Đom Đóm-MURAKAMI HARUKI - Phạm Vũ Thịnh dịch

Started by saos@ngmo, 08/10/06, 07:36

Previous topic - Next topic

saos@ngmo

Ngày xửa ngày xưa... Nói cho oai vậy thôi chứ chỉ đâu chừng 14, 15 năm trước, tôi đã có thời sống trong một cư xá sinh viên. Lúc ấy tôi 18 tuổi, vừa mới chân ướt chân ráo vào đại học. Địa lý Tokyo thì hoàn toàn mù tịt, thêm vào đó chưa từng sống một mình bao giờ, nên bố mẹ tôi lo lắng, tìm cách lo cho tôi vào được cái cư xá ấy. Tất nhiên tài chính cũng là một lý do chính khác. Chi phí sinh hoạt trong cư xá rẻ hơn rất nhiều so với việc sống một mình ở Tokyo. Riêng tôi thì thật tình muốn thuê một căn phòng trọ sống một mình cho thoải mái, nhưng nghĩ đến các món tiền nhập học, tiền đóng mỗi học kỳ, thêm với khoản sinh hoạt phí mà bố mẹ sẽ phải gửi cho hằng tháng, tôi không thể đòi hỏi như ý mình được.
Cư xá nằm trên cuộc đất cao của phường Bunkyo, có tầm nhìn thoáng đẹp. Khuôn viên rộng rãi, có tường xi-măng cao bao quanh. Bước qua cổng thì ngay chính diện là một cây cử [1] to tướng, xòe cành lá bao sân. Tuổi cây đâu chừng 750 năm, có khi còn xưa hơn thế nữa. Đứng ở gốc cây nhìn lên không thấy nổi khoảng trời bị che khuất bởi đám lá cành chi chít.
Lối đi tráng xi măng uốn vòng qua khỏi thân cây ấy xong lại thẳng đường cắt ngang khoảng sân giữa rộng rãi. Hai bên sân giữa là hai tòa nhà lớn bằng xi măng cốt sắt ba tầng song song đối mặt nhau. Từ những chiếc cửa sổ mở toang suốt ngày vọng ra tiếng nhạc tuyển từ các đài phát thanh. Màn cửa sổ phòng nào cũng cùng một màu kem vàng nhạt, là màu ít bị nắng chói làm phai đi nhất.
Ngay trước lối đi tráng xi măng là tòa nhà hai tầng bản doanh của ban quản lý cư xá. Tầng trệt có phòng ăn và phòng tắm rộng lớn, tầng trên có giảng đường và phòng hội họp, có cả phòng trọ cho khách quý nữa. Bên cạnh tòa nhà bản doanh, là tòa-nhà-ở thứ ba, cũng ba tầng. Sân giữa rộng lớn, lát cỏ xanh, có những vòi tưới nước xoay vòng dưới ánh sáng mặt trời. Phía sau tòa nhà bản doanh là sân bóng đá kiêm bóng chày, và sáu sân quần vợt. Thiết bị cho một cư xá sinh viên mà được như thế nầy là vạn toàn rồi.
Chỉ có một vấn đề duy nhất! mặc dù có cho là vấn đề hay không cũng tùy theo quan điểm của mỗi người. Đó là việc cư xá được vận doanh bởi một pháp nhân tài chính gồm chủ yếu là những nhân vật cực hữu! Tờ chỉ dẫn nhập cư hay bản quy chế của cư xá ghi: "Hoàn thiện căn bản giáo dục để đào tạo nhân tài hữu ích cho quốc gia" là tinh thần của việc sáng lập cư xá. Và nhiều nhà kinh tài tán trợ tinh thần nầy đã góp tiền của để lập nên... Bề mặt là như thế, nhưng sau lưng thì như thông lệ, cứ mờ mờ ảo ảo, không ai nắm chắc được là thế nào. Người thì cho là để trốn thuế đấy, người lại bảo chẳng qua là trò lừa đảo, dùng danh nghĩa sáng lập cư xá sinh viên để chiếm đoạt lô đất ấy thôi. Có người còn quy kết đấy chỉ là hành vi mua danh không hơn không kém. Nhưng mà sự thật thế nào thì kết cuộc cũng chẳng phải là chuyện gì quan trọng. Chỉ biết là từ mùa xuân 1967 cho đến mùa thu năm sau, tôi đã sinh sống trong cái cư xá ấy. Từ góc độ sinh hoạt thường ngày mà nhìn thì có hữu khuynh hay tả khuynh, ngụy thiện hay ngụy ác gì gì đi nữa, cũng chẳng khác nhau bao nhiêu.
Một ngày của cư xá bắt đầu bằng lễ thượng kỳ trang nghiêm. Tất nhiên là có cả quốc ca. Thượng quốc kỳ, tấu quốc ca là hai thứ bất khả chia lìa mà. Cũng bất khả chia lìa như tin tức thể thao phải đi kčm với các bản hành khúc. Trụ cờ nằm ngay giữa sân, từ cửa sở phòng nào trong cư xá cũng nhìn thấy.
Nhiệm vụ kéo cờ, hạ cờ là trách vụ của tay trưởng khối của tòa nhà phía đông, trong đó có phòng tôi. Đó là một người đàn ông trên dưới 50, cao và có cặp mắt sắc nhọn, tóc cứng có vài sợi bạc, da cổ ăn nắng ngăm đen có một vết sẹo dài. Nghe nói nhân vật nầy xuất thân từ Trường Bộ binh Nakano. Đứng bên cạnh ông ta là tay trợ thủ sinh viên giúp việc kéo cờ, trong tư thế sẵn sàng. Về tay sinh viên nầy thì không ai biết rő ràng. Tóc cắt gọn, lúc nào cũng mặc đồng phục học sinh, không ai biết tên gì, mà ở phòng nào cũng chẳng ai biết. Tôi chưa hề chạm mặt anh ta cả ở phòng ăn lẫn phòng tắm. Ngay cả chuyện anh ta có thật là sinh viên hay không cũng không ai biết rő. Nhưng mà đã mặc đồng phục thì hẳn cũng là sinh viên rồi, chứ gì. Trái với ông Bộ binh Nakano, tay nầy lùn mập và da có trắng hơn. Bộ đôi nầy mỗi ngày cứ đến 6 giờ sáng là thực hành nghi thức thượng kỳ ở sân giữa của cư xá.
Hồi mới vào ở cư xá, tôi thường ra cửa sổ ngắm quang cảnh chào cờ nầy. Sáng 6 giờ, cùng với tiếng chuông báo giờ, đã thấy dáng hai người ở cột cờ. Tay sinh viên mang một hộp dẹt bằng gỗ ngô đồng, ông Bộ binh Nakano mang máy thâu băng xách tay hiệu Sony. Ông Bộ binh Nakano đặt máy dưới chân cột cờ. Tay sinh viên mở hộp gỗ, trong hộp có lá cờ đã xếp gấp cẩn thận. Tay sinh viên nâng lá cờ lên trao cho ông Bộ binh Nakano. Ông Bộ binh Nakano cột lá cờ vào dây. Xong, tay sinh viên nhấn nút trên máy thâu băng. Quốc ca trổi lên. Và quốc kỳ tuồn tuột leo lên cột cờ. Cứ đến khúc "Cho đến khi sỏi đá ..." là cờ lên đến ngay giữa cột, và đến khúc "...bám rong rêu." [2] là lá cờ vừa chạm đỉnh cột cờ. Lúc đó, cả hai đứng thẳng người lấy tư thế "Nghiêm" ngẩng đầu nhìn lên lá quốc kỳ. Gặp ngày đẹp trời mà có thêm chút gió nữa thì thật là một quang cảnh đáng chiêm ngưỡng.
Đến chiều tối thì có nghi lễ hạ kỳ, hình thức cũng tương tự như lễ thượng kỳ buổi sáng sớm, chỉ có thứ tự đảo ngược lại mà thôi. Lần nầy, quốc kỳ trôi tuồn tuột xuống rồi được gấp xếp cẩn thận cho vào hộp gỗ. Cờ không bay ban đêm. Tôi không hiểu tại sao buổi tối lại phải xếp cờ vào hộp. Ban đêm thì quốc gia vẫn còn nguyên đó chứ. Ban đêm vẫn có rất nhiều người làm việc. Những người làm việc đêm không được quốc kỳ gia hộ thì có phải là bất công không? Nhưng mà chuyện nầy cũng không mấy quan trọng, chẳng ai chú ý đâu. Chắc chỉ có mình tôi thắc mắc, mà chính tôi cũng chỉ bâng quơ nghĩ đến thế thôi, chẳng có ý nghĩa gì sâu sắc cả.
Nguyên tắc chia phòng trong cư xá là: sinh viên hai năm đầu thì hai người mọit phòng, lên năm thứ ba, thứ tư thì được phòng riêng. Phòng hai người rộng cỡ sáu chiếu [3] xếp hàng dọc dài và hẹp. Tường trong cùng có cửa sổ khung nhôm. Vật dụng trong phòng thì cực kỳ đơn giản mà bền chắc. Hai cặp bàn ghế, giường hai tầng, hai tủ áo, và một kệ đóng vào tường. Trên kệ thường để máy nghe đài bán dẫn, máy xấy tóc, bình điện đun nước, lọ cà phê uống liền, soong nồi để nấu mì ăn liền, và chén bát, ly tách. Tường quét vôi, dán những trang giữa của tạp chí Playboy. Kệ sách đặt trên bàn học, có sách giáo khoa chen với vài cuốn tiểu thuyết thời thượng.
Phòng của phái nam nên nói chung là dơ bẩn kinh khiếp. Giỏ rác thì dưới đáy còn dính vỏ quít đã mốc meo, lon-bia-không thay gạt-tàn-thuốc thì đóng tàn thuốc đến cả tấc. Cà phê đóng cặn dính cứng trong cốc. Sàn phòng đầy những giấy bao mì ăn liền và lon-bia-không lăn lóc tán loạn. Hễ có gió là bụi từ sàn phòng bốc lên như sương khói. Lại còn mùi hôi nữa. Áo quần cần giặt nhét vào dưới gầm giường. Chăn màn lâu ngày không phơi phóng nên mảnh chăn nào cũng hút giữ đầy mồ hôi và mùi thân thể lưu cữu.
So với tình trạng điển hình ấy thì phòng tôi đúng là sạch sẽ khác thường. Sàn phòng không có chút bụi, cái gạt tàn thuốc lúc nào cũng được rửa sạch. Chăn đắp mỗi tuần phơi ít nhất một lần. Bút chì cắm vào lọ đựng bút cẩn thận. Trên tường thay vì hình gái đẹp thì treo hình chụp kênh đào ở Amsterdam. Được thế là vì bạn ở chung phòng là người ưa sạch sẽ đến mức bệnh hoạn. Nó giành hết mọi việc quét dọn, giặt phơi của cả hai. Tôi khỏi phải động đến một ngón tay. Tôi vừa uống xong lon bia đặt xuống bàn là ngay lập tức lon-không bay biến vào sọt rác.
Bạn chung phòng của tôi chọn ngành Địa lý học. Buổi sơ kiến, nó nói:
- "Tôà tôi ... tôi học đị ... địa... địa lý".
- "Cậu thích địa đồ à?" Tôi hỏi.
- "Ừm, tương lai là vào Viện Đị... Địa... Địa lý Quốc gia, làm đị... địa... địa đồ".
Thế gian nầy có đủ thứ hoài bão thật. Từ trước đến nay, có bao giờ tôi thắc mắc do động cơ nào mà người ta chế ra địa đồ đâu. Đã thế, một anh chàng cứ động đến hai chữ địa đồ là lắp ba lắp bắp, mà lại nuôi chí vào làm trong Viện Địa lý Quốc gia, thì quả là trớ trêu thật. Cậu ta nói lắp cũng tùy chữ, thế nhưng mà hễ gặp chữ "địa đồ" là chắc như bắp, trăm phần trăm, lần nào cũng nói lắp.
Nó hỏi tôi:
- "Còn cậu chuyên ngành nào?"
Tôi đáp:
- "Kịch nghệ".
- "Kịch nghệ thì là diễn tuồng đấy phải không?"
- "Bậy nào. Có diễn tuồng gì đâu. Chỉ nghiên cứu kịch bản thôi. Racine, Ionesco, Shakespeare, vân vân..."
Nó nói ngoài Shakespeare ra mấy cái tên kia nghe lạ hoắc. Mà chính tôi cũng chẳng rành gì mấy cái tên ấy, thấy có ghi trên tờ khái yếu của môn học thì biết thế thôi.
Nó lại hỏi:
- "Nhưng mà, chắc cậu thích ngành ấy lắm nhỉ?"
Tôi đáp:
- "Cũng chẳng thích gì lắm".
Nó ngơ ngẩn. Càng ngơ ngẩn lại càng nói lắp tợn. Tôi có cảm giác đã làm điều không tốt, liền giải thích:
- "Học ngành gì cũng tốt thôi. Triết Ấn Độ hay là Sử Đông Dương, ngành nào cũng tốt, đối với tôi. Chỉ là tình cờ mà chọn kịch nghệ đấy thôi".
- "Khó hiểu thật". Nó nói. "Tô... tôi... tôi ấy à, thích đị... địa... địa đồ mới chọn ngành ấy đấy. Muốn thế nên mới lên tận Tokyo nầy để vào đại học, bắt bố mẹ chi cấp mọi thứ. Thế mà cậu thì lại khác..."
Điều nó nói rất phải, nên tôi dẹp chuyện giải thích thêm. Hai đứa bắt thăm xem ai nằm giường tầng trên hay tầng dưới. Nó được tầng trên. Nó hay đóng bộ cánh quần đen, áo sơ mi trắng. Cao, tóc cắt sát, xương má gồ lên. Đi học thì mặc đồng phục học sinh. Giày và cặp sách đen tuyền. Trông nó có vẻ là một sinh viên khuynh hữu, mà chung quanh lắm người cũng tưởng thế, nhưng thật ra, nó hoàn toàn trăm phần trăm chẳng lý gì đến chính trị. Ăn mặc như thế là vì nó lười chuyện chọn áo quần, vậy thôi. Quan tâm của anh chàng thu hẹp trong phạm vi những sự kiện địa lý, như là biến đổi của đường bờ biển hay là chuyện hoàn thành một đường hầm xe lửa mới. Tôi mà lỡ mồm động đến mấy chuyện đó là nó vừa cà lăm vừa thao thao bất tuyệt, từ giờ nầy sang giờ khác, cho đến khi tôi hét lên, hay ngủ thiếp đi, nó mới ngưng.
Mỗi buổi sáng, cứ đúng 6 giờ là nó thức dậy, quốc ca thay cho đồng hồ báo thức. Xem thế thì chuyện thượng kỳ mỗi sáng cũng không đến nỗi vô ích. Thế rồi nó thay quần áo, ra nhà vệ sinh đánh răng rửa mặt. Mà chuyện đánh răng rửa mặt của nó rất là mất thì giờ. Đến nỗi tưởng như nó lấy từng cái răng ra chùi rửa cẩn thận rồi mới nhét trở lại không bằng. Về lại phòng là vuốt cho thẳng cái khăn mặt, treo thẳng thớm lên móc áo. Bót đánh răng và xà phòng trả ngay ngắn vào ngăn kéo. Xong rồi nó mở máy nghe đài, bắt đầu tập thể dục theo đài.
Tôi hay thức khuya, lúc đã ngủ thì ngủ rất say. Giờ nó bắt đầu tập thể dục theo đài thì lắm lúc tôi vẫn còn mê man ngủ. Thế nhưng, đến phần nhảy tại chỗ của nó thì tôi phải thức dựng đứng lên ngay. Chứ mỗi cú nhảy của nó, mà tay nầy lại nhảy rất cao, làm cái đầu của tôi cũng phải nhảy theo, lên xuống có đến 5 phân trên mặt gối, hỏi làm sao mà ngủ cho được. Chịu đựng đến ngày thứ tư, tôi bảo nó:
- "Xin cậu. Thể dục theo đài thì làm trên sân thượng có được không? Chứ cậu làm ở đây thì tôi không làm sao ngủ được".
- "Ấy, đâu có được". Nó trả lời. "Làm trên sân thượng thì tụi ở tầng ba kêu ca. Còn ở đây tầng trệt, dưới đâu có ai".
- "Vậy cậu ra sân giữa mà tập".
- "Ra đấy không được đâu. Dù thế nào, cũng không có đài bán dẫn để có nhạc. Mà không có nhạc thì không thể tập-theo-đài tốt được".
Đúng là nó chỉ có máy nghe đài chạy điện nhà, tôi thì có đài bán dẫn nhưng lại chỉ nghe được các băng tần FM thôi, không có nhạc cho thể dục theo đài.
- "Thôi thì cậu vặn nhạc nhỏ lại, và bỏ cái khoản nhảy tại chỗ hộ tôi tí. Chứ cậu nhảy thì cả người tôi cũng nhảy tưng tưng theo ấy. Chịu phiền tí nhé?"
- "Nhảy tại chỗ gì?" Nó ngạc nhiên. "Nhả... nhảy... nhảy gì kia?"
- "Đấy, có đoạn cậu nhảy tưng tưng lên ấy mà".
- "Nào có đâu".
Tôi cảm thấy nhức đầu, thôi thì mặc nó muốn làm gì thì làm. Nhưng mà đã lỡ nói ra rồi, đến đây mà rút lui thì cũng không được, nên tôi vừa hát bài đệm thể thao thứ nhất của đài phát thanh quốc gia NHK, vừa nhảy tưng tưng trên sàn phòng.
- "Đây, đoạn nầy nầy. Có đấy chứ sao không".
- "Ŕ, có đoạn nhả... nhảy... nhảy thật đấy nhỉ. Có để ý đâu".
- "Thì đấy". Tôi năn nỉ. "Chỉ đoạn ấy thì cậu bỏ hộ cho. Các đoạn khác tôi gắng chịu được".
- "Không được". Nó nói thẳng thừng. "Đâu có đoạn nào mà bỏ được. Mười năm liên tiếp tập thế rồi, cứ bắt đầu là không cần suy nghĩ... nghĩ... nghĩ gì cũng làm đủ một chuỗi các động tác ấy. Bỏ một đoạn là tịt ngay, không sao làm hế... hết... hết được".
- "Vậy cậu đừng tập gì cả là xong".
- "Nói thế không tố... tốt... tốt đâu. Sao lại ra lệnh cho người ta".
- "Nầy, tôi có ra lệnh gì đâu. Tôi chỉ muốn được ngủ ít nhất là đến 8 giờ. Mà cho dù có phải thức dậy sớm hơn thì cũng muốn tự mình thức dậy tự nhiên thôi, chứ không muốn bị đánh thức như kiểu súng lệnh chạy đua giành bánh ấy. Chỉ có thế thôi. Cậu hiểu cho tôi không?"
- "Chừng ấy thì hiểu chứ".
- "Vậy, cậu nghĩ thế nào?"
- "Thế thì, cậu cũng dậy tập thể dục theo đài với tớ là tốt nhất chứ gì".
Tôi chán nản, ngủ lại. Và hắn sau đó vẫn tiếp tục thể dục theo đài, ngày nào như ngày nấy.
*
Tôi kể chuyện bạn cùng phòng và cách tập thể dục theo đài của nó cho em nghe, em cười khúc khích. Không định kể chuyện cười, mà rồi kết cuộc tôi cũng cười theo. Đã lâu lắm tôi mới được thấy lại nét em cười, dù chỉ trong giây phút rồi tan biến đi mất.
Tôi và em rời tàu điện ở ga Yotsuya, bước đi trên con đê ven đường rầy tàu điện, về hướng Ichigaya. Một buổi chiều Chủ Nhật của tháng Năm. Cơn mưa buổi sáng đã dứt đâu khoảng trưa, những đám mây màu tro u ám, trĩu thấp nặng nề, đã bị luồng gió Nam thổi bay đi mất. Đám lá anh đào màu xanh đậm đà theo gió xao động lấp lánh. Ánh nắng đã bắt đầu có mùi hương tinh khôi của những ngày đầu mùa hạ. Những người đi ngược chiều phần nhiều đã cởi áo khoác, áo len, vắt lên vai. Sân quần vợt có những thanh niên chỉ mặc quần đùi ngắn, quơ những chiếc vợt vành kim loại lấp lánh phản chiếu mặt trời chiều.
Chỉ có hai bà phước đang ngồi cạnh nhau trên băng ghế là còn mặc áo chùng mùa đông màu đen phủ kín. Vậy mà cả hai như đang vui say câu chuyện, đến tưởng chừng mùa hạ vẫn còn ở nơi nào xa lắm.
Đi bộ đâu 15 phút là mồ hôi đã rịn ra khắp lưng áo. Tôi cởi bớt chiếc áo sơ-mi bằng vải dày, chỉ còn mặc áo lót. Em cuốn tay áo của chiếc áo thể thao màu tro nhạt lên đến khủy tay. Chiếc áo qua nhiều lần giặt đã phai nhạt đi, tôi tưởng chừng đã thấy em mặc từ kiếp nào xa lắm. Nhưng chỉ có cảm giác thế thôi. Dạo nầy tôi không nhớ ra được tinh tường nhiều sự việc; tất cả mọi chuyện đều như xảy ra từ kiếp nào xa lắc.
- "Sống chung với người khác có vui không anh?" Em hỏi.
- "Nào biết đâu. Đã sống chung thế được bao lâu đâu mà biết".
Em dừng chân lại trước vòi nước uống, uống một ngụm nhỏ, rồi lấy khăn tay trong túi quần ra lau miệng. Em cúi xuống cột lại dây giầy quần vợt.
- "Em có sống như thế được không nhỉ?"
- "Sống chung với người khác ấy à?"
- "Vâng". Em nói.
- "Thấy vậy chứ cũng có nhiều chuyện phiền phức hơn mình tưởng đấy. Chẳng hạn như các quy luật nhỏ nhặt, hay chuyện thể dục theo đài ấy".
- "Ừ nhỉ". Em nói, suy nghĩ một lúc rồi nhìn sâu chăm bẳm vào mắt tôi. Mắt em trong suốt một cách dị thường. Tôi lạ lùng sao từ lâu không để ý mắt em trong suốt đến như thế. Cảm giác trong suốt dị kỳ, như nhìn vào khoảng không.
- "Vậy mà, đôi khi em nghĩ cần phải sống chung như thế. Nghĩa là..."
Em nói, mắt vẫn nhìn sâu vào mắt tôi, môi cắn nhẹ, rồi em nhìn xuống.
- "Em cũng chẳng hiểu nữa. Mà thôi vậy ..."
Đối thoại ngưng ở đấy. Em lại tiếp tục bước đi.
Đã nửa năm rồi tôi không gặp em. Trong vòng nửa năm ấy, em đã gầy đi trông thấy. Đôi má phính đặc trưng ngày nào đã biến đâu mất, chiếc cổ tròn cũng đã thon nhỏ hơn. Thế nhưng em hoàn toàn không có vẻ xương xẩu gì cả. Tôi lại thấy em xinh đẹp hơn bao giờ. Định nói với em điều ấy, nhưng rồi chẳng biết nói như thế nào, đành thôi.
Hai đứa đến Yotsuya nầy cũng chẳng phải vì có mục đích gì, chỉ tình cờ gặp nhau trong tàu điện trên tuyến đường trung ương. Cả tôi lẫn em đều không có dự định gì. Em bảo xuống xe đi, tôi cũng nghe theo. Xuống rồi mới biết là ga Yotsuya. Còn lại hai người mà thật cũng chẳng có chuyện gì để nói. Tôi không hiểu em bảo tôi cùng xuống ga nầy vì lý do gì. Ngay từ đầu, đã không có chuyện gì cần nói với nhau.
Rời ga xong, em chẳng nói gì, xăm xăm bước đi. Tôi cũng bước như đuổi theo em. Giữa em và tôi vẫn có khoảng cách chừng một thước. Tôi bước đi vừa nhìn lưng em. Rồi thỉnh thoảng em ngoái đầu lại nói, và tôi có lúc trả lời được, có lúc không biết trả lời sao. Cũng có lúc em nói gì tôi không nghe rő. Nhưng em có vẻ không để ý gì đến điều ấy. Nói điều muốn nói xong, em quay đầu lại phía trước mà tiếp tục bước tới.
Hai đứa rẽ phải ở khoảng Iidabashi, rời khỏi hào, vượt qua ngã tư Jimbocho, leo dốc Ochanomizu, xuyên qua khu Hongo. Rồi đi dọc theo đường tàu điện lộ thiên, đến tận Komagome. Khoảng cách khá xa. Đến Komagome thì trời đã tắt nắng.
- "Đây là đâu anh?"
- "Komagome đấy". Tôi đáp. "Đi một vòng xa quá".
- "Đến đây làm gì thế?"
- "Em dẫn đi cơ mà. Anh chỉ đi theo đấy thôi".
Hai đứa vào quán mì Nhật cạnh ga, ăn nhẹ. Từ lúc gọi mì cho đến khi ăn xong không nói một lời nào. Tôi thì đi bộ mệt, thân thể gần như rã ra, còn em có vẻ suy nghĩ gì lung lắm.
- "Em có sức gớm nhỉ?" Tôi nói sau khi ăn mì xong.
- "Ngạc nhiên lắm hả?"
- "Ừ".
- "Xem thế nầy chứ hồi trung học đã là tuyển thủ chạy đường dài đấy nhé. Thêm vào đấy, bố em thích leo núi, nên hồi nhỏ, cứ Chủ Nhật là đi leo núi. Cho nên bây giờ vẫn lưng vững chân mạnh đấy chứ".
- "Nhìn thì chả thấy thế đâu".
Em cười.
- "Thôi, để anh đưa về nhé?"
- "Không phiền anh đâu, em về một mình được mà. Khỏi phải lo".
- "Anh hoàn toàn không bận gì cả đâu".
- "Thật tình không sao đâu, em về một mình quen rồi".
Thật ra, em nói cho như thế, tôi cũng nhẹ nhőm một phần. Nhà trọ của em, phải đi tàu điện hơn một tiếng đồng hồ mới đến nơi, mà suốt quãng đường ấy, hai đứa không có chuyện gì để nói, cứ im lặng tựa lưng vào ghế như thế, cũng chán. Kết cuộc, em về một mình, và tôi chịu phần trả tiền bữa ăn. Lúc sắp chia tay, em nói:
- "Anh nầy, nếu tiện... nếu không có gì phiền, có thể gặp nhau nữa không? Tất nhiên, em vẫn biết là không có quyền gì để hỏi như thế cả".
- "Có gì mà phải nói đến chuyện quyền?" Tôi ngạc nhiên.
Em thoáng đỏ mặt, có lẽ vì thấy tôi ngạc nhiên.
- "Khó nói quá". Em phân trần. Em bối rối cuốn hai tay áo lên đến khủy tay xong lại cuốn ngược trở lại. Ánh đčn nhuộm những lông măng trên cánh tay em màu vàng óng thật đẹp.
- "Em không định nói là quyền. Định nói một lời gì khác kia".
Em tựa khủy tay lên bàn, nhắm đôi mắt lại tìm lời nói cho đúng, nhưng lời nói ấy không thấy đâu.
- "Không sao cả đâu". Tôi nói.
- "Không làm sao nói cho đúng ý mình được. Dạo nầy em cứ bị thế mãi. Lúc nào có chuyện định nói, cũng chỉ có những lời nói trật chìa thốt ra, lúc thì sai, lúc thì hoàn toàn ngược lại với điều muốn nói. Rồi vì muốn đính chính những lời ấy, lại nghĩ ra những lời sai hỏng khác, cứ xáo trộn cả lên mà nói trật chìa hết. Cảm thấy như thân thể tách ra làm hai, nửa nầy đuổi bắt nửa kia. Như ngay chính giữa có cây cột thật to, hai nửa ấy cứ đuổi nhau chạy vòng vòng quanh chiếc cột. Lời nói đúng ý mình thì lại nằm trong nửa kia, còn em trong nửa nầy cứ phải chạy đuổi theo mà không bao giờ bắt kịp".
Em đặt cả hai bàn tay xuống bàn, nhìn tôi đăm đăm, nói tiếp:
- "Điều ấy, anh hiểu được không?"
- "Cảm giác ấy không ít thì nhiều ai cũng có đấy". Tôi nói. "Ai cũng có lúc không sao diễn tả được ý mình, nên thấp thỏm, thế thôi".
Nghe tôi nói thế, em có vẻ thất vọng.
- "Điều đó khác chứ". Nhưng em chỉ nói thế, không thêm gì hơn.
Tôi nói:
- "Gặp nhau cũng đâu có sao. Bề nào anh cũng đang rảnh. Không làm gì cả thì chi bằng đi bộ với nhau như thế nầy lại tốt cho thân thể hơn".
Hai đứa chia tay ở ga. Tôi nói:
- "Em về". Em cũng nói em về.
*
Lần đầu tiên tôi gặp em là khoảng mùa xuân năm tôi học năm thứ hai trung học. Em cùng tuổi với tôi, và đang học trường Dòng con gái dành cho con nhà gia giáo. Giới thiệu em cho tôi là đứa bạn thân của tôi. Hắn và em là người yêu của nhau. Hai người là bạn chơi với nhau từ hồi còn bé, từ Tiểu học. Hai nhà cách nhau chừng trăm thước. Cũng giống như nhiều cặp bạn bč từ thời thơ ấu, hai người không có nguyện vọng muốn gặp riêng chỉ hai người với nhau, mà thường qua nhà nhau ăn uống vui đùa chung với cả gia đình. Tôi có vài lần cũng đi chơi hẹn hò hai cặp cùng với họ, nhưng lần nào cặp của tôi cũng không đạt đến kết quả luyến ái nào, nên cuối cùng, tôi cùng hắn và em trở thành một bộ ba đi chơi với nhau. Mà như thế lại thoải mái nhất. Vai trò của tôi là khách, hắn là chủ, và em vừa đóng vai phụ tá, vừa đóng vai chính.
Hắn đóng vai trò chủ chốt rất tài tình. Có khuynh hướng châm chọc người khác có hơi thẳng thừng, nhưng bản tính vốn tử tế và công bình. Hắn châm chọc cả tôi lẫn em bằng những lời bỡn cợt không phân biệt bạn hay người yêu. Thấy bên nào yên lặng là hắn lại gợi chuyện rất khéo để bên ấy tham gia vào câu chuyện chung. Hắn có khả năng nắm bắt tình hình tức khắc và đối ứng thích đáng. Hắn lại có cái tài ít người có là nhìn thấy được nhiều điểm lý thú ngay trong những câu chuyện nghe qua chẳng thú vị gì của người đối thoại. Thế nên nói chuyện với hắn, tôi nhiều lúc cảm thấy như mình cũng đang sống một đời lý thú.
Nhưng một khi hắn rời đi là tôi và em chẳng còn biết nói chuyện gì với nhau. Hầu như giữa tôi và em không có câu chuyện gì chung. Những lúc như thế, tôi và em thường chẳng trao đổi lời nào, chỉ mân mê cái gạt tàn thuốc trên bàn, hay nhấm nháp ly nước, chờ hắn trở lại. Có mặt hắn thì lại chuyện trò rôm rả như trước.
Ba tháng sau đám tang hắn, tôi và em chỉ gặp nhau một lần. Có chút chuyện cần nên hẹn gặp nhau ở quán trà. Chuyện cần ấy giải quyết xong thì rồi chẳng có chuyện gì để nói với nhau. Sau đó, tôi có thử gọi điện thoại cho em vài lần, nhưng lần nào câu chuyện cũng chấm dứt nửa chừng. Thêm vào đó, cách nói chuyện của em khiến tôi cảm thấy vương vướng góc cạnh gì đấy. Có vẻ như em giận tôi vì một lẽ gì đấy mà tôi không hiểu. Rồi tôi và em xa nhau.
Có thể em giận tôi vì người cuối cùng gặp được hắn lại là tôi mà không phải là em. Nói thế có lẽ không nên, nhưng mà tôi có thể thông cảm tâm tình ấy. Tôi muốn hiểu cho em, nếu được. Nhưng mà kết cuộc chuyện đã xảy ra như thế thì đâu có thể làm gì được nữa. Chuyện một khi đã xảy ra rồi thì cố gắng cách mấy đi nữa, cũng đâu có thể xóa đi làm lại được.
Buổi chiều tháng Năm ấy, tôi và hắn trên đường từ trường về, nói cho đúng thì không phải học xong, mà là bỏ buổi học nửa chừng, ghé quán bi-da chơi khoảng bốn ván. Tôi chỉ thắng ván đầu, còn thì hắn tóm gọn cả ba ván sau, nên đúng như giao hẹn, tôi đã trả trọn tiền bàn.
Đêm ấy, hắn chết trong nhà xe. Ống cao su nối vào ống thải khí của chiếc xe N360 [4], dẫn vào trong xe đã đóng cửa kín mít, và băng nhựa to bản đã bít kín các khe hở cửa sổ, cứ như thế mà cho nổ máy xe. Không hiểu bao lâu sau thì hắn chết, chỉ biết bố mẹ hắn đi thăm người bà con bị bệnh trở về thì thấy hắn đã chết rồi. Máy nghe đài trong xe vẫn mở suốt. Kẹp vào que gạt nước mưa trên kính xe là tấm biên nhận của cây xăng.
Di thư đã không có mà động cơ tự sát cũng không ai hiểu. Là người đã gặp hắn lần cuối cùng, tôi bị cảnh sát thẩm vấn. Tôi khai là hoàn toàn không thấy có triệu chứng gì khác thường ở hắn, vẫn y như mọi ngày tôi gặp hắn. Có ai định tự sát mà lại thắng liên tiếp ba ván bi-da đâu. Cảnh sát có vẻ có ấn tượng không mấy tốt về cả hắn lẫn tôi. Chắc họ nghĩ những đứa mới trung học mà đã trốn học đi đánh bi-da, thì có tự sát cũng không có gì lạ. Chỉ có một mảnh tin nhỏ trên báo, chấm dứt sự kiện. Chiếc N360 màu đỏ của hắn đã xử trí xong. Bàn học của hắn trong lớp được chưng hoa trắng một thời gian.
Lúc vừa xong trung học, lên Tokyo, tôi chỉ tâm niệm một điều duy nhất. Đó là việc gì cũng vậy, gắng không suy nghĩ thâm sâu quá. Tôi dặn lòng là phải quên quách đi cái bàn bi-da phủ vải nhung màu lục, chiếc N360 màu đỏ, cánh hoa trắng trên bàn học... Cả cục chặn giấy nặng trịch đặt trên bàn ở phòng tra vấn của cảnh sát. Tất cả mọi thứ, phải quên hết đi. Lúc đầu thấy có vẻ thuận chiều như ý định ấy thật. Thế nhưng trong trí tôi vẫn có cái gì đấy, lởn vởn mơ hồ như không khí. Theo với thời gian, không khí đó bắt đầu kết tụ rő rệt dần, thành một thứ hình dạng đơn giản, mà tôi có thể dùng lời nói để phô diễn như thế nầy: "Tử không phải là đối cực của Sinh, mà tồn tại như một phần của Sinh". Nói quách ra thành lời như thế thì hóa ra có vẻ tầm thường đến phát chán. Hoàn toàn tổng quát. Nhưng mà lúc bấy giờ, tôi đã cảm nhận điều đó, không phải bằng lời nói như thế, mà như một khối không khí bên trong thân thể mình. Cái chặn giấy cũng vậy mà bốn trái banh bi-da sắp hàng trên bàn bi-da cũng vậy, Tử đã tồn tại sẵn bên trong. Và mọi người giống như đã hấp thụ Tử như hít một hạt bụi li ti vào sẵn trong phổi mình mà tiếp tục sống.
Từ trước, tôi nhận thức Tử như một tồn tại độc lập, phân ly khỏi mọi thứ gì khác trên đời. Nói rő hơn: Tử một ngày nào đó chắc chắn sẽ tóm được ta. Nhưng thế cũng có nghĩa ngược lại là cho đến khi Tử tóm được ta, thì ta vẫn chưa bị Tử tóm. Đối với tôi, như thế là tư duy vô cùng nghiêm trang và luận lý. Sinh hiện hữu ở phía bên nầy, còn Tử hiện hữu ở phía bên kia.
Nhưng cái đêm bạn tôi chết mất đi đã vạch một lằn ranh, từ đó tôi không còn có thể nhận thức Tử một cách đơn thuần như thế nữa. Tử không phải là đối cực của Sinh. Tử đã có sẵn trong Sinh rồi. Cố gắng cách mấy đi nữa, tôi cũng không thể quên được điều ấy. Bởi vì cái đêm tháng Năm tôi 17 tuổi đó, Tử đã bắt đi bạn tôi mà cũng vừa bắt được cả tôi nữa.
Tôi nhận thức rő ràng như thế, đồng thời, tôi vừa tránh không suy nghĩ thâm sâu về điều ấy. Mà làm thế là chuyện vô cùng khó khăn cho tôi, lúc ấy mới 18 tuổi, còn non dại quá để có thể truy cứu đến trọng tâm của chuyện đời.
Từ ngày ấy, tôi vẫn tiếp tục hẹn hò với em mỗi tháng một hai lần. Nói hẹn hò cũng tạm đúng, mà tôi cũng không tìm ra chữ nào thích đáng hơn.
Dạo ấy, em theo học một đại học dành cho nữ sinh ở ngoại vi Tokyo, một đại học xinh xắn và trang nhã nổi tiếng. Từ nhà trọ của em đi bộ đến trường không đến 10 phút. Trên đường có lạch nước thật đẹp, thỉnh thoảng em vẫn dạo quanh đấy. Có vẻ em không có bạn bč nào. Em vẫn nói nhỏ giọt như trước. Mà tôi cũng ít nói vì thật cũng chẳng có gì cần nói. Gặp nhau, hai đứa cũng chỉ im lặng bước đi. Nhưng không vì thế mà hoàn toàn không có tiến triển gì cả đâu. Khoảng gần hết kỳ nghỉ hč thì em dần dần đã bước sóng đôi bên cạnh tôi một cách tự nhiên. Vai bên vai, lên dốc xuống dốc, qua cầu qua đường, hai đứa đã đi bên nhau rất lâu. Cứ đi bên nhau như thế chẳng cần phải đến đâu hay làm gì. Đi một hồi, lại ghé vào quán cà-phê, uống xong lại tiếp tục đi. Chỉ có thời tiết là thay đổi, mùa nầy tiếp mùa khác trôi qua như thay phim dương bản. Mùa thu đến, sân giữa của cư xá phủ đầy những lá khô của cây cử. Áo len mặc vào đã có hương của mùa mới. Tôi cũng mới mua một đôi giày da Thụy Điển.
Mùa thu qua, khi gió lạnh bắt đầu thổi, thỉnh thoảng em tựa người vào cánh tay tôi. Xuyên qua lớp vải dày của chiếc áo khoác có mũ, tôi cảm nhận được nhịp thở của em. Nhưng chỉ có thế thôi. Tôi vẫn đút hai tay vào túi áo khoác, bước đi như mọi khi. Cả tôi lẫn em đều đi giày đế cao su nên thường không nghe tiếng chân bước. Chỉ khi nào dẫm lên lá ngô đồng khô nhăn nhúm mới nghe có tiếng chân khô khốc. Có vẻ em không tựa lên cánh tay tôi, mà em đang tựa lên cánh tay ai đó. Em không tìm hơi ấm của tôi, mà em đang tìm hơi ấm của ai đó. Không biết có đúng như thế không, nhưng quả thật tôi đã có cảm giác như thế.
Tôi càng thấy đôi mắt em trong suốt hơn trước, cái vẻ trong suốt chơi vơi mãi như thế. Đôi lúc dưng không em nhìn sâu đăm đăm vào mắt tôi, làm dấy lên trong lòng tôi một nỗi buồn man mác.
Tụi bạn trong cư xá hễ thấy tôi ra đi mỗi khi nhận được điện thoại của em ngày Chủ Nhật, là trêu chọc. Không trách được tụi nó nghĩ là tôi có người yêu. Mà tôi cũng mặc kệ tụi nó, vì không sao giải thích được, mà cũng chẳng có lý do gì phải giải thích. Từ chỗ hẹn hò trở về là thế nào cũng bị một tên trong bọn hỏi chuyện làm tình có "đã" không. Và lần nào tôi cũng đáp: cũng tàm tạm.
Cứ thế, tuổi 18 của tôi cũng qua đi. Mặt trời lên, mặt trời lặn, quốc kỳ lên, quốc kỳ xuống. Chủ Nhật thì hẹn hò với người yêu của bạn mình đã chết. Tôi hoàn toàn chẳng biết mình đang làm gì lúc nầy, và sẽ làm gì từ đây về sau. Ở lớp học, tôi đọc Claudel, đọc Racine, đọc Eisenstein, thấy họ viết câu văn nào ra câu văn ấy. Nhưng cũng chỉ học có thế thôi. Tôi hầu như không có bạn bč nào trong lớp học. Giao tế với tụi bạn trong cư xá thì vẫn không có gì thay đổi. Thấy tôi như lúc nào cũng đọc sách, tụi nó nghĩ tôi định sẽ là tiểu thuyết gia, nhưng thật tình tôi chẳng muốn thành tiểu thuyết gia, mà cũng chẳng muốn thành gì cả.
Tâm tình ấy, tôi đã lắm lần định tỏ bày với em. Tôi mường tượng rằng em thì có thể hiểu đúng được điều tôi nghĩ. Nhưng rồi tôi cũng không nói được với em. Như có lần em đã nói, lúc nào tôi cố tìm cho ra lời chính xác để diễn đạt ý mình, thì lời chính xác ấy cũng rời xa khỏi tầm tay với của tôi mà chìm tuốt xuống hố tối thăm thẳm.
Cứ đến tối Thứ Bảy là tôi lại ngồi trên ghế ở hành lang cư xá, chờ điện thoại của em. Có khi suốt ba tuần không có điện thoại, cũng có khi có điện thoại hai tuần liên tiếp. Nhưng dù có hay không có, mỗi tuần cứ đến tối Thứ Bảy là tôi lại ngồi trên ghế ở hành lang cư xá, chờ điện thoại của em.
Tối ThO

SEO ngành nghề, cỏ nhân tạo, chuyên sửa máy rửa bát tại hà nội, chuyên sửa chữa tivi tại nhà ở Hà Nội, đặt hàng tượng phật đồ thờ tâm linh làng nghề Sơn Đồng | Điện lạnh Bách Khoa Hà Nội