Xưởng Điện lạnh Đức Hải

Em bé 5 tuổi 2 ngày lên… 3 lớp

Started by saos@ngmo, 11/03/07, 18:22

Previous topic - Next topic

saos@ngmo

3 tuổi cậu bé đã đọc báo vanh vách. Lên 5 tuổi cậu bé đoạt giải cuộc thi "Sáng tạo dành cho lứa tuổi thanh, thiếu niên nhi đồng lần thứ nhất" và được đặc cách đến trường trước tuổi, học lớp 1, lớp 2, lớp 3 tùy ý, miễn là có thể theo kịp chương trình...

Năm 2003, ông Cung Văn Hóa ở Định Công, Hà Nội trong một lần lên thăm người bạn già ở bản Duyên, Tân Thịnh, Định Hóa, Thái Nguyên, thấy một cậu bé chưa đầy 3 tuổi, mặt mũi lấm lem đất cát, cầm bao thuốc ông đang hút lên đọc hồn nhiên: "Hút thuốc lá có hại cho sức khỏe".

Đọc báo từ 3 tuổi
Ngạc nhiên, ông lôi đống cardvisit ra, cậu bé đọc ngon lành, kể các chữ viết tắt như Cty (Công ty), GĐ (giám đốc)... chỉ có duy nhất ký tự @ trên e-mail là cậu bé... bó tay.

Ông lại lôi mấy tờ báo cũ trong cặp ra, cậu bé cũng ngồi đọc vanh vách và chỉ chịu thua các ký tự chuyên ngành và tên nước ngoài. Ngạc nhiên hơn, ông Hóa được biết trong nhà Thân toàn người không biết chữ và cháu chưa được dạy học bao giờ.

Thấy Thân thông minh, sợ sống mãi ở vùng heo hút bị thui chột tài năng nên ông Hóa xin gia đình mang cháu về Hà Nội cho đi học. Xuống thủ đô, có điều kiện học tập, cậu bé Hoàng Thân sớm bộc lộ khả năng của mình.

Tuy vậy, cháu vẫn chưa được đến trường vì chưa đủ tuổi. 4 tuổi, ông Hóa cho Thân đi học mẫu giáo, trong khi các bạn nghe chuyện cổ tích của cô giáo đọc, bập bõm nhận biết hình ảnh đồ vật, con vật thì Thân ung dung ngồi... đọc báo.

Ông Hóa mua các bộ sách lớp 1, lớp 2, lớp 3 về cho Hoàng Thân làm quen nhưng cũng chỉ được 2, 3 tháng là Thân học xong hết và lại tiếp tục... đòi học.

Chờ đến năm Thân bắt đầu bước sang tuổi thứ 4, ông Hóa "đánh liều" lên Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), lên Hội đồng Đội Trung ương xin cho Thân đi học sớm nhưng không được. Trong những ngày ông Hóa tất tả chạy hết cơ quan này, cơ quan nọ thì Thân ở nhà ngồi mày mò với các vỏ nhựa viên thuốc tễ của ông Hóa uống hàng ngày.

Cậu bé sáng tạo được mô hình "Học toán nhanh" - một dụng cụ học tập thay cho các que tính thông thường, giúp thực hiện nhanh các phép tính bằng mô hình. Cũng trong năm đó, ông Hóa gửi mô hình học toán nhanh của Thân tham gia cuộc thi "Sáng tạo dành cho lứa tuổi thanh, thiếu niên nhi đồng lần thứ nhất" do Trung ương Đội Thiếu niên Tiền phong tổ chức.


Trong buổi lễ trao giải, bất ngờ trước sáng tạo khoa học của học sinh "nhí" nhất cuộc thi, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Đặng Huỳnh Mai đã giao cho Công ty Thiết bị giáo dục số 1 sản xuất mô hình "Học toán nhanh" của em để đưa vào ứng dụng giảng dạy và học tập cho học sinh tiểu học cả nước. Đồng thời, Thứ trưởng cũng quyết định đặc cách cho Thân được đến trường trước tuổi, học lớp 1, lớp 2, lớp 3 tùy ý, miễn là có thể theo kịp chương trình.

Thân được cắp sách đến trường, ngay trong buổi sáng đầu tiên, em đã làm tất cả học sinh và thầy cô giáo ngạc nhiên vì kiến thức cũng như tốc độ tư duy của mình. Ngay trong buổi chiều hôm đó, cô giáo lớp 1 lập tức đề xuất cho cháu lên học lớp 2.

Buổi chiều, cậu bé chưa đủ tuổi đi học này cắp cặp lên học với các anh chị lớp 2, Thân lại khiến mọi người đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Và ngay cuối buổi học hôm đó, cô giáo đề xuất, vào sáng mai chuyển Thân lên học lớp 3. Buổi đầu tiên đi học lớp 3, Thân cũng tỏ ra không thua kém các bạn bè trong lớp, tuy nhiên, để tạo sự chắc chắn, cân bằng và giữ sức khỏe cho cháu, ông Hóa chỉ cho Thân học lớp 2 để không quá lạc nhịp về độ tuổi.

Thầy giáo Nguyễn Văn Tấn - Hiệu trưởng Trường tiểu học Đại Kim nói: "Cháu Hoàng Thân là một trường hợp hết sức đặc biệt bởi không hề được ai chỉ dạy mà tự đọc viết được, đó là cái tài hiếm có. Chúng tôi rất tự hào và xem cháu như một trường hợp đặc biệt, tìm mọi cách tạo điều kiện cho cháu phát huy sức sáng tạo của mình".

Chúng tôi tìm đến nhà của bé Thân, hai ông cháu sống trong một căn nhà 10m2 thuê ở xóm sinh viên tại phường Định Công, Hà Nội. Ông Hóa là cán bộ ngành văn hóa nghỉ hưu, mọi thời gian ông đều dành chăm sóc cho đứa cháu nuôi của mình.

Ông bảo: "Thằng bé như mảnh đất khô, đổ bao nhiêu nước cũng không đủ". Trong cậu bé luôn thường trực câu hỏi: "Tại sao thế nhỉ". Nhiều câu hỏi của cậu làm đau đầu người ông suốt mấy ngày trời. Lắm khi ông phải lọ mọ đi hỏi khắp nơi để về giải đáp cho đứa cháu.

Trong căn nhà 10m2, bày đầy những bằng khen, giải thưởng và các công trình của Thân. Khi ông Hóa trò chuyện với khách, tôi quan sát thấy cậu bé Hoàng Thân mân mê hộp bánh bích quy, hết lắp ghép ra hình này rồi hình nọ, được một lúc thì reo lên lên: "A, cháu tìm được cách chia 11 chiếc bánh cho 4 người rồi nhé".

Một lần xem trên tivi thấy cảnh chặt phá rừng, cậu bé đặt câu hỏi: "Lâm tặc là gì? Nếu rừng ngày càng bị tàn phá thì chuyện gì xảy ra?". Cậu bé mày mò sách vở của ông, tìm đọc báo chí và mô hình: "Rừng! Vàng!" đã ra đời. Đó là một mô hình được thể hiện trên bản đồ Việt Nam, bằng các bột màu và đèn nhấp nháy nhằm tạo ra thông điệp các mức độ báo động về sự tàn phá rừng và kêu gọi bảo vệ rừng.

Chúng tôi thật sự bất ngờ khi Thân đứng mô tả công trình của em gọi là: "Rừng! Vàng!". Kỷ yếu cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần II ghi: "Đây là mô hình thể hiện rừng, cây, núi, sông bằng đèn xanh, đỏ nhấp nháy. Những vùng đất không có cây xanh được thể hiện bằng màu hồng, thiên tai, lũ lụt gây nên sụt lở, tàn phá nhà cửa, hoa màu... được thể hiện bằng bóng đèn đỏ nhấp nháy".

Ban Tổ chức cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc lần thứ II năm 2006 trao giải 3 cho tác phẩm của em. Hai lần đoạt giải, đó có thể coi là một kỳ tích đối với cậu bé mới 5 tuổi. Dự định, năm 2007, Thân sẽ tiếp tục tham gia cuộc thi với mô hình "Cẩm nang" và mô hình "Học môn lịch sử".

Giáo sư Hà Ngọc Trạc - Chủ tịch Quỹ Vifotex: "Lúc chấm giải tôi được nghe giới thiệu về Hoàng Thân và hết sức vui mừng, ngạc nhiên trước sức sáng tạo của cháu bé mới 5 tuổi. Một mầm non đáng quý cần được bồi dưỡng một cách khoa học để bộc lộ khả năng đặc biệt". 
Theo Công An Nhân Dân

SEO ngành nghề, cỏ nhân tạo, chuyên sửa máy rửa bát tại hà nội, chuyên sửa chữa tivi tại nhà ở Hà Nội, đặt hàng tượng phật đồ thờ tâm linh làng nghề Sơn Đồng | Điện lạnh Bách Khoa Hà Nội