáng lo ngại. Việt Nam đang thực hiện tốt việc phát hiện các ca H1N1".


Ô nhiễm không khí ở VN là "chất xúc tác tuyệt vời" cho các dịch bệnh từ virus lan truyền. (Nguồn ảnh: Tiền Phong)


Lời khẳng định của ông Jean-Marc Olivé bị chìm lấp trong hàng chục bài báo "sôi sùng sục" về cúm A/H1N1. Kết quả là, dường như một bộ phận dân chúng chỉ biết hoảng sợ mà không hề tìm hiểu kỹ càng về cúm nói chung và H1N1 nói riêng.


Bên cạnh đó, còn một số rất đông người không hiểu do không có điều kiện để tìm hiểu. Họ là dân lao động nghèo ở đô thị (như những người hàng xóm mà chị Hải Anh đã nhắc tới), là người già, nông dân, người nghèo nói chung. Không được tiếp cận với Internet, không được tuyên truyền trực tiếp từ các cơ quan y tế, họ chỉ có thể dựa vào báo chí, mà các phương tiện thông tin đại chúng thì đang sa vào cơn "đại dịch" đưa tin về số ca nhiễm mới mỗi ngày.


Tâm lý hoang mang, sợ hãi làm người ta càng mất tỉnh táo. Lẽ ra phải bình tĩnh tìm hiểu căn nguyên thì tất cả cùng rối loạn lên trong nỗi sợ một cái gì đó mơ hồ.

Hậu quả của sự thổi phồng + thiếu hiểu biết


"Lúc đó, cả đến cơ quan chỗ tôi làm cũng xa lánh tôi" – chị Hải Anh có vẻ vừa bực vừa buồn cười. "Trong khi biểu hiện nặng nhất của mình thì cũng chỉ là sốt cao. Thực bệnh kéo dài có 2-3 ngày".


"Sáng nay bệnh viện chỗ tôi làm đã phải mua khẩu trang với giá đắt gấp đôi bình thường. Không mua thì thôi, bên cung cấp nhất định không hạ giá" – một bác sĩ ở Hà Nội (giấu tên) cho biết. "Đó chỉ là một hệ quả nhỏ của việc dân chúng bị làm cho hoang mang một cách không cần thiết. Báo chí đưa tin rùm beng về cúm, dân sợ hãi, còn giới chức y tế thì lo giải ngân một loạt dự án...".

Bình tĩnh nào, giới truyền thông!


Theo dõi qua các phương tiện thông tin đại chúng, có thể thấy: Điều mà báo chí thường tập trung đăng tải là cúm A/H1N1 đã gây chết người ở đâu, lúc nào... Điều mà báo chí không tập trung làm rõ là các ca tử vong đó xảy ra ở những người đang mắc sẵn một bệnh nào đó, sức đề kháng của cơ thể bị suy yếu đáng kể.

Nói cho đúng, các báo thường "lờ" đi nguyên nhân gây tử vong thực sự, mà đánh đồng tất cả vào chung một lý do: cúm. Ít người biết rằng nếu giữ vệ sinh (cá nhân và môi trường) sạch sẽ, thể trạng khỏe mạnh, thì nhìn chung, người bị cúm chỉ... 7 ngày là khỏi.



Đưa tin, viết bài liên quan tới dịch cúm A/H1N1 và việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân, là việc làm hữu ích. Vấn đề chỉ là điều tiết liều lượng và đảm bảo độ chính xác.



Việt Nam, với môi trường ô nhiễm, bùng nổ dân số ở đô thị, hệ thống y tế yếu kém, vốn là mảnh đất "lý tưởng" cho các loại bệnh dịch, trong đó có cúm. Mỗi người Việt Nam trong đời đều ít nhất một lần bị cúm; nói một cách "AQ", thì tình trạng đó khiến hệ miễn dịch của người Việt khá tốt. Dĩ nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc chúng ta có thể chủ quan về sức khỏe.


Nhưng đối diện dịch cúm đòi hỏi chính quyền, hệ thống y tế và giới truyền thông đều phải bình tĩnh hỗ trợ dân chúng, thay vì biến mọi chuyện thành cơ hội đưa tin tác nghiệp, hành nghề, hoặc tệ hại nhất - thành cơ hội để giải ngân.

QuoteĐặc điểm của virus và bệnh cúm A/H1N1:

Virus cúm A/H1N1 có sức đề kháng yếu, dễ bị bất hoạt bởi ánh sáng mặt trời, tia cực tím, dễ bị tiêu diệt ở nhiệt độ 70 độ C và với các chất tẩy rửa thông thường. (Tuy nhiên, virus cúm có thể tồn tại hàng giờ ở ngoại cảnh, đặc biệt trong thời tiết lạnh).

Bệnh lây truyền từ người sang người, qua đường hô hấp, qua nước bọt hay dịch mũi họng (khi người bệnh ho, hắt hơi).

Bệnh không lây qua da, mà qua tiếp xúc với một số đồ vật có chứa virus và từ đó qua tay đưa lên mắt, mũi, miệng.

Do đó, cần bảo vệ mắt (bằng kính), mũi, miệng (bằng khẩu trang) và các phần da tiếp xúc với người nhiễm bệnh.

QuoteĐi lại trong mùa dịch có an toàn không?

- Hoàn toàn an toàn. WHO không khuyến cáo việc hạn chế đi lại trong mùa dịch vì điều đó rất khó thực hiện trong thời đại ngày nay, đồng thời gây tốn kém cho cộng đồng. WHO đặc biệt không khuyến khích người dân nghỉ việc ở nhà, vì như vậy sẽ gây thiệt hại chung về kinh tế.

Vì sao WHO quan tâm tới cúm A/H1N1?

- Vì virus cúm A/H1N1 là chủng mới, con người chưa có miễn dịch với chúng, khả năng lây nhiễm cao.

Vì sao các phương tiện thông tin đại chúng phương Tây nói nhiều về bệnh cúm?

- Vì dịch cúm ít xảy ra ở các nước phát triển, có môi trường sạch sẽ, nên khi xảy ra, nó hay thu hút sự chú ý. Thêm vào đó, chăm sóc sức khỏe luôn là vấn đề mà dân chúng tại các quốc gia đó (cũng tức là các khán thính giả, độc giả của báo chí truyền thông) hết sức quan tâm.



Hoàng Thư - tuanvietnam.net

SEO ngành nghề, cỏ nhân tạo, chuyên sửa máy rửa bát tại hà nội, tình yêu độ xe Mercedes, chuyên sửa chữa tivi tại nhà ở Hà Nội, đặt hàng tượng phật đồ thờ tâm linh làng nghề Sơn Đồng | Điện lạnh Bách Khoa Hà Nội