Xưởng Điện lạnh Đức Hải Menu

Show posts

This section allows you to view all posts made by this member. Note that you can only see posts made in areas you currently have access to.

Show posts Menu

Messages - nhuygialai

#1
Tản mạn Pleiku: Phố núi là phố núi nào?

       Lang thang trên mạng, đọc điểm tin mới toanh của báo Đại Đoàn Kết: "Một đại gia phố núi ôm tiền bỏ trốn" (http://daidoanket.vn/Index.aspx?Menu=1390&chitiet=50011&Style=1). Đại gia nào thế nhỉ, sao mình dân Pleiku phố núi chính hiệu lại chẳng nghe các thông tấn xã vĩa hè nói gì cả? Đọc kỷ lại, thì ra đại gia phố núi ở đây là một cặp vợ chồng kinh doanh vật liệu xây dựng tại thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam.(?!?)
       Tò mò "sớch Gu gồ" hai từ phố núi. Thật ấn tượng, có tới 37 triệu kết quả. Thử lướt qua từng trang xem sao ( không tính đến những "phố núi" thuộc về Pleiku):

Trang 1:
      -Một cái tít giật gân : "Chợ tình phố núi: không sướng không tính tiền" (báo Pháp luật và xã hội đăng lại từ VNN http://phapluatxahoi.vn/20120425095330579p1001c1049/cho-tinh-pho-nui-khong-suong-khong-tinh-tien.htm), phố núi ở đây là TP Ban Mê Thuột. Thở phào một cái, Pleiku phố núi chắc cũng không thiếu cái khoản tươi mát kia, may mà chưa đến mức thành chợ nên chưa được lên báo (?!?)
      -Trang http://www.phattuvietnam.net/doisong/26/18093.html trích báo Sức khỏe và đời sống quãng bá " Ẩm thực chay phố núi". Hay nhỉ, một tháng thử vài lần ăn chay cũng nên quá đi chứ! Nhưng đọc kỷ xong thất vọng, phố núi ở đây lại là Đà Lạt, một tháng vài lần lên đó ăn chay có mà... ốm đòn (!?!)
      -Trang http://vunguyen99.vnweblogs.com với tên gọi Phố núi của blogger Trần Hoàng Vũ Nguyên, đọc hết hàng chục trang thơ và comments mới biết tác giả hiện đang sống ở... Đà Lạt !
   
Trang 2: Tin hót không kém:
      - "Giai nhân phố núi và đám cưới khủng 50 tỷ" (http://hn.24h.com.vn/tin-tuc-trong-ngay/giai-nhan-pho-nui-va-dam-cuoi-50-ty-dong-c46a438914.html); "Chân dung nữ đại gia phố núi" (http://www.tienphong.vn/xa-hoi/568455/Chan-dung-nu-dai-gia-pho-nui-tpp.html); "Siêu đám cưới" thiếu gia gây rúng động phố núi"  (http://dantri.com.vn/c111/s111-570328/sieu-dam-cuoi-mot-thieu-gia-gay-rung-dong-pho-nui.htm); v.v và v.v ...
       Thế là nhờ nữ đại gia Nguyễn Thị Liễu mà thị trấn Tây Sơn, Hương Sơn, Hà Tĩnh giờ đây nổi đình nổi đám, ai ai cũng biết đến với danh xưng phố núi rồi nhé. Nên chăng dựng tượng nữ đại gia đã làm nên tên tuổi phố núi cho thị trấn Tây Sơn để hậu thế chiêm ngưỡng nhỉ???
Trang n:
        -"Chùm ảnh Ngày Xuân trên phố núi" ( http://giaoduc.net.vn/Ban-doc/Chum-anh-Ngay-xuan-tren-pho-nui-Son-La/107910.gd), toàn là ảnh của thành phố Sơn La
        - Báo Phú Yên Online cũng cũng tranh thủ phong cho thị trấn La Hai  (huyện Đồng Xuân, Phú Yên), một thị trấn không mấy tên tuổi danh hiệu phố núi ( "Phố núi bên sông":  http://www.baophuyen.com.vn/Phu-Yen---Ky-uc-va-uoc-vong-343/0005405105705205443).
        -"Đại gia phố núi hỏng "súng" vì tự bơm silicon" (các trang phunutoday.vn, f.tin247.com, muabanraovat.org...), cái này thì có đọc đi đọc lại 100 lần cũng chẳng biết là phố núi nào, cứ viết khơi khơi phố núi rồi đăng vậy thôi. Có lẽ mấy trang này đều ba xạo ráo trọi (?!?)

Trang n+1: phố núi, phố núi, lại phố núi...
       Đến đây thì nhiều bạn đọc chắc cũng rối tinh rối mù vì chẳng biết ở đâu ra mà lắm phố núi thế. Bạn Chuông Gió (Phong Linh Nguyễn) thậm chí còn hỏi trên forum Gu gồ  hỏi đáp: "Phố núi là phố núi nào? Sao lại gọi là phố núi?" (http://www.google.com.vn/giaidap/thread?tid=2777a8ddd9d3b033), để rồi nhận lấy câu trả lời phũ phàng: "Thành phố ở trên núi gọi là phố núi". Nghe cũng có lý, biết đâu còn hàng trăm phố khác trên núi đang ngóng chờ danh hiệu phố núi mà chưa có  sự kiện "hot", "xì căng đan" nào đình đám nên chưa được lên In-tẹt nét, chưa được Gu gồ cho xếp hàng ấy chứ (?!?)

       Sao thiên hạ thích vơ vào mình hai từ phố núi thế nhỉ? Hay là hai từ ấy dễ thương quá, nên thơ quá, như người con gái đẹp chưa thuộc về ai nên anh đàn ông nào cũng muốn xí cho riêng mình?. Đúng là: Ô hô, thiên tai, thiên tai ! ( thiên, không phải thiện).

      Tôi thì nghĩ khác, và luôn tin rằng: chỉ có Pleiku mới thực sự là chủ nhân đúng nghĩa của phố núi. Thỉnh thoảng người ta cũng dùng "phố núi" để chỉ Ban Mê Thuột và Đà Lạt, vốn là hai thành phố có lịch sử lâu đời, cùng ở Tây nguyên và có nhiều nét tương đồng với Pleiku- điều này khả dĩ còn chấp nhận được. Còn cái kiểu viết lách cứ phố ở trên núi thì gọi là phố núi thực chất là lạm dụng từ ngữ, ăn theo sự kiện để đánh bóng tên tuổi mà thôi.

     Những năm 1970 về trước, "phố núi" không phải là hai từ ngữ thông dụng, và cũng chẳng ai dùng "phố núi" để chỉ một nơi nào cả. Cho đến năm 1970, nhà thơ Vũ Hữu Định trong chuyến đến thăm một người bạn gái ở Pleiku đã cảm hứng viết nên bài thơ Còn một chút gì để nhớ:

          Còn một chút gì để nhớ
       
          phố núi cao phố núi đầy sương
          phố núi cây xanh trời thấp thật buồn
          anh khách lạ đi lên đi xuống
          may mà có em đời còn dễ thương

          phố núi cao phố núi trời gần
          phố xá không xa nên phố tình thân
          đi dăm phút đã về chốn cũ
          một buổi chiều nào lòng bỗng bâng khuâng

          em Pleiku má đỏ môi hồng
          ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông
          nên mắt em ướt và tóc em ướt
          da em mềm như mây chiều trong

          xin cảm ơn thành phố có em
          xin cảm ơn một mái tóc mềm
          mai xa lắc trên đồn biên giới
          còn một chút gì để nhớ để quên.




Đường Trịnh Minh Thế (nay là Trần Hưng Đạo), Pleiku
       
        Bài thơ đăng trên báo Khởi Hành của Viên Linh và sau đó được nhạc sĩ Phạm Duy phổ thành ca khúc, trở nên rất nổi tiếng với giọng hát Thái Thanh và nhiều ca sĩ khác. Nhiều người đã thừa nhận, rằng: Sau khi có bài thơ ấy, đặc biệt là từ khi nó được Phạm Duy phổ nhạc thì Pleiku mới trở thành phố núi- và phố núi mới thực sự trở thành logo (biểu tượng) của Pleiku. Nói đến "phố núi", người ta nghĩ ngay đến Pleiku với những người con gái đẹp (má đỏ môi hồng), hình ảnh của phố phường nhỏ bé (đi dăm phút đã về chốn cũ) và lẩn khuất giữa rất nhiều cây cối (phố núi cây xanh trời thấp thật buồn). "Trời thấp" là một sáng tạo chữ nghĩa của thi sĩ, nhưng cũng cần nói ngay cái nghĩa gần gũi mà nó tạo ra, ấy là cây rất nhiều, tán lá đan cài miên man trên các nẻo đường làm tầm nhìn của "anh khách lạ" bị hạn chế, cũng là điều tất nhiên. Nói vậy để thêm một lần nữa khẳng định: Phố núi ngày xưa có rất nhiều cây xanh; cây xanh (và dốc) là một nét đặc trưng của Pleiku. Người dân Pleiku, cùng nhiều khách phương xa từng có dịp đến đây đều không ngần ngại nói rằng đường Trịnh Minh Thế (nay là đường Trần Hưng Đạo)- là con đường đẹp nhất Pleiku ngày xưa, với những hàng cây cao tỏa bóng mát vào mùa khô và những khóm lá luôn giữ lại đôi giọt mưa để bất chợt thả xuống cổ đám học trò những giọt nước bất ngờ, thú vị vào mùa mưa. Cây xanh ngày ấy nhiều đến độ, đường sá, phố phường trở nên nhỏ nhoi dưới hàng trăm gốc đại thụ âm u, cao vút (*)

          Chẳng có luật pháp nào quy định phải đăng ký bản quyền cho biệt danh phố núi của Pleiku, nhưng trong trái tim người dân sống tại Pleiku và những người yêu thơ, nhạc nói chung; phố núi thực sự đã thuộc về Pleiku và sống mãi với Còn một chút gì để nhớ ...Đó chính là điều khác biệt làm nên Pleiku phố núi. Những "phố núi" khác dù có gán ghép kiểu gì cũng chỉ là gượng ép, vay mượn chữ nghĩa đơn thuần để nói lên một chút đặc điểm phố ở trên núi mà thôi.


NPV-05.2012 (nguồn: www.nhuygialai.com)

       (*): Trích: Pleiku xưa-Phố núi cây xanh (Nguyễn Quang Tuệ)

#2
     Có một dòng sông

                                                (ĐăkBla, và một người...)
Có một dòng sông chảy ngược về tây
Để lại tôi một thời ngây dại
phố nhỏ-đường quê,
tôi-xe đạp cũ, đi về.
nước trong veo như mắt ai trong...

Có một dòng sông năm tháng hoài mong
Mỗi lúc về thăm, tóc đầy thêm sợi bạc
Tuổi thơ xưa đã xa,
phố xưa giờ hóa lạ.
lãng đãng ký ức buồn
bóng người như sương khói chiều đông...

Có một dòng sông cứ mãi ngược dòng
Tôi lỡ bờ nam, em bờ bắc.
Chẳng có thác ghềnh ngăn cách
Sao vẫn đôi bờ xa- cách xa?!

                                                              (sông ĐăkBla Kontum một chiều 12.2011-Nhuygialai.com)




http://static.mp3.zing.vn/skins/mp3_main/flash/player/mp3Player_skin1.swf?xmlurl=http://mp3.zing.vn/blog?MjAxMS8wNi8wOC8xLzQvInagaMEMTQxMjgyZTJmYmQxZWZhYzhhMzQ2OTgyMjhjNzQ2ZTkdUngWeBXAzfFTDs2MgR2nDsyBUaMO0aSBCYXl8VmFyaW91mUsICyBBmUsICnRpmUsIC3RzfDF8Mg"
#3
Một lần uống rượu cùng Văn Cao

           (Một mùa xuân mới về. Giai điệu sâu lắng, mượt mà, đầy cảm xúc ... của ca khúc Mùa xuân đầu tiên ( Văn Cao ) lại vang lên khắp nơi nơi. Tôi lại nhớ về Văn Cao với lần gặp gỡ đầu xuân năm ấy...)


          Khi đặt bút viết dòng tiêu đề trên, tôi đã có không ít băn khoăn. Về tuổi tác, Văn Cao chỉ kém ông nội tôi khoảng chục tuổi, đương nhiên là bậc tiền bối rồi. Về xã hội, Văn Cao là một nhạc sĩ  nổi tiếng, một họa sĩ, nhà thơ với nhiều tác phẩm giá trị; một danh nhân văn hóa có tầm vóc vượt cả ra ngoài Việt Nam, được đặt tên đường tại nhiều thành phố trong cả nước. Nói "uống rượu" cùng ông nghe có vẻ ngang hàng, bất kính quá. Nhưng nếu dùng từ "đối ẩm", "hầu rượu"...càng không ổn, vì cái bối cảnh và cách uống rượu, nói đủ thứ chuyện trên trời dưới đất giữa tôi và ông hôm đó rất là phóng khoáng, thoãi mái đến mức bình dân, chẳng có gì gọi là quan cách cả. Tôi tin ông sẽ vui vẻ với cái tựa đề của tôi, vì tính cách của ông vốn là như vậy.

          Ấy là dịp đầu năm 1993, khi tôi trở ra công tác dài hạn tại Hà nội sau kỳ nghỉ tết Âm lịch. Cùng đi với tôi có Nguyễn Tấn Hạnh, bạn và đồng nghiệp chung công ty XNK Gialai. Hạnh có ông anh ruột sống tại Hà nội là họa sỹ Nguyễn Tấn Cứ- nguyên Trưởng phòng bảo tồn của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Chính vì mối quan hệ như vậy nên khi đến Hà nội, việc đầu tiên của hai chúng tôi là đem mấy chai tinh sâm khu 5- hồi đó sâm khu 5 còn rẻ và không hiếm như bây giờ; đến nhà Anh Cứ thăm và chúc tết. Đó chỉ là một căn hộ tập thể nhỏ, thấp lè tè nhưng có khoảnh sân khá rộng nằm ngay trong khuôn viên xưởng phục chế của Bảo tàng. Nghe tiếng xe máy, anh Cứ hối hả ra mở cổng. Sau một loạt câu hỏi chen nhau vì lâu ngày gặp lại trong không khí tết muộn, anh nắm tay hai chúng tôi như lôi đi:

          -Vào đây, vào đây. Anh đang chuẩn bị tiếp hai ông bạn già. Trà tam, rượu tứ; thêm hai anh em nữa là quá hay rồi.

          Chúng tôi vào nhà. Căn phòng khách chật hẹp ngày thường vốn bề bộn khung vẽ, tranh, màu... nay được dẹp gọn qua một bên, hai ông bạn già của anh đang ngồi trên chiếu với mâm rượu chờ sẵn. Hai con người thoạt nhìn gây hai ấn tượng trái ngược nhau. Một người khoảng tuổi 60, dáng tầm thước, gương mặt đầy đặn, đôi tai to, mái tóc nghệ sỹ và bộ râu rậm rạp được chăm chút cẩn thận-chính là Thái Bá Vân, nhà nghiên cứu và phê bình mỹ thuật nổi tiếng. Người kia già hơn, gầy gò trong chiếc áo bông, tóc bạc rối ngang vai và chòm râu lơ thơ trên gương mặt hom hem, phong trần-  tất cả như một cái nền làm nổi bật trên đó đôi mắt tinh nhanh, nét miệng lúc nào cũng như cười cười khinh bạc, giễu cợt gì đó. Anh Cứ giới thiệu Thái Bá Vân xong, quay sang ông cụ:

          -Đây là tác giả bài "Tiến quân ca"...

          Tôi há hốc miệng kinh ngạc:

          -Hóa ra đây là...bác Văn Cao?

          -Còn ai vào đây nữa?  Vậy chứ chú em nghĩ Văn Cao là như thế nào?

          Tôi lúng túng thật sự:

          -Dạ không, cháu chỉ bất ngờ thôi, chứ chưa bao giờ hình dung bác như thế nào cả...

          Văn Cao cười khà khà, cái miệng cười đậm nét khôi hài:

          -Đúng là lớp trẻ bây giờ, chỉ biết Văn Cao là tác giả Tiến quân ca; còn Văn Cao... thế nào thì chịu. Mà hai chú là em chú Cứ thì cứ xưng em là được rồi...Ngồi xuống đi.

          Ông nâng lấy ấm rượu –loại ấm nhỏ thường  hay dùng uống trà, rồi rót từ từ vào mấy chén hạt mít. Tôi để ý thấy nắp ấm rượu được đúc liền một khối với thân ấm, hơi là lạ nhưng không tiện hỏi. Nâng chén rượu đầu xuân chúc nhau, thăm hỏi theo lệ thường xong, tôi nói:

          -Thú thật với bác Vân là em mới biết tên tuổi bác gần đây thôi, nhưng riêng bác Văn Cao thì từ lâu lắm rồi.  Chín, mười tuổi em đã nghe không biết bao lần mấy đĩa nhựa Thái Thanh hát Buồn tàn thu, Suối mơ, Thiên thai... của bác mà. Em còn nhớ trên bản in Buồn tàn thu do nhà xuất bản Sóng nhạc ấn hành có ghi lời đề tặng  của bác: "Tương tiến nhạc sĩ Phạm Duy, kẻ du ca đã gieo nhạc buồn của tôi khắp chốn"...

          Văn Cao nhìn tôi, cái nhìn đầy hoài nghi. Nói qua nói lại một hồi, tôi mới hình dung được lý do vì sao ông lại không tin như vậy. Hơn ba mươi năm từ sau vụ "Nhân văn- Giai phẩm", nhà nước cấm phổ biến mọi sáng tác của ông, cấm ông sinh hoạt ở các hội văn học nghệ thuật. Tranh không có vật liệu để vẽ, mà có vẽ chưa chắc được trưng bày. Ông phải làm bìa sách, minh họa, làm đủ thứ linh tinh để kiếm sống trong nổi câm lặng, trầm uất của người nghệ sỹ không được phép sáng tạo nghệ thuật. Ông uống rượu rất nhiều và gần như không thể thiếu rượu hàng ngày. Tên tuổi ông đã nhiều năm gần như đi vào lãng quên, lớp người trẻ chỉ biết Văn Cao là tác giả bài Tiến quân ca được chọn làm quốc ca; vậy thôi. Cho dù ông được phục hồi danh dự và được phép phổ biến lại các tác phẩm từ năm 1988, nhưng thời đó thông tin báo chí quá nghèo nàn, internet chưa có, thậm chí muốn điện thoại đường dài phải ra Bưu điện bờ hồ Hoàn Kiếm đăng ký, rồi chờ bưu điện quay số khi được khi không- nên tư liệu về cuộc đời và sự nghiệp của ông vẫn như một tảng băng chìm hầu như chỉ biết qua truyền miệng là chính. Ông không thể tin một tên nhãi ranh như tôi lại có thể biết khá nhiều về ông như vậy.

          Tôi phải kể tường tận với  ông rằng tôi được sinh ra và lớn lên ở miền Nam trước năm 1975. Ba tôi vốn là người mê nhạc Văn Cao, nên tôi cũng được tiếp xúc với nhạc của ông từ khi còn ẳm ngửa. Giai đoạn 1971-1972 gia đình tôi sinh sống bằng nghề bán sách báo. Tính tôi lại ham mê đọc sách từ rất sớm, sách gì tôi cũng đọc được. Vì vậy nên dù chỉ nhớ về ông với những nét chấm phá qua những mốc thời gian không chính xác, tôi vẫn nói chuyện với ông khá thoãi mái. Thật sự thì trước 1975 ở miền Nam người ta vẫn nhớ đến Văn Cao với những ca khúc bất hủ, tên tuổi ông cùng nhóm Trương Tửu, Trần Dần, Phùng Quán, Phan Khôi ...và vụ "Nhân văn- Giai phẩm" vẫn được nhắc đến thường xuyên trong các sinh hoạt, nghiên cứu văn học nghệ thuật. Người ta tiếc cho ông, cho một tài năng sớm bộc lộ trên nhiều lĩnh vực nhưng không thể phát huy hết khả năng sáng tạo của mình. Về văn học, năm 1942 thơ văn của ông đã được đăng trên Tiểu thuyết thứ bảy- tập san văn học nổi tiếng thời bấy giờ. Về hội họa, năm 1943 tại triển lãm tranh lần đầu ở Salon Unique, tác phẩm Les Suicidés (Những kẻ tự sát) của Văn Cao gây tiếng vang lớn. Đặc biệt về âm nhạc, năm 1939 lúc 16 tuổi, ông đã có Buồn tàn thu , và sau đó là những ca khúc lãng mạn trữ tình : Thu cô liêu, Cung đàn xưa, Bến Xuân, Suối mơ, Thiên Thai, Trương Chi..., ca khúc hùng ca: Bạch Đằng Giang, Gò Đống Đa, Thăng Long hành khúc, Trường ca Sông Lô...  tác phẩm khí nhạc dành cho piano: Sông Tuyến, Biển đêm, Hàng dừa xa... đều xứng đáng là những tác phẩm bất hủ. Không thể không nhắc tới Tiến quân ca sáng tác năm 1944, năm 1946 được chọn làm quốc ca nước VNDCCH. Sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, năm 1981, một cuộc "vận động sáng tác quốc ca mới" được tổ chức quy mô, có thi tuyển, kéo dài trong 2 năm, nhưng cuối cùng vẫn không chọn được bài nào thay thế. Tầm vóc tài năng  của Văn Cao trong nhiều năm sau này nữa có lẽ khó có ai sánh nổi. Có điều số lượng sáng tác của ông thật quá ít ỏi, chỉ hơn 30 bài - so với hai nhạc sỹ Việt Nam nổi tiếng khác là Phạm Duy ( tác phẩm đầu tay Cô hái mơ sáng tác năm 1943) có khoảng 1000 ca khúc và Trịnh Công Sơn (tác phẩm đầu tay Ướt mi sáng tác năm 1955) với 600 ca khúc- càng khiến người ta tiếc nuối cho tài năng của ông. (*)

          Ấm rượu rót vài vòng thì cạn hết. Anh Cứ mang ra một chai rượu lớn, bảo tôi châm vào ấm. Tôi ngớ người ra, chẳng biết phải làm thế nào. Nắp và thân ấm đúc liền khối, vòi ấm thì nhỏ, chẳng lẽ lại dùng "xiranh" hay ống "tizô" bơm vào?. Văn Cao vuốt râu cười rũ ra: "Để coi chú em làm cách nào". Tôi lắc đầu chịu thua. Ông bảo: "Thì lật ngữa nó ra". Tôi càng ngơ ngác hơn. Ông liền cầm lấy chiếc ấm lật ngữa thật. Té ra đít ấm được đúc theo kiểu một cái phễu thu nhỏ dần vào trong, cứ cho rượu vào lưng nửa ấm rồi lật nhẹ lại, rượu không đổ ra ngoài tý nào. Ông cười hỏi tôi:

          -Chú em thấy cái ấm này như thế nào?

          Tôi ngắm đi ngắm lại bộ ấm chén rồi dè dặt đáp:

          -Em có biết gì về đồ cổ đâu. Nhưng giới văn nghệ sỹ mấy bác dùng nó uống rượu thì quá hợp "gu" rồi còn gì.

          -Ý chú em là...

          Thấy Văn Cao tỏ vẻ chăm chú, tôi liền mạnh dạn tiếp lời:

          -Bộ ấm chén này bề ngoài trông xù xì, thô ráp; cái cách dùng nó lại ngược đời không giống ai...Vậy nhưng bên trong lại chất chứa rượu nồng, men say lòng người- Chả phải giống như tính cách của mấy bác văn nghệ sỹ là gì?

          -Ấy ấy _ Văn Cao xua xua tay : chú em quá lời rồi. Chẳng qua do thời thế thôi mà. Cái ấm này là cả một vấn đề triết học nhân sinh đấy, còn sâu xa hơn cả chuyện tích cái lọ "đầy thì đổ" của Khổng Tử đấy.

          Chuyện này thì tôi có dịp đọc qua rồi. Đại khái sách Tuân Tử chép, có lần Khổng Tử vào miếu Hoàn Công nước Lỗ, thấy một cái lọ dựng nghiêng bèn hỏi người coi miếu, mới biết đó là vật quý của nhà vua thường để bên chỗ ngồi để làm gương. Tương truyền cái lọ đó để không thì đứng nghiêng, đổ nước vừa vặn thì đứng thẳng mà đổ đầy quá thì đổ. Khổng Tử bèn sai học trò đổ nước vào, quả nhiên nước đổ vừa thì lọ đứng ngay; nước đổ đầy thì lọ đổ. Ngài chép miệng than rằng: Ở đời chẳng cái gì đầy mà không đổ. Học trò của Ngài là Tăng Tử hỏi liệu có cách gì giữ cho đầy mà không đổ? Khổng Tử đáp rằng: Thông minh thánh trí thì nên giữ bằng cách ngu độn; công lao to hơn thiên hạ nên giữ bằng cách khiêm cung; sức khỏe hơn đời nên giữ bằng tính nhút nhát; giàu có bốn bể nên giữ bằng nhún nhường; đó là cách đổ bớt đi để giữ cho khỏi quá đầy. Sự nghiệp ở đỉnh cao, tiền tài danh vọng đã đầy đủ thì cần phải tĩnh trí nhận ra đâu là đỉnh núi để có cách trụ vững khôn ngoan, hoặc lui xuống lặng lẽ, còn nếu bước tiếp sang đỉnh khác cao hơn nữa, sẽ rơi xuống vực. Nhưng vấn đề là liệu người ta có ai muốn đổ bớt đi không, với bản chất tham lam cố hữu đã có một lại muốn được thêm mười của mình? (*)

          Hôm đó cao hứng Văn Cao, rồi cả Thái Bá Vân và Anh Cứ cùng nhau giảng giải, bình luận về các vấn đề "triết học nhân sinh" ngóc ngách của bộ ấm chén không giống ai cho tôi nghe, nhưng đáng tiếc là tôi không hiểu được nhiều. Chỉ nhớ riêng về mãng văn học nghệ thuật, Văn Cao có ví von, đại khái sự sáng tạo của người nghệ sỹ như những giọt rượu được chắt lọc từ thực tế cuộc sống; quá trình thai nghén, hoàn chỉnh nên tác phẩm thoạt nhìn có khi ngược đời, không dễ được chấp nhận và khuất lấp dưới đáy xã hội, nhưng cuối cùng hương thơm vẫn ấm nồng tỏa quyện cùng tâm hồn con người. Sự sáng tạo trong văn học nghệ thuật dường như không có giới hạn, nó chính là dòng chảy không ngừng của cuộc sống. Như những giọt rượu rót vào chiếc ấm kia vậy, rót vừa đủ đầy ta lại uống cho vơi, càng vơi ta lại càng say, cảm hứng càng dâng trào... Không như chiếc lọ "đầy thì đổ", chỉ đổ ra đổ vào để răn đời mà thôi!

          Tôi chỉ nhớ đến vậy. Tiệc rượu tan, ngủ nghỉ một tí thì chiều cũng vừa tàn, hình như Thái Bá Vân đèo Văn Cao ra về bằng xe đạp thì phải. Từ đó tôi không có dịp nào gặp lại ông nữa. Thời gian thoáng chốc đã gần 20 năm trôi qua; lần lượt Văn Cao, Thái Bá Vân, rồi anh Cứ nối nhau về cõi vĩnh hằng; bộ ấm chén uống rượu năm xưa cũng không biết có còn giữ được hay không. Nhưng dù sao đi nữa, trong tâm tưởng tôi, cái duyên hạnh ngộ một lần uống rượu cùng Văn Cao không bao giờ có thể quên được...

        (*) chi tiết theo các tư liệu sưu tập

(NPV-  xuân 2012: http://www.nhuygialai.com/2012/02/mot-lan-uong-ruou-cung-van-cao-npv_1.html )
#4
Cám ơn các bạn đã hỏi thăm
Định viết tiếp theo một chút vui hài hước, nhưng do tâm trạng lúc này thực sự không được vui, thoãi mái nên đành thôi vậy. Tạm thời gởi đến HTY bài thơ Mê khúc để thay lời xin lỗi nhé...
#5
Người yêu thơ / Mê khúc
29/12/11, 09:19
    Mê khúc

    Tưởng rằng đã quên một thời nông nỗi
    Chợt thấy đời nghiêng lặng lẽ nơi này
    Nghe tuyệt vọng thốt lên lời trăn trối
    rót ngập hồn huyễn hoặc một đời say

        Tim yếu mềm từ dạo ấy loay hoay
        Để mưa nắng lê thê cùng ảo ảnh
        Nhiều thu vắng nguyệt ca lời buồn thánh
        Cội nguồn xa, mây gió cánh chim mù

    Mộng nam kha trên cát trắng hoang vu
    Buông lối ngỏ tuổi thơ về trăn trở
    bờ mộng mị, môi gần, chùng hơi thở
    trước và sau, hờ hững tiếng hư vô

        Mắt xưa còn in dấu đá ngây ngô
        bạn bè gầy vai đời ta giữ lại
        Lạ lẫm ngôn từ một thời con gái
        Già chát trần gian sương khói theo về

    Dấu yêu nào cùng bóng xế cơn mê
    Đợi hồi sinh nét kiêu sa khắc khoãi
    Ôm trăn trở chút buồn vui rớt lại
    Ru hoài ta trong- mê khúc- yêu người...
                        -NPV-(nguồn: nhuygialai.com)

[/i]
http://static.mp3.zing.vn/skins/mp3_main/flash/player/mp3Player_skin1.swf?xmlurl=http://mp3.zing.vn/blog?MjAxMC8xMi8yOC9iL2MvInagaMEYmM4NGU5NTI4ZGUxNmMyY2NjNDU5YjdmMTY5YmI2OWQdUngWeBXAzfE3DqiBLaMO6Y3xUmUsICdUngG6p24gTeG6oW5oIFR14WeBqlWeBnwxfDI
#6
Chợ Rẫy linh tinh ký sự:

(Tháng 11 vừa rồi NhuyGialai phải đưa ba vào bệnh viện Chợ Rẫy để mổ cột sống. Chỉ hai tuần thôi, nhưng đã chứng kiến bao nhiêu cảnh đời khốn khó; những hình ảnh bệnh tật, tai nạn thương tâm; những ám ảnh mất ngủ, những nỗi buồn và đôi niềm vui hiếm hoi...Để rồi thấy mình vẫn còn may mắn, hạnh phúc hơn bao người trên cõi đời này.)

1-Một góc tình lạ:

Hắn nhập viện trước ba tôi đến cả tuần. Khoảng chừng 27,28 tuổi nhưng nét mặt hắn trông khá già dặn phong trần, pha chút bậm trợn với vẻ gân guốc và râu ria lởm chởm. Thì hắn là dân lơ xe tải mà, từng chinh chiến khắp mọi nẻo đường nam bắc. Có điều tới vận xui nên trong lúc làm hiệu cho xe "de"lui,  hắn trượt chân không tránh kịp, bị kẹp giữa hai chiếc xe tải đến nỗi ... bẹp đầu và chấn thương tùm lum. Nằm liệt ở một góc, nhưng hắn trở thành tâm điểm của cả phòng bởi thường xuyên "quậy", chẳng cho ai ngủ nghỉ cả. Lúc mê sảng la hét đã đành, lúc tỉnh hắn cũng hay càm ràm than thở, chưởi thề,  rồi lôi cả ông bà ông vãi ra oán trách. Chăm sóc cho hắn có hai người. Cô em gái người mũm mĩm và vụng về, đụng đâu bị hắn la đó chịu không thấu nên hay lãng lãng ở bên ngoài. Cô vợ (như lời cô tự giới thiệu) thì gầy tong teo, nước da xám tái, khắc khổ nhưng được cái chịu khó và mát tay. Hết quạt mát, lau rửa, cho ăn, giúp tiêu tiểu rồi dỗ dành ...trông cô chu đáo đến tội nghiệp. Tối đến, trong khi em gái hắn trãi chiếu dưới sàn ngủ ngon lành thì cô nằm khoanh ở đuôi giường, ôm đôi chân hắn gác lên mình và vỗ về cho hắn ngủ. Hắn có vẻ "chịu" vợ hắn lắm. Cũng có lần hắn dở chứng đuổi : " Mày biến đi, coi kiếm thằng nào trai trẻ bồ với nó được thì bồ, tao cóc cần ai hết, tao thân tàn ma dại rồi, để cho tao chết đi". Cô vợ dỗ một chặp không được, phát cáu:" Thôi im cái mồm cho bà con nhờ, tao bực tao bỏ cho chết mẹ bây giờ". Vậy là hắn im. Cái kiểu ăn nói, xưng hô mày tao của cặp đôi này thật lạ, không " đụng hàng" với ai được. Thấy tôi nhìn, cô vợ phân bua: "Tụi em quen vậy rồi, từng là bạn bè với nhau mà..."

Được hai hôm thì mẹ và chị hắn vào. Vợ hắn thoáng thấy bóng họ là lẳng lặng chuồn mất, còn hắn vừa càm ràm vừa úp mặt vô tường như không hay không biết. Tôi cũng không để ý lắm, cho tới lúc hắn vặn mình hất văng bàn tay bà mẹ đặt trên trán, miệng rít lên giận dữ: " Bà còn muốn gì nữa? Bà để cho tôi yên có được không? Tôi chết thì bà mới bằng lòng hả? Về đi, về hết đi". Mẹ hắn bật khóc, chị hắn nài nỉ- trong khi hắn tuôn xối xả những lời oán trách, chưởi thề bất cần đời. Đại khái hắn không cần cái gia tài của mấy người, chuyện riêng của hắn mặc kệ hắn, đã đuổi hắn thì hắn đi, hắn cũng không cần ai thăm nom gì cả... Hắn vùng vằng  dữ quá, tôi buộc phải chạy sang ôm ghì tay hắn xuống, dỗ dành: " Bình tĩnh, bình tĩnh đi em. Chuyện riêng tư có gì từ từ mai mốt  khỏe rồi hẳn nói, em làm vầy ảnh hưởng vết thương sao lành được". Không biết vì nghe lời tôi hay đuối sức mà hắn trở nên xụi lơ, đôi giòng nước mắt lăn dài trên má...

Trưa và chiều hôm đó hắn lơ cơm, lơ sữa; bà mẹ và hai chị em năn nĩ ỉ ôi lắm hắn mới nuốt vài muỗng gọi là. Tối lại không còn người để gác chân và vỗ về giấc ngủ, hắn càng quậy dữ, la hét cả đêm. "Bộ nhớ" của hắn có khi bị chập nặng rồi- Tôi thầm nghĩ  giữa những lần lơ mơ thiếp đi vì mệt mõi.

Sáng hôm sau khi cùng ngồi bên ngoài hành lang chờ hết giờ bác sỹ thăm khám bệnh, tôi nghe cô em mũm mĩm nói với bà mẹ:

-Hay là mẹ về đi, để con cùng chị ấy chăm ảnh cho

Bà mẹ ngước mặt lên, trông bà hốc hác hẳn, hai mắt trũng sâu:

-Về là về thế nào? Tụi bay giấu tao mấy hôm rày chưa đủ sao? Tưởng tụi bay chăm lo cho nó, ai dè tụi bay giao hết cho cái con đượi đó. Nó mà có mệnh hệ gì thì...

-Thì mẹ thấy đó, ảnh đâu có chịu cho mình chăm sóc đâu? Chỉ có chị ấy thôi. Mà tính chị ấy cũng tội lắm, lại chịu khó nữa. Tại má chưa biết đó.

-Biết, biết cái gì?- Bà mẹ lớn giọng: Cũng tại cái con đó mà xảy ra bao nhiêu chuyện lộn xộn trong nhà. Cái thằng này cũng gan trời lắm, cả ba mẹ mà nó còn xem chẳng ra gì, động một tý là bỏ nhà đi. Để coi nó thi gan được bao lâu, hay cuối cùng thì cũng cóc chết ba năm quay đầu về núi...

-Thôi mà mẹ- Cô gái xuống giọng nài nỉ: Miễn sao ảnh khỏe lại là mừng rồi, có gì tính sau.

-Trước sau cái gì? Nói càng thêm tức quá...

Rồi bà chợt thở dài. Quay sang tôi, thấy tôi tỏ vẻ quan tâm, bà liền kể lể đầu đuôi sự việc: "Cái con đó có phải dâu con gì đâu? Nó làm gái hết thời, có hai đứa con riêng lại chẳng đẹp đẽ gì. Vậy mà thằng Út nhà tôi chết mê chết mệt đòi cưới về làm vợ. Cả nhà chẳng ai đồng ý, thế  là nó bỏ đi luôn, sống với con đó cả năm nay rồi. Bị tai nạn cũng không thèm nhắn nhà về lấy một tiếng. Thật là khổ cho con với cái..." Tôi ngồi im nghe, không dám nói gì, bụng thầm nghĩ: Có khi tụi nó thương yêu nhau thiệt thì sao? Biết đâu được? Gặp phải cái thứ bồ bịch trời ơi đất hỡi thì nó tiếc gì cái thằng bẹp đầu nằm một đống mà không bỏ đi từ bảy đời nào rồi ???

         Chiều hôm sau nữa hắn mắc...ị, mấy mẹ con xúm quanh, người lo che màn, người lấy chậu...lăng xăng lít xít. Ở bệnh viện thấy cảnh đó hàng ngày hóa quen nên tôi cũng không để mắt đến làm gì, nhưng lần này không hiểu vì sao hắn rên la quá xá. Ba mẹ con cuống lên gặng hỏi, hỏi gì hắn cũng không nói, chỉ rên la thảm thiết hơn. Bà mẹ giục cô con mũm mĩm đi gọi bác sỹ, cô đi một chặp lại quay vào cùng ...vợ hắn. Thì ra mấy hôm nay cô ả cũng chỉ loanh quanh đâu đó trong bệnh viện thôi. Không lý gì đến mọi người đang nhìn ngó, cô ả hỏi như quát: "Sao, đau cái gì, đau ở đâu? " Hắn huơ tay ra hiệu cho vợ lại gần nói nhỏ, con vợ cứ oang oang: " Thì nói đại đi chứ mắc cỡ gì? Ở bệnh viện chớ phải ngoài đường đâu mà mắc cỡ? Cái gì? Ba bốn ngày rồi không ị được hả? ối giời, tưởng sao, để đó tui làm cho...". Mọi người còn đang ngơ ngác chưa biết thế nào thì vợ hắn đã nhanh nhẹn lục xách lấy cục xà phòng thấm ướt xoa lên mấy đầu ngón tay, cúi người lật nghiêng nửa thân dưới của hắn lên rồi chọc, ngoáy, nắn bóp... Một tràng âm thanh không thể diễn tả của con người lúc đang giải quyết nỗi buồn khó nói vang lên, thế là xong. Những gì cần phải làm tiếp theo trở nên đơn giản ...

Trong khi vợ hắn cùng cô em mũm mĩm lo thu dọn "chiến trường" thì hắn cứ trân trân mắt nhìn lên trần nhà, gương mặt chẳng biểu lộ nét xúc cảm nào. Mẹ hắn lặng lẽ bước ra ngoài hành lang, cũng không nói không rằng. Tôi thoáng thấy nét mặt bà dịu hẳn đi, có lẽ bà đã cảm nhận phần nào một tình cảm chân thật bên trong con người mà bà đang ghét cay ghét đắng. Tôi nghĩ thầm: dù là trai tứ chiến, gái giang hồ thì họ vẫn có quyền yêu nhau, ai dám bảo tình yêu của họ là không cao đẹp???


kỳ sau:

2-NhuyGialai không chỉ đẹp trai, mà còn giống bác sỹ nữa:
#7
Đêm thấy ta là thác đổ(*)

Một hôm quán khuya dần vắng lặng
Chỉ còn lại tôi và em
Chỉ còn khúc Trịnh buồn khắc khoãi
Tay trong tay em dịu êm.

Ngoài kia phố thưa người bước vội
Dạ lan thoang thoảng hương đêm
Mùa đông mong manh sương gió lạnh
Thoáng nghe hơi ấm môi mềm

Chợt thấy thời gian như đọng lại
Lao xao tiếng dòng sông xa
Dòng sông ôm một thời thơ dại
Mắt em tròn tuổi mười ba...

Chợt thấy hồn ta là đứa trẻ
cởi truồng tắm mưa ngoài hiên
Ngóng mẹ chợ xa về bước nhẹ
Áo may vừa tuổi hồn nhiên...

Ta chờ em như xưa chờ mẹ
nào hay bạc tóc thời gian.
Ta gặp em khi đời hóa muộn
thương em lỡ bước đi về!

Chợt thấy lòng ta là thác đổ
xuôi đời, trót một vòng tay
Chút tình thơ ngây ngày ấy,
còn gì cho nhau đêm nay...


(NPV 27.11.2011- nguồn: www.nhuygialai.com )


(*) mượn tên một bài hát của Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

http://static.mp3.zing.vn/skins/mp3_main/flash/player/mp3Player_skin1.swf?xmlurl=http://mp3.zing.vn/blog?OC85OS84OTk0ZjhkYTI0ZjQzZjg2YzBiM2MxNjYxZWMyYjYzOC5cUIbaBmUsICDN8xJDDqm0gdGjhdUngqV5IHRhIGzDoCB0aMOhYyDEkeG7lXxWw7UgVMOhIEjDom58MXwx
#8
Thảng thốt...

Hãy nói với em, em phải làm gì
khi mùa không về nữa?
Chiếc lá rơi tàn úa
                         hoang lạnh trong đêm
Không còn bước chân quen,
                        sỏi co mình thổn thức
Cuối con đường, ẩn khuất một bóng hình...

Hãy nói với em,
                      em phải làm gì?
Giọt nước mắt mặn môi rơi
không đủ sức níu người ở lại !
Phượng rực đỏ suốt một thời nông nổi
sắc nào cho em?

Em xòe tay vào đêm
Thảng thốt gọi: thời gian ơi trở lại !
Tháng ngày lặng im, trôi mãi...

(nguồn: nhuygialai.com)
http://www.nhaccuatui.com/m/6t54DTHJnu

#9
Áo trắng thu xưa

Chút phượng hồng còn lưu luyến trên cao
Tháng chín, mùa thu luôn đến muộn.
Nắng sớm lao xao trắng muôn tà áo
Man mác hồn thu tiếng trống khai trường.

Có những mùa thu còn mãi vấn vương
buổi sớm đạp xe bay tóc trán
Ba tháng hè xa vòng tay bè bạn,
phút gặp nhau áo trắng đẫm mồ hôi.

Thu rồi lại thu, kỷ niệm buồn vui
Áo trắng bên nhau thân thương quá
Trường lớp, thầy cô,... bao điều mới lạ
dấu nửa vần thơ - mơ mộng tình đầu !

Ngày tháng vô tình lặng lẽ trôi mau
có một mùa thu không trở lại...
Lưu bút ướt nhòe nước mắt con gái
áo trắng thu buồn gởi lại trường xưa!

Từ đó, mỗi người một khoảnh thu xa,
bạc tóc đường đời chia muôn ngả
Áo trắng xưa có bao giờ gặp lại ?
Còn đó thu buồn ngơ ngẫn hồn ai...

(NPV-thu khai trường 09.2011)

http://static.mp3.zing.vn/skins/mp3_main/flash/player/mp3Player_skin1.swf?xmlurl=http://mp3.zing.vn/blog?MjAxMS8wMS8xOS9jL2UvInagaMEY2U2NGJjOWQ3ZDE3NzBlZmE4NWYwYjUwYzI1YjNhZWIdUngWeBXAzfEzDoSDEkOG7lSBNdmUsICO0WeBiBDaGnhdUng4F1fFZhmUsICmlvInagaMEdXMgQXJ0aXN0mUsIC3wxfDI
#10
Cái tội không chịu nhìn...
(Không có phụ nữ xấu, chỉ có những phụ nữ không biết làm đẹp mà thôi)

Người ta ví phụ nữ như những bông hoa biết nói. Phụ nữ đẹp -vốn đã như bông hoa tràn đầy hương sắc rồi, lại thêm "biết nói" nữa thì đàn ông làm sao mà chịu nổi. Nên từ xửa từ xưa đã có câu: Anh hùng khó qua ải mỹ nhân...!

Tôi chỉ là một anh đàn ông bình thường, càng không thể thoát ra ngoài cái "chân lý" ấy. Ngày xưa đạp xe đạp lóc cóc chở người yêu, hay sau này đi xe máy chở vợ - cứ thấy có "người đẹp" là phải... liếc dòm tý đã. ( Có không ít tai nạn giao thông xảy ra vì mấy cái vụ này, có điều không ai thống kê mà thôi !). Cố tật ấy thật khó bỏ, bởi càng ngày chị em ta ăn mặc càng thoáng, càng khó đỡ: váy thì ngắn không thể ngắn hơn, áo mỏng không thể mỏng hơn, cổ áo khoét trễ ngực không thể trễ hơn... Mà sự đời hễ cái gì cứ he hé, thấp tha thấp thoáng lại càng khêu gợi, càng hấp dẫn mới chết chứ. Nên đành cười trừ với người yêu/ vợ: Thôi mà, phụ nữ làm đẹp là để cho đàn ông ngắm nhìn, nếu không thì làm đẹp làm gì? "Đây" nói cho mà biết nhé: tới cái lúc "mấy ông" không thèm liếc ngang liếc dọc thì "mấy bà" chỉ còn có nước khóc ròng thôi. Nghe có lý quá đi chứ?!?

Thôi thì trách làm gì bọn đàn ông khi thấy phụ nữ là cứ phải ngắm, phải nhìn- vì bản chất đàn ông là đam mê cái đẹp, cái mới lạ. Ấy vậy nhưng sự đời không hề đơn giản, bởi không ngắm nhìn cũng có được yên thân đâu? Nhẹ thì người ta bảo thằng này giới tính có vấn đề. Nặng thì coi chừng tiêu tan sự nghiệp, mất mạng như chơi!!!

Nói có sách mách có chứng, bạn đọc từng ái mộ Kim Dung với bộ tiểu thuyết võ hiệp lừng danh Thiên long bát bộ đều không thể quên nhân vật anh hùng Kiều Phong. Chỉ vì một lần không chịu ngắm nhìn người đẹp mà Kiều Phong phải thân bại danh liệt, dẫn đến đường cùng phải tự sát trước ải Nhạn môn quan.

Kiều Phong- vốn không biết mình có nguồn gốc là người Khiết Đan- với tính tình nghĩa hiệp và võ công tuyệt đỉnh giang hồ, sau nhiều cơ duyên trở thành Bang chủ Cái bang của người Hán. Trong yến tiệc chiêu đãi nhậm chức Bang Chủ có vợ của Phó Bang chủ Mã Đại Nguyên là Khang Mẫn, được biết như một người đẹp, đẹp đến nỗi "đứng cạnh khóm hoa mẫu đơn, ai đi qua cũng liếc nhìn tim cũng đập thình thịch...". Khi cuộc vui men rượu tràn đầy, lại có thêm không biết bao nhiêu cặp mắt sỗ sàng nhòm ngó người đẹp. Duy chỉ có Kiều Phong chính nhân quân tử, nghĩ rằng Khang Mẫn là vợ của thuộc hạ mình phải giữ lễ nghi, ông chỉ chào đáp lễ sơ qua một lần rồi thôi. Thái độ đó làm Khang Mẫn cảm thẩy lòng kiêu hãnh tổn thương, nổi giận thề sẽ trả thù. Và ngay sau đó cuộc trả thù được tiến hành đầy mưu mô khốc liệt.

Biết chồng mình nắm bằng chứng về việc Kiều Phong là người Khiết Đan, Khang Mẫn xúi giục chồng tố cáo. Mã Đại Nguyên tính tình ôn hòa, thêm nễ phục Bang chủ nên không nghe theo. Khang Mẫn hận lây cả chồng bèn dụ dỗ Bạch Thế Kính - chấp pháp trưởng lão của Cái bang ăn nằm rồi ép họ Bạch giết chồng bằng cách giả chiêu thức Toả hầu cầm nã thủ của Kiều Phong để vu cho Kiều Phong giết. Chắc ăn hơn, Khang Mẫn tiếp tục chung chạ với Toàn Quan Thanh - một đà chúa của Cái bang vốn có tham vọng giành ngôi bang chủ, xúi giục Toàn Quan Thanh tố cáo. Thân phận bộc lộ, Kiều Phong mất ngôi Bang chủ và phải rời bỏ Cái bang, lang bạt giang hồ với bao nỗi hàm oan. Cay đắng nhất là khi ông phải đơn đả độc đấu chống cả quần hùng tại Tụ Hiền Trang và suýt mất mạng sau khi buộc thế phải giết khá nhiều những bằng hữu quen biết cũ. Cái chết oan nghiệt của A Châu- người yêu duy nhất, trọn đời của ông cũng có nguyên nhân từ sự hàm oan ấy. Dù sau này ân oán được giải, nhưng với thân phận nửa Hán, nửa Khiết Đan; những hằn thù triền miên giữa hai dân tộc đã đẩy Kiều Phong vào bước đường cùng phải tự sát tại ải Nhạn môn quan, kết thúc một đời hào kiệt thật hào hùng, bi tráng.

Suy cho cùng thì Kiều Phong chỉ phạm mỗi sai lầm, cũng là cái tội duy nhất: tội không chịu nhìn người đẹp(!?!). Rất may là phụ nữ đẹp nhưng tàn bạo, mưu mô như Khang Mẫn trên đời này không có mấy người; còn cánh đàn ông chúng ta lại chẳng có ai dám sánh với Kiều Phong, nên chúng ta cứ vô tư đi. Lỡ quên nhìn cũng chẳng sao, nhưng không chịu nhìn là có tội đấy...!!!

Xem thêm: Còn đây là cái tội nhìn lung tung:

http://www.youtube.com/v/es4EymD3B3s?rel=0><param%20name="allowFullScreen"%20value="true">
SEO ngành nghề, cỏ nhân tạo, chuyên sửa máy rửa bát tại hà nội, chuyên sửa chữa tivi tại nhà ở Hà Nội, đặt hàng tượng phật đồ thờ tâm linh làng nghề Sơn Đồng | Điện lạnh Bách Khoa Hà Nội